Tiếp tục một phiên giao dịch lình xình đi ngang, VN-Index dù vẫn giữ sắc xanh đến cuối phiên khi tăng 1,64 điểm (0,11%) lên 1.492,15 điểm nhưng số mã chứng khoán giảm điểm lại áp đảo. Toàn sàn có 179 mã tăng, 261 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,14%) lên 117,04 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,35%) xuống 449,62 điểm. Số lượng mã giảm giá chiếm ưu thế. Trên cả ba sàn, có 341 mã tăng, 35 mã tăng kịch biên độ; trong khi có tới hơn 580 mã giảm. Dù vậy, xét về điểm số, giao dịch đã có phần tích cực hơn hôm qua.
VN30-Index tăng 0,55% và là trụ đỡ chính giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh
Thanh khoản thị trường phiên này giảm 17,5% so với phiên hôm qua với giá trị giao dịch chỉ đạt 29.177 tỷ đồng. Riêng giá trị khớp lệnh đạt 24.520 tỷ đồng, giảm 26,7%. Khối ngoại mua ròng phiên thứ ba liên tiếp với giá trị mua ròng ngày cảng tăng thêm, đạt 379 tỷ đồng trong hôm nay. Thống kê của Fiingroup trên giao dịch khớp lệnh của sàn HoSE cho thấy cá nhân trong nước là bên bán ròng mạnh nhất (685 tỷ đồng), trong khi đó tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) mua ròng 349 tỷ đồng, bên cạnh lực mua ròng hơn 336 tỷ đồng của khối ngoại trên sàn HoSE.
Cổ phiếu Vinamilk ghi nhận sự bứt phá mạnh khi tăng tới 6,17% và đóng góp 2,6 điểm tăng cho VN-Index. Trước đó, ngay phiên đầu tuần này, giá cổ phiếu VNM đã rơi về vùng đáy 3 năm khi đóng cửa ở mức 73.400 đồng/cổ phiếu. Sau 4 phiên giao dịch, VNM đã tăng 10,2% lên 80.900 đồng/cổ phiếu.
Sự bứt phá hiếm thấy này cũng giúp ông lớn ngành sữa trở lại nhóm dẫn đầu vốn hóa thị trường trên ba sàn với vị trí thứ 9. Lần gần nhất VNM giao dịch ở mức giá trên 80.000 đồng là vào ngày 21/2.2022. Cùng với sự trở lại đầy bất ngờ về giá, thanh khoản cổ phiếu VNM cũng tăng vọt lên 762 tỷ đồng. Trong đó, xét riêng bên mua, khối ngoại đã giải ngân thêm 230 tỷ đồng. Giá trị mua ròng riêng cổ phiếu này là 217 tỷ đồng.
VNM là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên hôm nay. Cùng đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục gom thêm cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang (183 tỷ đồng). Ngoài ra, một số cổ phiếu được mua ròng dù giá trị khiêm tốn hơn như VRE, DCM, QNS.
Ở chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh (136 tỷ đồng). Cổ phiếu này giao dịch trong sắc đỏ ở phần lớn phiên giao dịch, nhưng đến cuối phiên vẫn kịp hồi phục và đóng cửa ở mức giá tham chiếu.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đứng khá vững. VN30-Index tăng 0,55% trong phiên. Rổ cổ phiếu này góp phần chính cho đà tăng của VN-Index, bù lại đà giảm của nhóm VNMid-Index (-0,49%) và VNSML-Index (-1,2%).
Nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index hầu hết đều nằm trong nhóm VN30. Ngoài VNM, cổ phiếu VRE, VGC, CTG, VPB tăng khá và nằm trong nhóm 5 cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu GAS, MSN, HPG, DIG và STB kéo VN-Index lùi lại.
Trên sàn HNX, IDC và NVB là hai cổ phiếu nâng đỡ thị trường khi ông lớn vốn hóa này lần lượt tăng 6,8% và 2,5%. Tuy nhiên, sắc đỏ áp đảo cùng một số cổ phiếu rơi sâu như HUT giảm hơn 9,8%; CEO giảm 2,88%, PVS giảm 2,8%… đã đẩy HNX-Index giảm mạnh.
Hầu hết cổ phiếu dầu khí giao dịch tiêu cực phiên hôm nay. Một số cổ phiếu giảm gần 2% như GAS, PVC, PVD… Theo cập nhật mới đây từ NBC News, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc kế hoạch xả 1 triệu thùng/ngày từ kho dự trữ chiến lược (SPR) trong 6 tháng. Đây sẽ là lần thứ ba Mỹ phải dùng đến SPR trong vòng nửa năm và là đợt xả lớn nhất trong lịch sử gần 50 năm của SPR. Giá dầu Brent cũng đã giảm 5% và hiện giao dịch ở mức 107 USD/thùng.
Dòng ngân hàng khá phân hóa. Bên cạnh một số cổ phiếu tăng mạnh như NVB (+2,5%), ACB (+1,38%), CTG (+1,25%), VPB (+1,09%), cũng có các cổ phiếu giảm trên 1% như STB, SHB, LPB, EIB.
Để lại một phản hồi