Con đường Abramovich trở thành nhà hòa giải xung đột Ukraine

Nhà sản xuất phim Alexander Rodnyansky gọi đến với một yêu cầu bất ngờ: Liệu ông có sẵn sàng giúp ngăn chặn cuộc xung đột không?

Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, các quan chức chính phủ Ukraine đã lo lắng rằng những người đồng cấp Nga không chuyển chính xác thông điệp họ đưa ra tới Điện Kremlin. Họ muốn một doanh nhân Nga hoạt động như cầu nối trung gian không chính thức để gửi thông điệp trực tiếp tới Tổng thống Vladimir Putin và giúp họ hiểu lãnh đạo Nga đang nghĩ gì.

Rodnyansky quen biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ khi ông còn là diễn viên và con trai của Rodnyansky đã làm cố vấn cho Zelensky. Nhà sản xuất cũng quen biết Abramovich khi tỷ phú tài trợ cho một rạp chiếu phim độc lập ở Nga.

Roman Abramovich (giữa) tại cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine hôm 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Roman Abramovich (giữa) tại cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine hôm 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Abramovich, nhà tài phiệt dầu mỏ Do Thái 55 tuổi, được cho là có mối quan hệ thân cận với Điện Kremlin. Theo Forbes, tài sản ròng của Abramovich trước khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt là 7,2 tỷ USD.

Ông không phải người đầu tiên Rodnyansky liên lạc. Nhà làm phim đã kết nối với ba doanh nhân Nga để yêu cầu họ trở thành kênh liên lạc hậu trường với Điện Kremlin. Tất cả ba người đều khước từ lời đề nghị.

Sau khi Abramovich nhận được cuộc gọi, ông đã cân nhắc các lựa chọn và liên hệ với Điện Kremlin để xin ý kiến về vấn đề này. Cuối tháng 2, ông đến một khách sạn ở Warsaw, Ba Lan, gặp các quan chức chính phủ Ukraine để thống nhất các chi tiết về công việc ông sẽ đảm nhận: Trở thành người trung gian trung lập giúp ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng và thiết lập một quy trình tìm kiếm hòa bình cho xung đột Ukraine. Ông không tham gia tạo dựng các chính sách.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tuần xác nhận Abramovich đã “tham gia vào nỗ lực đảm bảo một số cuộc tiếp xúc giữa hai phía Nga và Ukraine”.

Trong hơn một tháng qua, Abramovich đã đi khắp Đông Âu, Nga, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, đảm nhận vai trò như một kênh kết nối hậu trường. Ông nhiều lần gặp gỡ quan chức Nga và Ukraine tại các phòng khách sạn và văn phòng. Ông đã thảo luận với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky.

Các nhà đàm phán của Ukraine nhận xét Abramovich đang cho thấy ông là một “cây cầu nối” rất hữu ích. Ngoài việc chuyển các yêu cầu của Ukraine cho Tổng thống Putin, ông còn giúp đỡ nhiều vấn đề lớn nhỏ khác.

Theo giới chức Ukraine, Abramovich đã tham gia vào quá trình thiết lập một số hành lang sơ tán dân thường tại các thành phố Mariupol và Berdyansk. Ông cũng đã cố gắng thúc đẩy ít nhất hai cuộc trao đổi tù nhân giữa Moskva và Kiev.

Ngoài ra, ông cũng đã thuyết phục các quan chức Nga chấp nhận một số cuộc đàm phán trực tuyến để đẩy nhanh tiến trình thảo luận. Phía Nga ban đầu chỉ muốn họp trực tiếp vì cho rằng hình thức đàm phán trực tuyến tiềm ẩn những rủi ro về an ninh.

Roman Abramovich tại London tháng 10/2011. Ảnh: Reuters.

Roman Abramovich tại London tháng 10/2011. Ảnh: Reuters.

Theo các nguồn tin gần gũi với Abramovich, ông thường xuyên liên lạc trực tiếp với Tổng thống Putin. Khi không thể kết nối với ông chủ Điện Kremlin, Abramovich sẽ trao đổi với Chánh văn phòng Anton Vaino.

Việc Abramovich tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên cuộc tranh luận về động cơ của ông. Nhiều quan chức châu Âu và Mỹ suy đoán Abramovich góp mặt nhằm cố gắng tránh các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa của phương Tây đối với ông.

Vào đầu tháng 3, khi các chính phủ phương Tây bắt đầu trừng phạt những nhà tài phiệt Nga, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu người đồng cấp Mỹ Joe Biden không trừng phạt Abramovich vì vai trò của ông này trong các cuộc đàm phán. Chính quyền Biden đã đồng ý.

Các quan chức Ukraine cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với chính phủ Anh, nhưng London vẫn trừng phạt ông. EU sau đó có động thái tương tự.

Tuy nhiên, những người thân cận với Abramovich cho biết ông tham gia không phải vì muốn bảo vệ lợi ích cá nhân. Họ nói tỷ phủ Nga chỉ muốn giúp chấm dứt xung đột.

Trong 10 ngày qua, Abramovich đã di chuyển qua lại giữa Moskva, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, bằng máy bay riêng, ôtô hay cả tàu hỏa. Có thời điểm, Abramovich muốn rời Ukraine qua ngả Ba Lan, một thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng máy bay của ông không thể vào không phận Ba Lan do các lệnh trừng phạt của EU. Vì vậy, ông đã lên một máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul, sau đó lên một chuyến bay khác để trở về Moskva.

Hôm 29/3, Abramovich đã đến Istanbul, tham gia cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Sau sự kiện này, Moskva tuyên bố giảm hoạt động quân sự trên thực địa, trong khi Kiev đưa ra đề xuất về trạng thái trung lập để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin hôm 31/3 nói với ông rằng các điều kiện hiện nay chưa chín muồi để ngừng bắn ở Ukraine.

Andrei Korobkov, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Middle Tennessee ở Mỹ, cho rằng Abramovich là lựa chọn rất phù hợp để tham gia vào một số loại hình ngoại giao không chính thức.

“Ông ấy đóng vai trò như cầu nối giữa Điện Kremlin, Ukraine, Israel, có thể cả Mỹ và thậm chí có thể cả Anh”, Korobkov nhận xét.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

  • Tỷ phú Abramovich, người bắc cầu đàm phán Nga – Ukraine
  • Tranh cãi về tuyên bố giảm giao tranh của Nga ở Ukraine
  • Tác động từ cuộc đối đầu khí đốt Nga – châu Âu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*