Tờ Fortune cho hay sự sáng suốt của Warren Buffett lại một lần nữa được chứng minh khi nhà đầu tư thiên tài này đổ tiền vào Nhật Bản dù nền kinh tế Châu Á đang rơi vào suy thoái và mất ngôi vị lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức.
Mạo hiểm
Năm 2023, tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã công bố danh mục tài sản đầu tư trị giá 6 tỷ USD tại 5 công ty Nhật Bản, bắt đầu từ mùa hè năm 2020.
Đây là thông tin khiến nhiều cổ đông Berkshire lo sốt vó bởi nền kinh tế Nhật Bản đang trải qua vô số khó khăn.
Thị trường chứng khoán nước này kể từ khi đạt đỉnh phiên 29/12/1989, tại thời điểm bong bóng kinh tế đạt đỉnh, đã đổ vỡ 60% giá trị chỉ trong vài năm. Sự xì hơi của bong bóng kinh tế đã kéo theo hàng thập niên giảm phát, tăng trưởng chậm và thậm chí bị gọi là “Thập kỷ mất mát” (Lost Decade).
Cho đến hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi rắc rối khi lâm vào suy thoái kỹ thuật trong quý vừa qua (tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp), với mức GDP giảm 0,4%.
Thế rồi việc Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức càng khiến nhiều người lo ngại hơn cho khoản đầu tư của Warren Buffett.
Đồng Yên mất giá kỷ lục làm xói mòn nguồn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Nhật Bản, đồng thời ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng nội địa, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng, lương thực, nhu yếu phẩm từ nước ngoài.
Tệ hơn, dân số Nhật Bản đã giảm liên tiếp 14 năm, gây hại cho lực lượng lao động và nhu cầu tiêu dùng.
Thế nhưng, lại một lần nữa nhà đầu tư 93 tuổi Warren Buffett lại chứng minh mình đã đúng. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong phiên 22/2/2024.
Hãng tin Bloomberg cho hay nguồn vốn nước ngoài đã dịch chuyển khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản 6/8 năm tính đến năm 2022. Thế nhưng từ đầu năm 2023, xu thế này lại đang đảo chiều với dòng vốn đổ vào tăng mạnh.
Theo Fortune, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu học tập Warren Buffett khi chứng kiến Berkshire lãi lớn nhờ đổ tiền vào Nhật Bản bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.
Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đổ tiền vào đây, học theo Buffett và tạo nên cảnh chứng khoán tăng kỷ lục bất chấp các tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Thơm ngon
Tờ Fortune cho hay thành quả đầu tư khả quan ở Nhật Bản khi tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đầy tích cực khiến Berkshire Hathway, vốn chỉ ưa thích những thương hiệu Mỹ như Apple, Coca Cola cũng không thể làm ngơ.
Thậm chí cánh tay phải của Warren Buffett là Charlie Munger, người đã qua đời vào cuối năm 2023, cũng đã từng thừa nhận rằng cơ hội kiếm tiền này quá “thơm ngon” (Juicy) để có thể cưỡng lại.
“Nếu bạn thông minh như Warren Buffett thì sẽ nhận ra đây là cơ hội mà 2-3 thế kỷ mới có một lần”, Charlie Munger cho biết.
“Lãi suất ở Nhật Bản đang rất thấp và những công ty tại đây hầu hết là các doanh nghiệp lâu đời. Những công ty này có các mỏ đồng và những đồn điền cao su giá rẻ. Bởi vậy bạn có thể vay tiền thời hạn 10 năm để mua cổ phiếu với cổ tức bình quân 5%/năm. Đó là dòng tiền khổng lồ mà chẳng cần nhiều vốn tự thân để đầu tư, chẳng cần suy nghĩ nhiều làm gì mà vẫn có lãi”, cánh tay phải của Warren Buffett nói tiếp.
Nói một cách đơn giản, Berkshire hiện có thể huy động số tiền cho các khoản đầu tư của mình với chi phí vay vốn cực thấp do lãi suất âm, sau đó đổ tiền vào các cổ phiếu đáng tin cậy có cổ tức ổn định và ăn lãi dài hạn mà chẳng cần nghĩ nhiều.
Báo cáo cho thấy Berkshire đã đã nâng số cổ phần nắm giữ tại 5 công ty Nhật Bản từ 5% tháng 8/2020 lên 7,4% tháng 4/2023.
Bước đi đầy mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản suy thoái đã giúp Buffett trở thành người tiên phong hưởng lợi trong đà tăng của chứng khoán nước này hiện nay.
