Bán tháo ở cổ phiếu đầu cơ
Phiên đầu tuần, ngày 28/3, mã chứng khoán FLC cùng một loạt cổ phiếu liên quan gồm ROS, AMD, ART hay KLF đều bị bán giá sàn ngay từ đầu phiên với lượng cổ phiếu dư bán lên tới hàng triệu, chục triệu cổ phiếu. Trong cả phiên giao dịch, đã có 5,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn, nhưng lượng dư bán vẫn lên tới 58,6 triệu đơn vị. Tương tự, ROS cũng còn 59,5 triệu cổ phiếu dư bán sàn chưa được khớp.
Tâm lý tiêu cực cũng khiến thị trường “vạ lây”. Không riêng nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC, tâm lý bi quan khiến sắc đỏ phủ rộng trên thị trường. Số lượng mã chứng khoán giảm trên ba sàn là 608 mã, gồm 35 mã giảm kịch biên độ, áp đảo số mã tăng (334 mã) và mã tăng trần (50 mã). Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất trên thị trường đều đóng cửa giảm giá. Sắc đỏ cũng lan toả ở hầu hết các ngành, đặc biệt là các cổ phiếu dòng chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. FTS là cổ phiếu chứng khoán hiếm hoi ngược dòng tăng giá (+6,51%). Đa số các cổ phiếu khác đều giảm 2-4%. Tương tự với ngành ngân hàng, trừ NVB nối tiếp được đà tăng nóng gần đây, dòng ngân hàng cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hoá hơn nhưng lại xuất hiện lượng lớn cổ phiếu giảm kịch biên độ. Ngoài FLC với câu chuyện riêng, một số cổ phiếu bất động sản như DIG, HQC, QCG, NBB cũng giảm sàn.
Hồi tháng 1/2022, trong đợt giảm sàn của cổ phiếu FLC sau sự việc lãnh đạo bán chui cổ phiếu và bị xử phạt sau đó, nhiều cổ phiếu bất động sản sau quãng tăng nóng cũng quay đầu giảm, trong đó có DIG. Cổ phiếu DIG cũng vừa có quãng tăng nóng kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Tại phiên này, DIG cũng ghi nhận môt phiên giao dịch khủng với 15,77 triệu cổ phiếu “sang tay”, gấp 2,7 lần khối lượng bình quân 10 phiên gần đây. Tuy vậy, điểm tích cực là lượng bán ra hầu hết được hấp thụ, dư bán sàn không còn lớn. Giá trị giao dịch riêng cổ phiếu DIG đạt 1.518 tỷ đồng, đứng đầu toàn sàn về thanh khoản.
Với cú giảm sàn này, DIG cũng nằm trong nhóm 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Top 5 dẫn dắt VN-Index lao dốc hôm nay lần lượt là BID, VHM, VNM, GVR và DIG. Cổ phiếu của BIDV giảm tới 4,26% và góp gần 2,3 điểm giảm. Trên sàn HNX, các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất cũng chủ yếu ở nhóm bất động sản như CEO, THD, HUT, IDC, L14.
Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng trên thị trường. Nhóm cổ phiếu bán lẻ và thuỷ sản tiếp tục đà tăng tuần trước. MWG cũng là cổ phiếu góp điểm tăng nhiều nhất cho VN-Index. FMC, CMX, IDI.. tăng kịch biên độ. Các ông lớn ngành thuỷ sản như VHC, ANV cũng đều tăng trên 2%.
Điểm tích cực từ thanh khoản: Giá trị giao dịch tăng 31%
Ở thời điểm xấu nhất, VN-Index đã có lúc giảm hơn 25 điểm về sát ngưỡng 1.470 vào đầu giờ chiều. Nhưng cũng ở thời điểm này, dòng tiền giao dịch trên thị trường cũng trở nên sôi động. Lượng bán ra lớn nhưng lực cầu tham gia thị trường cũng tăng mạnh. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt gần 39.710 tỷ đồng, tăng 31,3% so với phiên cuối tuần trước. Các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là DIG và STB cũng đều có một phiên rơi sâu, giảm lần lượt 6,96% và 5,35%.
Dòng tiền giao dịch sôi động khi VN-Index tiến sát mốc 1.470 điểm
Khối ngoại bán ròng phiên thứ ba liên tiếp nhưng lượng bán ròng không quá lớn, tập chung chính ở cổ phiếu VNM (105 tỷ đồng) hay VCI (hơn 50 tỷ đồng). Áp lực bán ra của khối ngoại phiên hôm nay cũng góp phần khiến VNM giảm 2,39%, rơi thủng đáy ba năm, đồng thời, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên (73.400 đồng/cổ phiếu). Đây đã là phiên thứ 5 liên tiếp cổ phiếu VNM đóng cửa trong sắc đỏ. Các nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng liên tục 4 phiên gần đây.
Ngoài khối ngoại, nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng phiên hôm nay. Theo thống kê của Fiingroup trên giao dịch khớp lệnh sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng gần 47 tỷ đồng, cá nhân trong nước bán ròng 69 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) mua ròng 115 tỷ đồng.
Để lại một phản hồi