Thụy Điển, Phần Lan cân nhắc thiệt hơn khi hướng đến NATO

Khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra mục tiêu rõ ràng: Ông muốn khôi phục ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu và cảnh báo NATO không tiếp tục mở rộng liên minh về hướng đông, áp sát biên giới Nga.

Tuy nhiên, ông Putin dường như khó đạt được mục tiêu này, khi Phần Lan và Thụy Điển, hai nước ngay sát sườn Nga, đang có những động thái hướng tới khả năng xin gia nhập NATO, từ bỏ niềm tin suốt nhiều thập kỷ rằng hòa bình sẽ được duy trì bằng cách giữ vị thế trung lập.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdelena Andersson ở Stockholm ngày 13/4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói quyết định có nộp đơn xin gia nhập NATO hay không sẽ được đưa ra “trong vài tuần tới”, khi chính phủ của bà đệ trình tài liệu để thảo luận tại quốc hội.

“Tất nhiên có những ưu và nhược điểm khi trở thành thành viên NATO, cũng như luôn có những mặt lợi và hại của bất kỳ lựa chọn an ninh nào khác”, Thủ tướng Thụy Điển Andersson tiếp lời, nhưng thêm rằng “không thấy lý do nào để trì hoãn” quá trình cân nhắc gia nhập liên minh.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (trái) và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tại Stockholm hôm 13/4. Ảnh: TT News Agency.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (trái) và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tại Stockholm hôm 13/4. Ảnh: TT News Agency.

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và có quan hệ đối tác mạnh mẽ với NATO, khi thường xuyên cử lực lượng tham gia các cuộc tập trận chung với khối này.

Nhưng Phần Lan, quốc gia 5,5 triệu dân và có chung đường biên giới hơn 1.300 km với Nga, từ lâu được biết đến là một nền dân chủ độc lập theo xu hướng trung lập, mô hình mà nhiều người đã đề xuất cho Ukraine. Phần Lan công khai đứng về phía phương Tây kể từ khi Liên Xô tan rã, nhưng vẫn duy trì chính sách không tham gia các liên minh quân sự.

Người dân Phần Lan những năm qua không mặn mà với phương án gia nhập NATO, khi chưa đầy 30% số người ủng hộ lựa chọn này, tương tự ở Thụy Điển.

Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong dư luận Phần Lan. “Lần đầu tiên, phần lớn dân số Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO”, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói tháng trước.

Một cuộc thăm dò gần đây chỉ ra 68% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO và tỷ lệ này tăng lên 77% nếu đó là đề xuất của Tổng thống và chính phủ. Tại Thụy Điển, khoảng 50% người dân ủng hộ gia nhập NATO. Trong kịch bản nước láng giềng Phần Lan trở thành thành viên NATO, tỷ lệ ủng hộ ở Thụy Điển cho phương án này tăng lên 62%, theo Anna Wieslander, giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bắc Âu.

Matti Muukkonen, giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, cho rằng xung đột Ukraine đã làm tăng tính cấp bách của phương án gia nhập NATO. “Nga đang hành động quyết liệt để tạo ra vùng đệm giữa họ và NATO. Để tiếp tục được hưởng các quyền cơ bản trong tương lai, Phần Lan phải nỗ lực hết sức để bảo vệ chủ quyền của mình”, ông nói.

Dù là đối tác thân thiết với NATO, Helsinki và Stockholm đều không được bảo vệ theo Điều 5 trong hiệp ước của liên minh, quy định về phòng thủ chung khi một thành viên bị tấn công. Giới quan sát cho rằng gia nhập NATO sẽ giúp cả hai nước tăng đảm bảo an ninh và sức răn đe trước các mối đe dọa.

Ivo Daalder, từng là đại sứ Mỹ tại NATO từ năm 2009 tới 2013, nhận định an ninh trên toàn châu Âu sẽ được tăng cường nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.

“Điều quan trọng là hai quân đội rất có năng lực được bổ sung vào liên minh. Những quốc gia này sau đó sẽ được yêu cầu hỗ trợ bảo vệ NATO”, ông nói.

