Giống nhiều quốc gia phương Tây, Mỹ đã chuyển vũ khí dự trữ tên lửa vác vai Stinger và Javelin để hỗ trợ Ukraine. Số vũ khí này do Lockheed-Martin và Raytheon Technologies sản xuất và đã được thanh toán.
Vì vậy, khi kết quả kinh doanh quý I của những công ty được công bố vài tuần tới, chúng sẽ không tăng trưởng mạnh vì làn sóng viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, trong tương lai, lợi nhuận dự kiến tăng lên do kho dự trữ quốc phòng Mỹ cần bổ sung để bù vào số vũ khí đã chuyển.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc lên kế hoạch sử dụng 3,5 tỷ USD cho mục đích bổ sung vũ khí, theo dự thảo ngân sách thông qua hồi giữa tháng 3. Tên lửa chống tăng Javelin do Lockheed và Raytheon liên doanh chế tạo. Tên lửa phòng không Stinger từng bị ngừng sản xuất cho tới khi Lầu Năm Góc đặt hàng 340 triệu USD mùa hè năm ngoái.
“Chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn để nhanh chóng bổ sung kho dự trữ của Mỹ, cũng như lấp đầy kho dự trữ của đồng minh và đối tác”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia công nghiệp quốc phòng đánh giá lợi nhuận mà các công ty kiếm được từ những hợp đồng tên lửa này sẽ không phải là quá lớn, vì đây là những loại tên lửa tương đối đơn giản.
“Nếu 1.000 tên lửa Stinger và 1.000 tên lửa Javelin được chuyển tới Đông Âu mỗi tháng trong năm tới, điều khả thi với tốc độ hiện nay, thì chúng tôi cho rằng doanh thu của cả hai nhà sản xuất vào khoảng 1-2 tỷ USD”, Colin Scarola, chuyên gia của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, nói. Doanh thu của Raytheon và Lockheed năm ngoái lần lượt là 64 và 67 tỷ USD.
“Raytheon có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa Patriot cho Arab Saudi so với bán tên lửa phòng không vác vai Stinger”, Jordan Cohen, chuyên gia về kinh doanh vũ khí tại Viện Cato nói.
Từ trước khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu hôm 24/2, một số giám đốc hãng vũ khí đã ám chỉ rằng tình hình thế giới đang có lợi cho họ. Greg Hayes, CEO của Raytheon, hồi cuối tháng một đánh giá căng thẳng gia tăng ở châu Á, Trung Đông và Đông Âu sẽ khiến doanh thu bán hàng quốc tế cao hơn, không phải ngay lập mà từ nửa cuối năm 2022 và những năm sau.
James Taiclet, CEO của Lockheed-Martin, bày tỏ theo quan sát của ông, “sự tái cạnh tranh giữa các cường quốc” có thể thúc đẩy Mỹ chi tiêu quân sự nhiều hơn.
Chiến sự ở Ukraine sẽ khiến các nước có nhu cầu mua vũ khí, khí tài hơn. “Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi trật tự địa chính trị, theo cách chưa từng thấy trong 30 năm qua”, Burkett Huey, chuyên gia của Morningstar, công ty dịch vụ tài chính, nói. “Mọi người bắt đầu nhận ra thế giới kém an toàn hơn và có lẽ cần tăng cường đầu tư vào quốc phòng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà thầu”.
Eric Heginbotham, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế MIT, cho hay xung đột Ukraine sẽ khiến chính phủ các nước phương Tây cũng như một số nước châu Á, “không muốn cắt giảm ngân sách quốc phòng”.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất tăng ngân sách quốc phòng 4%. Còn Đức, quốc gia vốn luôn thận trọng trong vấn đề này, đã thay đổi chính sách hồi cuối tháng 2, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự. Berlin tuyên bố lập tức giải ngân 100 tỷ euro hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
“Các nước đang tìm cách tăng cường tương tác với Mỹ, quốc gia trụ cột của NATO”, Heginbotham nói.
Giữa tháng 3, Đức cho hay sẽ mua chiến đấu cơ F-35 của Lockheed. Đơn đặt hàng cần vài năm để sản xuất và khi đó họ mới được thanh toán phần lớn số tiền.
Eric Gomez, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Cato, cho hay “cung cấp F-35 cho quân đội châu Âu” là món làm ăn hời với các nhà thầu quân sự Mỹ. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng muốn điều này bởi hệ thống của họ và các đồng minh sẽ có nền tảng hoạt động tương đồng.
“Nhưng mặt khác, điều đó cũng khiến Mỹ khó rút sự chú ý khỏi châu Âu để tập trung vào Trung Quốc, nước mà chính quyền Biden coi là đối thủ đáng gờm nhất”, Gomez nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi