Sức công phá của vũ khí hạt nhân Nga định đưa tới Belarus

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, tương tự hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh trong nhiều thập kỷ qua. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ.

Nhiều nước từ năm ngoái đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong xung đột với Ukraine. Tuyên bố của ông Putin khiến nỗi lo này càng tăng thêm, trong bối cảnh Tổng thống Nga từng nói rằng nước này “không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” nếu chủ quyền và lợi ích quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Giới chuyên gia định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì gây tàn phá trên diện rộng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức công phá nhỏ, được thiết kế để tấn công các sở chỉ huy, căn cứ, điểm tập trung quân của đối phương ở tiền tuyến. Chúng không được dùng để phá hủy các thành phố, cơ sở công nghiệp quốc phòng cách xa chiến trường.

Xe phóng của tổ hợp Iskander với tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga ngày 10/1. Ảnh: BQP Nga.

Xe phóng của tổ hợp Iskander với tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh: BQP Nga.

Những đầu đạn này chủ yếu có sức công phá trên dưới 1 kiloton, tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, đầu đạn hạt nhân chiến lược lớn nhất của Mỹ có sức nổ 1,2 megaton (1200 kiloton), trong khi bom nguyên tử Liên Xô thử nghiệm năm 1961 có sức công phá 58 megaton.

Nhưng với vũ khí hạt nhân, yếu tố “nhỏ” và “hạn chế” chỉ mang tính chất tương đối. Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 có sức nổ chỉ 15 kiloton, nhưng gần như hủy diệt cả thành phố này.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế. Mỹ và một số nước châu Âu cho biết họ phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật để “phản ứng linh hoạt trước bất cứ mối đe dọa nào từ Nga và đồng minh”.

Tình báo Mỹ ước tính quân đội Nga đang biên chế khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Quân đội Nga không công bố thông tin về loại vũ khí này, do không có thỏa thuận quốc tế nào điều chỉnh đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.

Mỹ có khoảng 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật, một nửa số này được bố trí tại các căn cứ của họ ở châu Âu. Trong số này có bom hạt nhân B61 với sức công phá 0,3-170 kiloton, được bố trí tại 6 căn cứ không quân ở Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng thế nào?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo. Mỹ gần đây nhận định Nga đầu tư mạnh vào các loại vũ khí này để cải thiện tầm bắn và độ chính xác của chúng.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng bố trí nhiều đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Ukraine và Kazakhstan, nhằm răn đe NATO. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã nỗ lực thuyết phục Nga đưa những đầu đạn này về nước. Nga từ đó không triển khai bất cứ vũ khí hạt nhân nào bên ngoài lãnh thổ của mình.

Pháo tự hành 2S7M Malka có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật của Nga tháng 9/2022. Ảnh: BQP Nga.

Pháo tự hành 2S7M Malka có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật của Nga tháng 9/2022. Ảnh: BQP Nga.

Theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân có hiệu lực từ tháng 3/1970, không một cường quốc hạt nhân nào được chuyển giao vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân cho quốc gia phi hạt nhân.

Hiệp ước cho phép các nước triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ, nhưng chúng phải được đặt dưới sự kiểm soát của quốc gia đó. Đây là căn cứ pháp lý để Mỹ bố trí đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại các căn cứ của họ ở châu Âu.

Dù vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức hủy diệt nhỏ hơn nhiều so với bom hạt nhân hay tên lửa chiến lược, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn nếu được sử dụng trên chiến trường.

Bởi vậy, chỉ có người đứng đầu các cường quốc hạt nhân mới có quyền ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo học thuyết quân sự của Nga, Tổng thống Putin đang là người có quyền ra lệnh sử dụng cả đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật.

Để mở cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến lược, Tổng thống Putin phải tham khảo ý kiến từ thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga trước khi ra lệnh trang bị đầu đạn cho phương tiện phóng, đồng thời chuẩn bị lệnh khai hỏa. Hiện chưa rõ quy trình khai hỏa đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga, đặc biệt là khi chúng được triển khai trên lãnh thổ Belarus.

Theo Mark Cancian, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ, đầu đạn hạt nhân khi được kích nổ có thể xóa sổ một cụm cứ điểm hay lực lượng đối phương cố thủ trong một thành phố, nhưng nó cũng sẽ gây ra đám mây bụi phóng xạ có khả năng theo gió lan tới lãnh thổ Nga, gây ra hậu quả nặng nề và lâu dài.

Nguyễn Tiến (Theo AP,Wion)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*