Tỉnh Sóc Trăng đang mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác với địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong ảnh: Trung tâm TP. Sóc Trăng |
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 28/4/2022. Trao đổi với Báo Đầu tư về tiềm năng, lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư phát triển của tỉnh.
Thưa ông, thời gian gần đây, tỉnh Sóc Trăng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông, đâu là những tiềm năng khác biệt, tạo nên lợi thế cạnh tranh của tỉnh?
Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sóc Trăng có đầy đủ tiềm năng của địa phương nằm trong vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với sản lượng lúa trên 2 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 74%.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn có thế mạnh về nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản với tổng sản lượng đạt gần 340.000 tấn/năm. Trong năm 2021, chỉ riêng hai mặt hàng thủy sản và gạo đạt giá trị xuất khẩu 1.243 triệu USD, chiếm trên 97% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Nằm ở hạ lưu sông Mekong, tiếp giáp với biển Đông, lợi thế khác biệt của Sóc Trăng so với các địa phương trong vùng ĐBSCL là tiềm năng phát triển tổng hợp kinh tế biển, với các ngành như: năng lượng sạch, cảng biển, logistics, du lịch biển.
Với bờ biển dài và rộng, thời tiết ôn hòa, sức gió nhiều và mạnh, trung bình trên 6 m/s; số giờ nắng trung bình khoảng 2.500 giờ/năm, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 – 5 kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) của Sóc Trăng rất lớn.
Về du lịch, Sóc Trăng có những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp, như Hồ Bể, Mỏ Ó, cùng những dãy cù lao vườn cây ăn trái tươi tốt dài hơn 60 km trên dòng sông Hậu, hệ thống sông ngòi chằng chịt và đặc biệt là nền văn hóa đặc sắc giao thoa của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, là xứ sở của văn hóa lễ hội và đền chùa với kiến trúc độc đáo… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để đầu tư phát triển các loại hình du lịch, như du lịch sinh thái, kết hợp phát triển điện gió, du lịch biển; phát triển các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nghỉ dưỡng…
Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km, có 3 cửa sông lớn ra biển, trong đó cửa Định An và Trần Đề là 2 cửa ngõ quan trọng ra vào biển Đông của các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã tạo lợi thế cho Sóc Trăng phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics.
Đặc biệt, cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt. Về phía tỉnh, Sóc Trăng đã phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải lập song song quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng hợp vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, vùng đất, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050… làm cơ sở kêu gọi đầu tư thực hiện dự án. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xin chủ trương nghiên cứu thực hiện dự án.
Nhằm tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế nêu trên, tỉnh Sóc Trăng đề ra chiến lược thu hút đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2025 như thế nào, thưa ông ?
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025 theo Nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã đề ra, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Sóc Trăng xác định định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 – 2025 theo 4 hành lang kinh tế cùng 5 lĩnh vực trọng tâm.
Cụ thể, 4 hành lang kinh tế của tỉnh gồm:
Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu.
Hành lang kinh tế Bắc – Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cùng với tuyến Nam Sông Hậu thuận lợi cả đường thủy, đường bộ, kết nối khu vực từ cầu Đại Ngãi (nối tuyến Quốc lộ 60) qua vùng cảng biển Trần Đề đến vùng kinh tế biển thị xã Vĩnh Châu.
Hành lang kinh tế Đông – Tây theo tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông – Tây tỉnh Sóc Trăng với trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
Hành lang kinh tế trung tâm với trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối TP. Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh như huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.
Năm lĩnh vực tỉnh tập trung thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng là: dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp – đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.
Ông có thể nói rõ hơn việc thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực này?
Đối với dịch vụ logistics cảng biển, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics các ngành công nghiệp phục vụ kinh tế biển nhằm khai thác lợi thế vị trí cảng biển nước sâu và đường bờ biển dài 72 km của tỉnh, trọng tâm là Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề). Đây là cảng cửa ngõ của vùng và quốc tế, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, kết hợp hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư trong thời gian tới như cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển kết nối Trà Vinh – Bạc Liêu, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, dự án sẽ kết nối thông suốt cho hệ thống giao thông của khu vực ĐBSCL, trở thành động lực phát triển kinh tế của vùng.
Đối với hạ tầng công nghiệp – đô thị, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các khu vực tại huyện Trần Đề, Long Phú nhằm phát triển đồng bộ khi các dự án cảng biển, khu công nghiệp được hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, vui chơi giải trí của người lao động làm việc tại các dự án.
Đối với nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển của tỉnh; phát triển nuôi thuỷ, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; chú trọng khai thác gắn với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng chất lượng và giá trị nông sản của tỉnh.
Đối với du lịch, tỉnh phát triển du lịch theo định hướng khai thác thế mạnh về du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao kết hợp với các dự án du lịch nhằm phát triển và hoạt động đồng bộ các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, với lợi thế điều kiện tự nhiên, địa lý, tỉnh sẽ tăng cường thu hút đầu tư du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hoá trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề – Côn Đảo.
Đối với năng lượng tái tạo, sau khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu với tổng công suất dự kiến là 5.100 MW.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 có chủ đề “Đồng hành – Hợp tác – Phát triển”, vậy sự đồng hành với nhà đầu tư được tỉnh cụ thể hóa ra sao, thưa ông?
Để hiện thực hóa những định hướng phát triển của tỉnh, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác cùng với địa phương trong phát triển kinh tế giai đoạn tới, tỉnh Sóc Trăng cam kết thực hiện phương châm “4 đồng hành”, đó là:
Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển của tỉnh, đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh của nhà đầu tư.
Đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.
Đồng hành cùng nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng khi tỉnh cam kết đầu tư hạ tầng, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án.
Đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, vận hành thương mại của dự án.
Với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với quyết tâm mạnh mẽ, trong thời gian tới, Sóc Trăng hy vọng sẽ được tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh cùng hợp tác và phát triển.
Để lại một phản hồi