Martin Selmayr, đặc phái viên Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan cao nhất về hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), phát biểu tại sự kiện ở Vienna ngày 6/9 rằng ông “ngạc nhiên” khi không có sự phản đối nào ở Áo để yêu cầu nước này tiếp tục giảm nhập khẩu khí đốt Nga.
“55% khí đốt của Áo vẫn đến từ Nga”, Selmayr nói. “Tiền máu được chuyển đến Nga mỗi ngày để thanh toán hóa đơn khí đốt”.
Bộ Ngoại giao Áo hôm 7/9 cho biết đã triệu Selmayr để phản đối phát biểu của nhà ngoại giao quốc tịch Đức này.
“Ông Selmayr đã được triệu tới Bộ Ngoại giao để gặp tổng thư ký”, tuyên bố của bộ cho hay, thêm rằng Selmayr đang ở nước ngoài nhưng cuộc gặp sẽ diễn ra khi ông trở về.
Bộ trưởng Áo phụ trách các vấn đề của EU Karoline Edtstadler cho rằng “chỉ có thể vượt qua những thách thức trước mắt bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhau”. “Những bình luận thiếu suy nghĩ như vậy không những không góp phần vào điều đó, mà còn vô căn cứ và phản tác dụng”, bà cho hay.
EU cũng ra tuyên bố chỉ trích bình luận của Selmayr. Theo phát ngôn viên EC Dana Spinant, ủy ban đã yêu cầu Selmayr “báo cáo ngay sự việc cho Brussels”.
“Ủy ban không liên quan đến những tuyên bố đáng tiếc và không phù hợp của người đứng đầu văn phòng đại diện ở Áo”, bà Spinant cho hay.
Mối quan hệ khí đốt giữa Áo và Nga đã có từ nhiều thập niên trước và các chuyên gia ngành khí đốt Áo khẳng định khí đốt Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với đất nước, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine. EU đã hối thúc các thành viên giảm mức tiêu thụ khí đốt và loại bỏ khí đốt Nga.
Trước chiến sự Ukraine, Áo nhập khẩu 80% khí đốt từ Nga. Theo số liệu của chính phủ, con số này ở mức 60% trong tháng 6, thấp hơn trước chiến sự nhưng cao hơn nhiều so với mức 21% vào tháng 9 năm ngoái.
Tập đoàn năng lượng và hóa chất Áo OMV, nơi nhà nước sở hữu 31,5% cổ phần, sẽ ký hợp đồng mua khí đốt từ tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho đến năm 2040. Các công ty Áo vẫn đang kinh doanh ở Nga.
Sau nhiều thập niên phụ thuộc nặng nề vào khí đốt giá rẻ của Nga được vận chuyển bằng đường ống, chính phủ Áo cho biết họ đang tách khỏi Nga, song phải đối mặt nhiều trở ngại, trong đó có thực tế nước này không giáp biển. Trong khi đó, các quốc gia khác, như nước láng giềng Đức, đang tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ khu vực khác thông qua các cảng.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Để lại một phản hồi