Mỹ nói Ukraine ‘thành công’ giai đoạn đầu chiến sự

Tại phiên điều trần ngày 7/4 tại Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định khả năng Nga chấp nhận ngừng bắn và giải quyết ngoại giao trong vấn đề Ukraine vẫn rất thấp. Tướng cao cấp nhất của quân đội Mỹ cảnh báo chiến sự Ukraine là “cuộc gian truân kéo dài”.

Tướng Milley nhận định “giai đoạn đầu tiên của chiến sự có thể nói đã diễn ra thành công” đối với lực lượng Ukraine và đã kết thúc. Tuy nhiên, mục tiêu phía Ukraine đặt ra, gồm duy trì tình trạng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, là vô cùng khó khăn. Theo ông, hồi kết của chiến sự vẫn là vấn đề khó dự báo chính xác.

“Vẫn còn những trận đánh lớn trước mắt ở phía đông nam Ukraine, xung quanh vùng Donbass, nơi Nga dự tính tập trung lực lượng và tiếp tục đà tiến quân”, tướng Milley nhấn mạnh, lưu ý các tỉnh trưởng phía đông và phía nam Ukraine đang kêu gọi cư dân tranh thủ “cơ hội cuối cùng” để sơ tán trước Nga mở đợt tiến công mới.

Cảnh sát Ukraine tuần tra ở làng Dmytrivka, phía tây Ukraine ngày 2/4 sau khi các lực lượng Nga rút khỏi khu vực quanh thủ đô. Ảnh: AFP.

Cảnh sát Ukraine tuần tra ở làng Dmytrivka, phía tây Ukraine ngày 2/4 sau khi các lực lượng Nga rút khỏi khu vực quanh thủ đô. Ảnh: AFP.

Tại phiên điều trần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Nga đã ngừng các cuộc gọi với Washington trên phương diện quân sự. Hai nước không còn bất kỳ trao đổi nào về các nội dung này từ giữa tháng 2 đến nay, khi căng thẳng về Ukraine leo thang.

“Đối thoại không mấy thành công vì phía Nga không phản hồi”, Austin cho biết, đồng thời bày tỏ thất vọng về tình trạng quan hệ hiện nay. “Điều đó không đồng nghĩa chúng tôi sẽ chấm dứt nỗ lực liên lạc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định Nga đã từ bỏ mục tiêu kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir ban đầu muốn một chiến dịch kiểm soát nhanh chóng toàn bộ Ukraine, tiếp quản thần tốc thủ đô. “Ông ấy đã tính toán sai và có lẽ đã từ bỏ mục tiêu này, tập trung vào phía nam và phía đông”, ông cho hay.

“Trong cuộc đối đầu ở khu vực đông nam, địa hình rất khác với phía bắc. Đây là vùng đất bằng phẳng, thuận lợi cho các chiến dịch sử dụng thiết giáp và cơ giới. Phía Ukraine đang cần loại vũ khí này. Họ đã đề nghị hỗ trợ và có thể xin thêm thiết giáp, pháo”, ông nói.

Mỹ và NATO vẫn từ chối gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine hoặc những loại vũ khí hạng nặng khác. Liên minh quân sự phương Tây cũng không chấp nhận đề nghị lập vùng cấm bay tại Ukraine, tránh rủi ro chiến tranh trực tiếp với Nga.

Theo tướng Milley, Mỹ và đồng minh đã hỗ trợ Ukraine khoảng 25.000 hệ thống vũ khí phòng không và 60.000 hệ thống chống tăng. Ông nói Mỹ sẽ hỗ trợ tình báo cho quân đội Ukraine cho giai đoạn tiếp theo của chiến sự tại Donbass, nhưng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực là mục tiêu khó khăn và Ukraine sẽ cần thêm viện trợ vũ khí.

Sau gần một tháng rưỡi giao tranh, chiến sự ở Ukraine đã khiến ít nhất 1.611 dân thường thiệt mạng và 2.227 người bị thương, theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR). Cơ quan này cảnh báo con số thương vong thực tế có thể cao hơn.

Liên Hợp Quốc cho biết 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó hơn 4,3 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước từ khi Nga mở chiến dịch quân sự. Theo LHQ, đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Trung Nhân (Theo Guardian, AFP)

  • Cuộc sống ở Kiev sau khi Nga rút quân
  • Dọa cắt khí đốt, Nga dùng chiến thuật ‘khuấy bão trong tách trà’
  • Con đường Abramovich trở thành nhà hòa giải xung đột Ukraine
  • Phương Tây cạn vũ khí mới đối phó Nga
  • Cuộc sống bên trong thành phố lực lượng Nga kiểm soát ở Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*