Thật vậy, chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kuijs của S&P Global Ratings chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương nhận định tỷ suất lợi nhuận cao kỷ lục của các doanh nghiệp Nhật Bản đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, làm lu mờ câu chuyện “thập kỷ mất mát” hay những tín hiệu tiêu cực khác.
Tháng trước, Toyota đã lập kỷ lục về tổng mức vốn hóa cao nhất cho một hãng Nhật Bản với 48,7 nghìn tỷ Yên, tương đương 323,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục cũ NTT vào năm 1987.
Theo nhiều ước tính, tổng giá trị của Toyota hiện nay vào khoảng 57,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 381,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với NTT vốn chỉ có 16,4 nghìn tỷ Yên (108,6 tỷ USD).
Tờ New York Times dẫn số liệu của Japan Exchange Group cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm ròng 14 tỷ USD trong tháng 1/2024 vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Tương tự, báo cáo của Goldman Sachs cho thấy thu nhập trong quý IV/2023 của doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng 45% so với cùng kỳ năm trước nhờ đồng Yên yếu, khiến hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Keiretsu
Tờ Fortune nhận định bên cạnh đồng Yên yếu, việc các doanh nghiệp Nhật Bản cải tổ hệ thống tổ chức Keiretsu của mình, hợp lý hóa cơ cấu phức tạp, cũng khiến thị trường hấp dẫn hơn trong mắt người nước ngoài.
Keiretsu là một mô hình kinh doanh phổ biến ở Nhật Bản, chỉ kiểu mạng lưới kinh doanh được tạo thành từ các công ty khác nhau, bao gồm nhà sản xuất, đối tác chuỗi cung ứng, nhà phân phối và đôi khi là cả công ty tài chính. Chúng làm việc cùng nhau, có mối quan hệ chặt chẽ và đôi khi sở hữu cổ phần nhỏ lẫn nhau, trong khi vẫn hoạt động độc lập.
Giám đốc chiến lược Herald van der Linde của HSBC nhận định mô hình Keiretsu của Nhật Bản phức tạp như một bát mỳ “ramen” với lợi nhuận trên vốn thấp, cổ tức và số lần mua lại cổ phiếu rất ít.
Sự thiếu năng động này được phản ánh cực kỳ rõ nét trong danh sách các tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới Global 500.
Kể từ khi bắt đầu xếp hạng vào năm 1995 đến nay, số lượng công ty Nhật Bản xuất hiện trong danh sách đã giảm đáng kể.
Cái tên Nhật Bản gần nhất gia nhập danh sách là Toyota Tsucho, đã tại vị được suốt 15 năm nhưng cũng chỉ nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Tuy nhiên theo Morgan Stanley, các doanh nghiệp Nhật Bản đang thay đổi để năng động trở lại, qua đó đạt lợi nhuận kỷ lục và trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cũng có những thay đổi lớn khi yêu cầu các công ty phải cải cách nhiều hơn để gia tăng lợi nhuận, đồng thời siết chặt kiểm soát mối quan hệ Keiretsu giữa công ty mẹ và con.
Thậm chí vào tháng 1/2024, sàn Tokyo tuyên bố sẽ công khai niêm yết tên các doanh nghiệp có kế hoạch cải tổ tệ hại, đáng xấu hổ. Đồng thời sàn này cũng sẽ hủy niêm yết các công ty không hoạt động tốt vào năm 2026.
Tươi sáng
Theo hãng tin Bloomberg, việc Warren Buffett đầu tư vào Nhật Bản là cực kỳ mạo hiểm khi chỉ số tiêu dùng tư nhân sụt giảm 0,2% trong quý IV/2024, còn đầu tư kinh doanh cũng giảm 0,1% cùng kỳ.
Độ tuổi trung bình của Nhật Bản là 49,1 tuổi, cao hơn 38,1 ở Mỹ và chính quyền Tokyo đang gặp rắc rối lớn về nguồn lao động khi không muốn nhận quá nhiều người nước ngoài tràn vào thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại lạc quan khi cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu hồi phục. Hàng loạt hãng như Toyota, Nintendo và Uniqlo tăng lương sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khác noi theo, qua đó khuyến khích nhu cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, kỳ vọng Nhật Bản sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 cũng khiến các nhà đầu tư mong đợi vào sự bình thường hóa chính sách tiền tệ của nền kinh tế.
Theo chuyên gia Kuijs của S&P Global Ratings, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và năng suất làm việc của Nhật Bản không tệ và nền kinh tế này hoàn toàn có thể dần hồi phục, dù chỉ số tăng trưởng GDP có thể sẽ không quá cao.
*Nguồn: Fortune, Bloomberg
Để lại một phản hồi