Nga nêu điều kiện ông Putin họp thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine

“Tổng thống Putin chưa bao giờ bác bỏ (khả năng gặp mặt Tổng thống Ukraine Zelensky). Tổng thống chưa bao giờ loại trừ một cuộc gặp như vậy và về giả thuyết nó là có thể”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói trên truyền hình. “Tuy nhiên, để cuộc gặp này diễn ra, cần có một văn bản cụ thể được hai phái đoàn đàm phát thống nhất. Không phải tập hợp những ý tưởng mà phải là một văn bản cụ thể. Sau đấy, cuộc gặp sẽ được tổ chức”.

Cùng ngày, thành viên hàng đầu của phái đoàn đàm phán Nga cho biết vẫn còn quá sớm để bàn đến việc tổ chức hội nghị giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky nhằm chấm dứt xung đột.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.

Trước sức ép từ các lệnh trừng phạt, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định việc “Nga bị cô lập là bất khả thi, là không thể về mặt công nghệ trong thế giới hiện đại”.

Thế giới “rộng hơn châu Âu rất nhiều”, ông cho hay, thêm rằng “sớm hay muốn chúng ta sẽ phải xây dựng một cuộc đối thoại, dù một số nước có muốn điều đó hay không”.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên nước này như bỏ quy chế tối huệ quốc, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga hay loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Một số nước đã thu giữ du thuyền và các tài sản khác của những nhà tài phiệt Nga.

Peskov đồng thời cảnh báo Nga có thể yêu cầu các nước “kém thân thiện” thanh toán các mặt hàng khác bằng đồng ruble, ngoài nhiên liệu.

Các nước bị Nga coi là “thiếu thân thiện” gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Trong khi Mỹ đầu tháng trước quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, EU đã giữ lại các hợp đồng mua khí đốt từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Vũ Hoàng (Theo Tass, Reuters)

  • Nga nêu lý do đàm phán với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
  • Ba Lan phàn nàn lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả
  • Thành phố cảng miền nam Ukraine hứng không kích
  • Hoài nghi về đề xuất đảm bảo an ninh cho Ukraine
  • Mỹ nói Nga muốn kiểm soát đông Ukraine vào đầu tháng 5

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*