Belarus kêu gọi thế giới gom vũ khí hạt nhân để tiêu hủy

“Tôi có quan điểm rõ ràng về vấn đề. Tôi tin rằng toàn bộ vũ khí hạt nhân nên được chất thành đống và tiêu hủy vào một thời điểm nào đó”, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết trong chương trình phát trên kênh truyền hình Nga Rossiya 1 ngày 6/4.

Ông Lukashenko nói đồng tình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi ông chủ Điện Elysee cho rằng không thể chấp nhận việc một quốc gia đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước khác. Nhưng theo Tổng thống Belarus, Mỹ cũng nên rút vũ khí hạt nhân họ đã bố trí tại các quốc gia Italy, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Hãy tập hợp toàn bộ vũ khí hạt nhân và tiêu hủy chúng. Đó là lựa chọn tốt nhất. Trong thời gian chờ, chúng tôi sẽ làm giống như họ”, ông Lukashenko cho biết thêm, nhắc đến việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Lãnh đạo Belarus còn mô tả ông Macron là “nhà chỉ trích suông”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu tại Điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu tại Điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông chủ Điện Kremlin cho biết động thái này “không có gì bất thường” và Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Ông khẳng định không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí cho Minsk.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov ngày 2/4 cho biết Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến sát biên giới phía tây của Belarus.

Belarus phía tây giáp với ba thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Tổng thống Lukashenko ngày 31/3 nói phương Tây “âm mưu xâm chiếm Belarus” và việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ giúp bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich ngày 6/4 nói không có yêu cầu quân sự cụ thể nào về việc triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới của Minsk với các nước láng giềng. Theo Volfovich, Belarus có 43 cơ sở vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ từ thời Liên Xô và “tất cả đều được bảo toàn”. Thời gian triển khai vũ khí sẽ do tổng thống hai nước quyết định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích kế hoạch của Nga, coi đây là cuộc trao đổi “nguy hiểm”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu kêu gọi Belarus không cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ, dọa áp thêm trừng phạt với Minsk.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.

Như Tâm (Theo TASS, AP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*