‘Việt Nam tích cực hợp tác xử lý thách thức tại lưu vực sông Mekong’

Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 5/4 về đến sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến tham dự hội nghị cấp cao Uỷ hội sông Mekong (MRC) lần thứ tư tại Lào. Trả lời báo chí sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt điểm lại các thông điệp Thủ tướng nêu ra tại hội nghị.

Thủ tướng đã khẳng định cam kết của Việt Nam với Hiệp định Mekong năm 1995 và kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ. Ông nhấn mạnh về cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong khai thác, sử dụng nguồn nước ở sông Mekong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các hoạt động hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển giao thông đường thuỷ bền vững, phối hợp xử lý tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng nền kinh tế xanh. Ông kêu gọi các nước đối tác, nhất là các nước thượng nguồn, chia sẻ dữ liệu, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm.

“Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó các thách thức”, Thứ trưởng Việt nhận xét.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào ngày 5/4. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào ngày 5/4. Ảnh: Dương Giang

MRC là tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác tại hạ lưu sông Mekong. Hội nghị cấp cao MRC được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên 4 năm một lần tại các nước thành viên.

Hội nghị cấp cao MRC lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đang đối mặt thách thức do tác động kép của biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên nước. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của hơn 60 triệu người dân toàn lưu vực, trong đó có ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo chính phủ 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan, cùng đại diện của hai nước đối thoại là Trung Quốc, Myanmar và 12 đối tác phát triển cũng như các tổ chức quốc tế, khu vực.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng các nước đều có những ưu tiên, quan tâm riêng, nhưng điểm tương đồng của các nước thành viên Uỷ hội là nhu cầu tăng cường hợp tác, xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển chung để bảo đảm sự phát triển bền vững của lưu vực.

Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm cuộc sống cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.

Hoài Thu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*