Lực lượng phòng vệ Phần Lan có thể tập hợp 280.000 quân trong vòng 30 ngày. Quyết định biên chế tiêm kích tàng hình F-35 cũng biến không quân Phần Lan thành một trong những lực lượng có năng lực mạnh nhất châu Âu.

Lực lượng Phòng vệ Phần Lan tập trận quân sự chung ở Setermoen, phía bắc Na Uy hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Lực lượng Phòng vệ Phần Lan tập trận quân sự chung ở Setermoen, phía bắc Na Uy hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Thụy Điển mới chỉ tăng ngân sách quốc phòng gần đây, nhưng cũng có thể đóng góp đáng kể cho liên minh. Năng lực tác chiến trên biển, trên không của lực lượng vũ trang Thụy Điển sẽ là bổ sung quan trọng cho hệ thống phòng thủ và răn đe của NATO.

Về lâu dài, NATO có thể hưởng lợi từ quyết định mở cửa chào đón hai trong số những nền dân chủ năng động nhất thế giới. NATO được thành lập dựa trên các chính sách an ninh và giá trị dân chủ, nên kết nạp Helsinki và Stockholm có thể giúp liên minh tăng cường các thể chế tự do và khuyến khích hợp tác kinh tế.

Thụy Điển và Phần Lan cũng có tầm ảnh hưởng lớn trong EU, do đó hai nước có thể thắt chặt mối quan hệ giữa NATO và EU trong một loạt vấn đề quan trọng.

Nhờ mối quan hệ tốt với NATO, Phần Lan và Thụy Điển có thể dễ dàng được chấp thuận nếu nộp đơn xin gia nhập, có thể là tại cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Madrid vào cuối tháng 6.

Song giới quan sát cho rằng nếu lựa chọn gia nhập NATO, hai nước vẫn cần đợi thêm thời gian để trở thành thành viên liên minh. Bắc Macedonia, quốc gia mới nhất gia nhập NATO, đã mất khoảng một năm để được phê duyệt.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cả Thụy Điển, Phần Lan và NATO đều phải tính toán đến những hậu quả bất lợi có thể nảy sinh khi hai quốc gia từ bỏ chính sách trung lập, trong đó phản ứng của Nga được coi là điều đáng lo ngại nhất.

Trước khi bắt đầu chiến dịch ở Ukraine, Tổng thống Putin đã cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về nguy cơ bị “trả đũa” nếu gia nhập NATO. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/4 tuyên bố mở rộng NATO sẽ không mang lại ổn định hơn cho châu Âu.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev hôm nay cảnh báo Nga sẽ tăng quân ở sườn tây, triển khai vũ khí hạt nhân đến vùng Baltic nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO, điều sẽ khiến chiều dài biên giới giữa Nga và liên minh quân sự này tăng hơn hai lần.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Giới quan sát phương Tây cho rằng nếu Nga thực hiện các biện pháp này, căng thẳng dọc biên giới với Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia tăng đáng kể, khi tàu chiến và tên lửa hạt nhân Nga có thể được triển khai ở Biển Baltic nằm giữa hai nước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nói liên minh sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển từ lúc họ công bố quyết định xin gia nhập đến khi đơn đăng ký được chấp thuận. Tuy nhiên, ông Stoltenberg không nói rõ NATO có thể cung cấp những đảm bảo an ninh nào.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng với Nga là yếu tố khiến các lãnh đạo hiện tại của Thụy Điển và Phần Lan thận trọng với phương án gia nhập NATO. Trong khi đó, các cựu lãnh đạo của họ lại thể hiện quan điểm quyết liệt hơn.

“Không có cách nào quay trở lại trạng thái trung lập như trước đây. Lựa chọn bây giờ là tiếp tục trạng thái trung lập không ổn định, hoặc nhận ra thực tế mới và nỗ lực trở thành thành viên chính thức của NATO”, cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times, Washington Post, Times)

  • NATO nỗ lực bảo vệ ‘gót chân Achilles’
  • Không kích gần Ba Lan, Nga gửi cảnh báo NATO
  • Lý do NATO từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraine
  • Căn cứ NATO như cái gai trong mắt Putin
  • Những nước châu Âu vượt sóng gió nhờ trung lập

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*