VN-Index ngược dòng lao dốc của chứng khoán Châu Á, là chỉ số hiếm hoi tăng điểm trong phiên 15/3

Căng thẳng địa chính trị quốc tế đang tiếp tục kích hoạt tâm lý bán tháo cổ phiếu của nhà đầu tư tại nhiều thị trường quốc tế. Thêm vào đó, những dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 này nhằm đối phó với áp lực lạm phát; lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng mạnh đã tác động tiêu cực tới TTCK Châu Á, khiến nhiều chỉ số giảm sâu trong phiên giao dịch giữa tháng 3.

Có thể kể tới như Shenzhen B (Thâm Quyến) giảm 6,44%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,91%, Shanghai Composite (Thượng Hải) giảm 4,95%, Taiwan Index giảm 1,95%, Hangseng Index (HongKong) giảm 5,55%,…

TTCK Việt Nam cũng chịu áp lực bán khá mạnh sau khi vừa ghi nhận phiên giảm sâu hơn 20 điểm ngày hôm qua, những phút của phiên sáng ghi nhận chỉ số liên tục lên xuống quanh ngưỡng tham chiếu. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy khá mạnh từ các nhà đầu tư trong nước vào phiên chiều đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục ngoạn mục và chốt phiên tăng 6,49 điểm (0,26%) lên 1.452,74 điểm – giành lại mốc 1.450 vừa đánh mất trong phiên giao dịch liền trước đó.

Dù mức tăng không quá mạnh nhưng đã giúp VN-Index trở thành một trong vài chỉ số chứng khoán Châu Á hiếm hoi tăng điểm trong phiên 15/3 (theo thống kê từ Stockq). Số liệu từ Algoplatform cho biết, mức đóng cửa phiên 15/3 của VN-Index tương đương với định giá P/E 16,92 lần. Tuy nhiên nếu so với thời điểm cuối năm 2021, chỉ số VN-Index hiện đã giảm khoảng 3%.

VN-Index ngược dòng lao dốc của chứng khoán Châu Á khi là chỉ số hiếm hoi tăng điểm trong phiên 15/3 - Ảnh 1.

VN-Index ngược dòng khu vực tăng điểm trong phiên 15/3

Dẫn dắt đà tăng của thị trường là nhóm Ngân hàng với hàng loạt mã tăng điểm. Bên cạnh đó, nhóm Chứng khoán, Bất động sản cũng thu hút dòng tiền khá tốt với nhiều mã tăng mạnh.

Xét riêng từng cổ phiếu, đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index trong phiên hôm nay là cổ phiếu ngành bán lẻ MSN với 1,5 điểm. Đây là cổ phiếu nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi lớn từ sự phục hồi khi Việt Nam dần mở cửa trở lại nền kinh tế trong năm 2022

Cùng với HPG, một số cổ phiếu đóng góp lớn vào đà tăng của VN-Index có thể kể tới nhóm ngân hàng như VPB (1,04 điểm), BID (0,825 điểm), TPB (0,28 điểm)…

Sự hồi phục của một vài ông lớn như GAS, GVR, BCM, POW, VJC càng củng cố đà bứt phá cho chỉ số trong phiên giao dịch này.

VN-Index ngược dòng lao dốc của chứng khoán Châu Á khi là chỉ số hiếm hoi tăng điểm trong phiên 15/3 - Ảnh 2.

Cũng trong phiên giao dịch 15/3, mặc dù thị trường chung không quá bùng nổ nhưng vẫn xuất hiện khá nhiều cổ phiếu midcap tăng trần, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, có thể kể tới như cổ phiếu khách sạn CTC, NVT, cổ phiếu dầu khí PVC, cổ phiếu bất động sản – xây dựng LCG, FCN,…

Tuy nhiên, điểm trừ vẫn đến từ giao dịch khối ngoại khi họ có phiên thứ 7 liên tiếp bán ròng trên HOSE, giá trị hôm nay ghi nhận bán ròng hơn 430 tỷ đồng với tâm điểm là HPG. Như vậy, tính chung cả 7 phiên giao dịch vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng khoảng 6.500 tỷ đồng.

VN-Index ngược dòng lao dốc của chứng khoán Châu Á khi là chỉ số hiếm hoi tăng điểm trong phiên 15/3 - Ảnh 3.

Mặc dù đang khá chật vật trong việc trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm vượt qua cột mốc này và chinh phục đỉnh cao mới. Mirae Asset đã đưa ra dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở. Thậm chí trong kịch bản tích cực hơn, Mirae Asset cập nhật vùng biến động kỳ vọng cho VN-Index từ 1.420 đến 1.950 điểm, tương ứng P/E dao động trong khoảng 14 đến 18 lần và mức tăng trưởng kép EPS giai đoạn 2020-2022 đạt từ 26% đến 30%/năm.

Còn trong tương lai gần là tháng 3/2022, Chứng khoán Yuanta đánh giá dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường và chủ yếu luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở từng nhóm cổ phiếu. Yuanta dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.440 – 1.512 điểm trong nửa đầu tháng 3/2022 và tăng dần về mức đỉnh cũ 1.535 điểm vào nửa cuối tháng 3.

Trong khi đó, BSC đưa ra kịch bản tích cực hơn cho rằng VN-Index trong tháng 3 sẽ vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 điểm khi nền kinh tế thích ứng tốt trong trạng thái bình thường mới, Chính Phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tiến đến mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc… Nếu diễn biến đúng theo dự phóng này, thanh khoản dự báo duy trì ở mức 1,3 tỷ USD/phiên trong tháng 3/2022.

https://babfx.com/vn-index-nguoc-dong-lao-doc-cua-chung-khoan-chau-a-la-chi-so-hiem-hoi-tang-diem-trong-phien-15-3-20220315184240197.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*