“Chúng tôi rất vui nếu tiếp tục đàm phán ở Belarus, song Ukraine không muốn như vậy. Vì một số lý do, địa điểm đàm phán này không thuận tiện cho họ. Điều quan trọng là tìm một nơi để có thể họp hiệu quả với các nhà đàm phán Ukraine, dù đó là Istanbul hay nơi nào khác”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết hôm 2/4 khi được hỏi lý do chuyển địa điểm đàm phán từ Belarus sang Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Ông Peskov cho biết thêm Kiev ngay từ đầu đã không muốn tổ chức đàm phán với Moskva ở Belarus và chỉ ra rằng hai vòng đàm phán đầu tiên tại quốc gia này “gặp nhiều khó khăn”.
Phái đoàn Ukraine “thực sự đã không muốn tới Belarus cho đến tận những phút cuối” và khi phái đoàn Nga đến để đàm phán lần đầu tiên, họ đã phải chờ phía Ukraine gần một ngày mà không rõ liệu họ có đến hay không, Peskov tiết lộ.
Phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức ba vòng đàm phán đầu tiên tại Belarus trước khi chuyển sang hình thức trực tuyến và mới nhất là nối lại đàm phán trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Belarus đóng vai trò là một trong những nơi tập trung lực lượng Nga trước chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng Tổng thống Belarus đã khẳng định quân đội của họ không tham gia xung đột. Nga là đồng minh chủ chốt của Belarus và từng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Lukashenko đối phó các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn năm 2020.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraine, luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai và đã đề nghị làm trung gian từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh truyền thống của Ukraine và đã cung cấp cho nước này các máy bay không người lái Bayraktar mà Ukraine sử dụng trong chiến sự. Tuy nhiên, Ankara cũng luôn tìm cách duy trì quan hệ tốt với Nga, nơi nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt và doanh thu từ du lịch.
David Arakhamia, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine, hôm 2/4 cho biết phía Nga đã đồng ý “bằng lời” với các đề xuất quan trọng của Kiev, dù chưa có “xác nhận chính thức bằng văn bản”. Nhà đám phán Ukraine cũng để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù ông Putin hôm 31/3 nói rằng các điều kiện hiện nay chưa chín muồi để ngừng bắn ở Ukraine.
Trước đó Nga nói rằng Ukraine thể hiện họ sẵn sàng thực hiện các yêu cầu mà Nga nhấn mạnh trong nhiều năm, bao gồm từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giữ trạng thái trung lập, không sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cam kết không tiếp nhận quân đội hoặc căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, phía Ukraine đề nghị “tạm thời gác lại” vấn đề Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass trong đàm phán. Trong khi đó, Nga khẳng định vẫn giữ yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo Sputnik)
Để lại một phản hồi