Ca nCoV đầu tiên đe dọa ‘pháo đài’ Triều Tiên

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/5 triệu tập cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động để thảo luận về một cuộc khủng hoảng. Trọng tâm của cuộc họp không phải là vũ khí hạt nhân hay tên lửa, mà để bàn về biện pháp kiểm soát dịch, sau khi ca nCoV đầu tiên được ghi nhận ở nước này.

Ca nhiễm được phát hiện sau khi giới chức y tế hôm 8/5 xét nghiệm các thành viên một tổ chức ở Bình Nhưỡng, do họ xuất hiện các triệu chứng như sốt, theo hãng thông tấn KCNA. Họ được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron BA.2.

Tháng 7/2020, ông Kim cũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi nhận được báo cáo rằng một người đào tẩu tới Hàn Quốc ba năm trước đã quay trở về thành phố Kaesong, phía nam Triều Tiên, và có khả năng mang theo nCoV.

KCNA khi đó cảnh báo một “tình huống nguy hiểm” đang xảy ra ở Kaesong và có thể dẫn tới “thảm họa chết người, hủy diệt”. Tuy nhiên, nguy cơ đó đã không xảy ra và Triều Tiên tiếp tục là một pháo đài sạch bóng Covid-19.

Nhưng sau hai năm, pháo đài đó đã bị Omicron xuyên thủng. KCNA không cho biết giới chức Triều Tiên đã xác định được cách thức virus xâm nhập nước này hay chưa, nhưng ông Kim đã kêu gọi tất cả tỉnh thành trên cả nước phong tỏa triệt để nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Ông cũng chỉ thị các quan chức để người dân tiếp tục công việc, nhưng nói rằng “mỗi tổ làm việc, mỗi đơn vị sản xuất và các khu dân cư” phải được cách ly với nhau. Ông Kim yêu cầu tăng cường cảnh giác dọc biên giới trên bộ và trên biển, cũng như các cảng biển và hàng không.

Thông tin ca nhiễm và lệnh phong tỏa toàn quốc được xem là bước ngoặt lớn với Triều Tiên. Nguy cơ dịch lan rộng ở Triều Tiên lớn hơn hầu hết các quốc gia khác vì người dân nước này hầu như chưa được tiêm chủng. Các chuyên gia y tế nước ngoài từ lâu đặt câu hỏi về khả năng của Triều Tiên trong việc ứng phó một đợt bùng phát quy mô lớn, dù chính quyền ông Kim Jong-un hoàn toàn có khả năng áp đặt lệnh phong tỏa gần như tuyệt đối.

Nếu không được kiểm soát nhanh chóng, đợt bùng phát ở Bình Nhưỡng có thể làm căng thẳng thêm nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm và quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn duy nhất, để ngăn Covid-19 từ hai năm trước.

Nó cũng có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực của lãnh đạo Triều Tiên nhằm mở rộng kho vũ khí hạt nhân “với tốc độ nhanh nhất có thể”, theo Choe Sang-Hun, bình luận viên chuyên về Triều Tiên của NY Times.

Nhân viên phun khử khuẩn và lau bề mặt tại một cửa hàng bách hóa trẻ em ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Nhân viên phun khử khuẩn và lau bề mặt tại một cửa hàng bách hóa trẻ em ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Sau khi đóng biên với phần còn lại của thế giới trong hai năm, Triều Tiên bắt đầu nối lại các chuyến tàu chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu năm nay. Bình Nhưỡng cũng tổ chức một cuộc duyệt binh lớn cuối tháng trước, trong đó các binh sĩ, thành viên giới tinh hoa và hàng chục nghìn người tham gia sự kiện mà hầu như không đeo khẩu trang.

Những dấu hiệu đáng lo ngại bắt đầu xuất hiện ngay sau đó. Tình báo Hàn Quốc tuần trước cho hay Triều Tiên đã yêu cầu người dân ở trong nhà. Park Jie-won, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên một lần nữa cấm các tàu chở hàng từ Trung Quốc.

