VN-Index lao dốc từ giữa phiên chiều, sắc đỏ áp đảo nhưng một số cổ phiếu vẫn ngược dòng tăng giá. |
Cổ phiếu dầu khí lao dốc, sắc đỏ áp đảo sàn chứng khoán
Sau hai phiên tăng, VN-Index đã quay đầu giảm điểm.
Cú rơi mạnh từ giữa phiên chiều đẩy chỉ số sàn HoSE xuống dưới ngưỡng 1.460 điểm. Hồi phục nhẹ sau đó, VN-Index giảm 12,54 điểm (-0,85%) xuống 1.466,54 điểm. HNX-Index giảm 5,44 điểm (-1,22%) xuống 442,2 điểm. Riêng sàn UPCoM, lực cầu tăng mạnh khi chỉ số xuống dưới 115 điểm đã kéo UPCoM-Index lên 115,37 điểm, tăng 0,08 điểm (0,07%) so với phiên hôm qua.
Sắc đỏ áp đảo trên cả ba sàn. Số lượng cổ phiếu tăng và tăng trần lần lượt là 350 mã và 66 mã, trong khi đó có 608 mã giảm và 37 mã giảm sàn. Ở đa số ngành nghề, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế. Nhóm cổ phiếu ngân hàng khá phân hoá khi có gần một nửa lượng cổ phiếu đóng cửa tăng giá. Một số cổ phiếu tăng khá mạnh như EIB, BID, STB và HDB.
Nhiều cổ phiếu lao dốc đẩy các chỉ số chứng khoán giảm mạnh giữa phiên chiều.
Nhóm tác động tích cực đến VN-Index phiên này cũng chủ yếu từ nhóm nhà băng. Cùng đó, VNM với sự hồi phục liên tiếp hai phiên gần đây sau khi tiến sát mức gí 75.000 đồng cũng đóng góp gần 0,5 điểm tăng. Với mức giá đóng cửa 78.000 đồng/cổ phiếu, Vinamilk hiện đã quay trở lại nhóm 10 tổ chức niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất với giá trị xấp xỉ 163.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một doanh nghiệp sản xuất khác là DPM cũng nằm trong nhóm 5 cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GAS, MSN, HPG, GVR và PLX là đầu tàu kéo chỉ số đi xuống.
Nhóm cổ phiếu điều chỉnh giảm mạnh nhất phiên hôm nay là dầu khí. Giá dầu Brent đã đảo chiều đáng kể trong hơn 24 tiếng đồng hồ qua trước những bất ổn địa chính trị. Có những dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ không tham gia cùng các đồng minh của mình trong việc cấm dầu của Nga và việc có thêm nguồn cung tiềm năng bổ sung từ Iran, Venezuela và UAE. Dù vậy, mỗi thùng dầu Brent hiện vẫn có giá trên 113 USD. Cổ phiếu dầu khí điều chỉnh mạnh sau giai đoạn tăng nóng. PVC và PVB nay giàm gần 10%. Ông lớn GAS giảm 4,7% về còn 112.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của Petrolimex cũng giảm 5,4%.
Trong khi đó, dòng phân bón vẫn đi lên. Tăng mạnh nhất là VAF khi cổ phiếu này đã “chạy” một mạch từ 14.800 đồng lên 20.000 đồng. Ở một số cổ phiếu phân bón khác, dù có những nhịp giảm, xu hướng tăng vẫn áp đảo. Cổ phiếu DCM tăng 3,7% qua đó xác lập kỷ lục mới 46.500 đồng/cổ phiếu. BFC tăng 6,6%, DPM tăng 3,6%, LAS tăng 1,3%…
Cổ phiếu thuỷ sản – nhóm tăng bứt tốc phiên hôm qua cũng điều chỉnh ở một số cổ phiếu. IDI giảm kịch sàn, trong khi VHC, ANV hay FMC đều tăng chưa đến 1%.
Khối ngoại lại bán ròng, đột biến giao dịch cổ phiếu VNDirect
Phiên thứ 6 liên tiếp, các nhà đầu tư ngoại bán ròng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị bán ròng vẫn đang thu hẹp dần. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 518 tỷ đồng trên ba sàn, trong đó bán ròng 543 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Tại sàn HNX và UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. MSN là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, thu về hơn 150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư này cũng chốt lời ở cổ phiếu VND tới 123 tỷ đồng. Sau phiên chốt quyền mua cổ phiếu, nhận cổ phiếu thưởng tăng kịch trần hôm qua, VND vẫn tiếp tục tăng hơn 2%. Một số cổ phiếu khác cũng bị bán mạnh là DXG (70 tỷ đồng), HPG (45 tỷ đồng)…
Thanh khoản thị trường hồi phục với giá trị đạt 34.745 tỷ đồng, tăng 29,5% so với phiên dè dặt hôm qua. Tổ chức trong nước cũng bán ròng. Lực đỡ chính tiếp tục từ dòng tiền của các cá nhân trong nước. Dòng tiền giao dịch sôi động nhất ở HPG và VND với giá trị giao dịch lần lượt là 2.137 tỷ đồng và 1.093 tỷ đồng. Tổng cộng đã có hơn 32,5 triệu cổ phiếu VND được khớp lệnh, cao đột biến so với mức 9,2 triệu đơn vị bình quân 10 phiên gần nhất. Đẩy mạnh chốt lời ở cổ phiếu VND sẽ giúp nhà đầu tư chuẩn bị nguồn tiền để thực hiện quyền mua cổ phiếu.
Để lại một phản hồi