Sau khi Trump cảnh báo ông có thể bị bắt, các đồng minh của ông đã sử dụng thế đa số mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ tại Hạ viện Mỹ để yêu cầu công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg ra điều trần, trong nỗ lực ngăn chặn cuộc điều tra liên quan tới cựu tổng thống.
Ông Trump đang đối mặt nguy cơ bị truy tố vì cáo buộc chi 130.000 USD, thông qua luật sư thân tín Michael Cohen, để che giấu mối quan hệ với diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016.
Cuộc điều tra của công tố viên Bragg dường như đang đi đến giai đoạn quyết định và các cơ quan hành pháp New York được cho là đang lên kế hoạch đảm bảo an ninh khi công bố lệnh truy tố ông Trump vào tuần sau.
Chiến lược mà các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang áp dụng không mới mẻ. Ông Trump từ lâu đã có xu hướng công kích dữ dội bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn tung ra những thách thức pháp lý nhằm vào mình. Nhưng với chiến dịch chống lại công tố viên Bragg, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang đẩy phương pháp của cựu tổng thống đi xa hơn một bước.
“Đó là một chiêu chính trị”, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 20/3 thừa nhận, khẳng định không có gì sai trái khi các đồng minh của cựu tổng thống công khai chỉ trích một công tố viên khi người này đang thực hiện nhiệm vụ. Theo cách ông lý giải, các ủy ban Hạ viện có quyền đặt câu hỏi với công tố viên Bragg.
Một trong những nguyên tắc chính có thể áp dụng trong bất kỳ bản cáo trạng nào là tất cả mọi người, kể cả cựu tổng thống, đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng để có thể truy tố Trump, công tố viên phải bác bỏ được lập luận rằng ông bị nhắm mục tiêu vì động cơ chính trị và do đó bị đối xử không công bằng.
Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã cố lái vấn đề theo hướng này trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 21/3.
“Tôi thực sự lo lắng khi nhìn ra ngoài kia và nhận thấy công lý không bình đẳng với mọi người”, ông cho hay. “Và điều đáng nói là một công tố viên địa phương lại tham gia vào cuộc chơi chính trị liên quan tới cựu tổng thống. Nếu nó xảy ra ở đây, liệu nó có tiếp tục diễn ra ở những nơi khác trên toàn nước Mỹ không?”
Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã cáo buộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp và những cơ quan chính phủ khác của Mỹ lợi dụng quyền lực của mình để phục vụ mục đích chính trị, nhưng dường như họ cũng đang đi theo con đường này trong nỗ lực bảo vệ Trump.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan gọi cuộc điều tra ở Manhattan nhằm vào cựu tổng thống Trump là “một trò lừa bịp” và đặt câu hỏi liệu chính phủ liên bang có chi ngân sách cho hoạt động này hay không. “Chúng tôi không tin ông Trump vi phạm luật”, Jordan tuyên bố.
Jordan và hai chủ tịch ủy ban Hạ viện khác đã yêu cầu công tố viên Bragg ra điều trần liên quan đến cuộc điều tra và cáo buộc ông “lạm dụng quyền công tố chưa từng có.”
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bragg khẳng định ông sẽ không khuất phục trước “những nỗ lực phá hoại quy trình tố tụng và không để những lời buộc tội vô căn cứ ngăn cản chúng tôi áp dụng luật một cách công bằng”.
Người phát ngôn cũng bác bỏ tuyên bố của đảng Cộng hòa rằng Bragg đã phớt lờ nhiều hành vi tội phạm bạo lực ở New York vì quá chú tâm tìm chứng cứ để truy tố cựu tổng thống Trump nhằm “trả thù chính trị”.
Các thành viên đảng Cộng hòa hiện không nắm rõ Bragg đang có trong tay những bằng chứng nào chống lại ông Trump, ngoài những suy đoán trên truyền thông và một vụ án trước đó liên quan đến luật sư Cohen, người từng phải ngồi tù vì gian lận thuế, khai man trước quốc hội và vi phạm luật tài chính vận động tranh cử. Cohen đóng vai trò quan trọng trong cáo buộc mà công tố viên quận Manhattan đang điều tra về ông Trump.
Theo giới quan sát, việc đảng Cộng hòa công kích những nỗ lực truy tố ông Trump gợi nhớ về quãng thời gian ông Trump còn nắm quyền ở Nhà Trắng và liên tục phá vỡ các khi các quy ước, quy tắc chung.
Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cảnh báo khả năng bên công tố thắng vụ kiện trước tòa là không chắc chắn. Việc truy tố thất bại một cựu tổng thống sẽ để lại những hậu quả sâu rộng và có thể làm sâu sắc thêm tình trạng phân cực chính trị vốn đã rất trầm trọng của Mỹ.
Cựu tổng thống Trump và các đồng minh của ông chắc chắn sẽ tận dụng sai lầm này để củng cố thông điệp rằng mọi động thái nhằm vào ông, như luận tội hay điều tra, đều mang tính đảng phái và phi lý, bình luận viên kỳ cựu từ CNN Stephen Collinson nhận xét.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ lo ngại trước câu hỏi tại sao công tố viên trước đây không theo đuổi vụ kiện chống lại ông Trump về khoản chi 130.000 USD được cho là nhằm “bịt miệng” sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, mà phải chờ tới hơn 6 năm sau, khi ông Trump đã tuyên bố ra tranh cử.
“Tình tiết của vụ án đều đã cũ. Câu hỏi lớn tôi đặt ra là điều gì đã thay đổi gần đây hay trong năm qua dẫn chúng ta đến bối cảnh hiện nay”, chuyên gia phân tích pháp lý Carrie Cordero nêu vấn đề.
Một câu hỏi khác là những cáo buộc có thể dẫn tới lệnh truy tố ông Trump phụ thuộc như thế nào vào lời khai và bằng chứng mà luật sư Cohen đưa ra.
Robert Costello, luật sư từng đại diện cho các đồng minh của ông Trump như Steve Bannon hay Rudy Giuliani, hồi đầu tuần xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn để cung cấp bằng chứng chống lại lời khai từ Cohen, người thừa nhận đã chi cho Daniels 130.000 USD để ngăn cô công khai mối quan hệ “ngoài luồng” với cựu tổng thống. Ông Trump phủ nhận điều này.
“Tôi đã nghe Michael Cohen đứng trước tòa án và khai những điều hoàn toàn trái ngược với những gì ông ấy nói với chúng tôi”, Costello cho hay.
Lời khai của Costello khiến các chuyên gia pháp lý hoài nghi về khả năng ông có thể tác động tới quyết định cuối cùng của đại bồi thẩm đoàn, nơi định đoạt việc truy tố ông Trump.
Ý tưởng rằng ông Trump sẽ bị truy tố chỉ dựa vào lời khai của Cohen mà không có bằng chứng xác thực dường như là điều bất khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều mà công chúng chưa biết trong cuộc đấu tranh pháp lý mới nhất này.
“Dù vậy, điều đó khó lòng dập tắt được cơn địa chấn sẽ mạnh lên trong những ngày tới, sau khi ông Trump kêu gọi người ủng hộ biểu tình để phản đối nỗ lực truy tố ông và một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của nền chính trị Mỹ”, Collinson lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Để lại một phản hồi