Trong cuộc họp hôm nay, ông Kim kêu gọi đoàn kết quốc gia trong tình trạng khẩn cấp, nói với người dân rằng “nỗi sợ hãi phi khoa học, thiếu niềm tin và tinh thần yếu đuối” là một kẻ thù nguy hiểm hơn so với virus.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng kêu gọi đất nước tiếp tục kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đầy táo bạo mà ông đề ra trong đại hội đảng Lao động hồi tháng 1 năm ngoái.

Leif-Eric Easley, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, cho rằng tình hình y tế cộng đồng nghiêm trọng có thể là lý do khiến Bình Nhưỡng thừa nhận công khai về đợt bùng phát Covid-19.

“Đây có thể là thách thức lớn với ông Kim Jong-un, không chỉ về mặt hạn chế ca nhiễm, tử vong và thiếu lương thực”, giáo sư Easley nói. Ông Kim đã đặt cược vào các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để giữ cho Triều Tiên an toàn trước đại dịch và ca nhiễm xuất hiện có thể là dấu hiệu cho thấy những biện pháp đó đã thất bại.

Các biện pháp kiểm soát dịch mà Triều Tiên triển khai hôm nay có thể hạn chế hơn nữa việc đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa giữa các thị trấn và nhà máy, làm gián đoạn nguồn cung và sản xuất, theo Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong ở Hàn Quốc.

Nếu Triều Tiên không thể kiểm soát được Covid-19, nước này “có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và tình trạng hỗn loạn mà chúng ta thấy ở Trung Quốc gần đây”, ông Cheong nói, đề cập tới những khó khăn của người dân sống giữa lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở các thành phố lớn như Thượng Hải.

Ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un họp với quan chức đảng Lao động về Covid-19 tại Bình Nhưỡng được công bố hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un họp với quan chức đảng Lao động về Covid-19 tại Bình Nhưỡng được công bố hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích đặt câu hỏi liệu đợt bùng phát Covid-19 này có ảnh hưởng tới kế hoạch khởi động lại các vụ thử hạt nhân của ông Kim hay không. Quan chức Mỹ và Hàn Quốc trước đó cảnh báo Triều Tiên có thể thử hạt nhân ngay trong tháng này, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ở Seoul hôm 21/5.

Họ cũng đặt câu hỏi liệu Bình Nhưỡng có thay đổi chính sách không chấp nhận viện trợ nhân đạo liên quan tới đại dịch như vaccine từ các tổ chức y tế trên thế giới hay không. Giới chức Hàn Quốc hy vọng các chuyến hàng viện trợ nhân đạo, trong đó có vaccine Covid-19, có thể giúp khởi động lại đối thoại vốn đang đình trệ giữa Triền Tiên với Mỹ và đồng minh.

Giáo sư Easley cho rằng Triều Tiên có thể ít quan tâm đến các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa, khi Covid-19 đang là mối đe dọa khẩn cấp nhất, khiến Bình Nhưỡng có thể siết chặt các biện pháp phong tỏa.

Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói Bình Nhưỡng có thể gác lại kế hoạch thử hạt nhân để tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ hãi của công chúng với nCoV tăng cao, ông Kim có thể ra lệnh tiến hành một vụ thử vũ khí để chuyển hướng chú ý của dư luận.

Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, đồng tình với nhận định này. “Nếu dịch bùng phát, lãnh đạo Triều Tiên có thể thúc đẩy tinh thần người dân thông qua các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân”, ông nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times, BBC)

  • Triều Tiên khoe siêu tên lửa trong duyệt binh
  • Kỹ năng quảng bá hình ảnh ‘như Hollywood’ của Triều Tiên
  • Thử ‘tên lửa quái vật’, Triều Tiên sẵn sàng đối đầu Mỹ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*