Từng mất giá tới 40%, Nga đã khiến đồng Ruble lội ngược dòng thần kỳ trong vòng 1 tháng bằng chiến lược đặc biệt

Gần đây, Nga đã đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) phải thanh toán bằng đồng Ruble khi mua dầu khí của họ thay vì đồng USD hay Euro. Nếu đề nghị này diễn ra cách đây 1 tháng thì EU chắc vẫn vui mừng bởi đồng Ruble khi đó mất giá đến 40%, ở mức 139 Ruble đổi 1 USD.

Thế nhưng kể từ mức đáy phiên 7/3/2022, đồng Ruble của Nga đã lội ngược dòng thần kỳ, đạt 82,4 Ruble/USD trong phiên 7/4/2022.

Sự phục hồi mạnh mẽ của Ruble khiến đồng tiền này đạt danh hiệu có tăng trưởng tốt nhất trong tháng 3/2022. Vậy Nga đã làm thế nào để bảo vệ đồng nội tệ của mình?

Từng mất giá tới 40%, Nga đã khiến đồng Ruble lội ngược dòng thần kỳ trong vòng 1 tháng bằng chiến lược đặc biệt - Ảnh 1.

Tỷ giá Ruble/USD

Lỗ hổng cấm vận

Khí đốt là một trong những vũ khí cực kỳ lợi hại của Nga khiến các lệnh cấm vận Phương Tây khó có thể áp dụng triệt để.

Mục đích chính của Phương Tây là giới hạn khả năng tiếp cận nguồn ngoại tệ nước ngoài, qua đó trừng phạt kinh tế, thương mại của cường quốc này. Thế nhưng rất nhiều quốc gia, nhất là ở Châu Âu đã quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga và không có lựa chọn nào khác.

Theo Bloomberg Economics, Nga sẽ thu về gần 321 tỷ USD nhờ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, tăng hơn 30% so với năm trước nhờ các khách hàng lớn ở EU.

Thông thường các hợp đồng khí đốt của Châu Âu là giao dịch bằng USD hay Euro nên họ không dự trữ đồng Ruble. Nếu Nga ép được các nước trả bằng Ruble thì họ sẽ buộc phải mua vào đồng tiền này, làm gia tăng nhu cầu cũng như tăng giá Ruble.

Ngoài ra, nhờ giá dầu khí tăng mà Nga vẫn duy trì thương mại được với các nền kinh tế sôi động như Trung Quốc và Ấn Độ, qua đó duy trì dòng chảy ngoại tệ. Nhờ đó, mối lo vỡ nợ của Nga bị đánh tan và giúp đồng Ruble hồi phục nhanh chóng.

Một lỗ hổng nữa trong các lệnh cấm vận của Phương Tây là trái phiếu chính phủ. Điểm đáng sợ của các lệnh cấm vận trên là khiến Nga khó tiếp cận được với cả các tài khoản ngoại tệ của mình ở nước ngoài. Theo thống kê, Nga nắm giữ 640 tỷ USD ngoại tệ, từ Euro, đồng USD cho đến đồng Yên Nhật ở khắp các tài khoản trên thế giới. Khoảng ½ trong số đó được trữ tại Mỹ và Châu Âu.

Mặc dù lệnh cấm vận khiến Nga khó tiếp cận khoản tiền nay nhưng nó lại cho phép thông qua nếu được dùng để thanh toán các khoản lãi trái phiếu chính phủ. Lỗ hổng này được cho là sẽ điều chỉnh lại trong tháng 4/2022 nhưng chừng đó cũng đủ để giúp đồng Ruble của Nga.

Nếu không thể tiếp cận số ngoại tệ này nữa, Nga sẽ phải bán tiếp Ruble để kiếm USD trả nợ, tạo nên áp lực cho đồng nội tệ. Trong trường hợp không thể huy động đủ ngoại tệ trả nợ trái phiếu, Nga sẽ bị coi là vỡ nợ.

Nga phòng thủ

Mặt trận kinh tế của Nga hiện đang cực kỳ nóng bỏng với các đòn trừng phạt của Phương Tây. Vào ngày 28/2/2022, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã nâng lãi suất lên đến 20%, hệ quả là người dân thà gửi ngân hàng lấy lãi còn hơn bán chúng mua ngoại tệ. Nếu đồng Ruble bị bán ít đi thì áp lực giảm giá của chúng cũng đi xuống.

Tiếp đó, chính phủ Nga cũng yêu cầu các hoạt động kinh doanh phải quy đổi 80% số tiền thu được sang Ruble. Nghĩa là nếu một doanh nghiệp thép kiếm được 100 triệu Euro nhờ bán sang Pháp, họ phải đổi 80 triệu Euro thành Ruble bất kể tỷ giá thế nào.

Hệ quả là vô số các công ty có giao dịch thương mại với Phương Tây phải tìm nguồn Ruble để đổi, qua đó kích cầu và nâng giá đồng tiền.

Từng mất giá tới 40%, Nga đã khiến đồng Ruble lội ngược dòng thần kỳ trong vòng 1 tháng bằng chiến lược đặc biệt - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, Nga cũng cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán chứng khoán. Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu, trái phiếu tại Nga và có thể muốn rút vốn vì lệnh cấm vận hay do lo ngại rủi ro. Thế nhưng lệnh cấm bán trên khiến dòng vốn giữ lại được ở trong nước và khiến đồng Ruble không bị mất giá.

Thêm nữa, chính các công dân Nga cũng bị giám sát khi cấm chuyển tiền hay giao dịch tín dụng quốc tế, nhờ đó ngăn chặn tình trạng bán ra đồng Ruble để mua ngoại tệ trong dân. Mặc dù quy định này đã được nới lỏng nhưng cá nhân chỉ có thể gửi tối đa 10.000 USD ra nước ngoài trong năm 2022.

Chiến lược Potemkin

Tờ NPR nhận định Nga đã sử dụng “Chiến lược Potemkin” nhằm tạo nên nhu cầu giả, giới hạn nguồn cung để giữ giá đồng Ruble.

Thuật ngữ này được đặt theo tên của Grigory Potemkin, thống đốc bán đảo Crimea được Nữ hoàng Catherine bổ nhiệm sau khi Nga chiếm được vùng đất vào năm 1784 từ tay vương triều Khanate. Nhằm gây ấn tượng với Nữ hoàng trong cuộc thị sát sau đó về khả năng an cư người Nga trên bán đảo, thống đốc Potemkin đã cho xây những ngôi làng tạm thời, nơi dân làng được gom từ các nơi.

Mục đích chính của việc này là trưng bày khả năng cho Nữ hoàng xem, sau đó những ngôi làng tạm thời sẽ bị dỡ bỏ còn cư dân thì ai về chỗ đó.

Từng mất giá tới 40%, Nga đã khiến đồng Ruble lội ngược dòng thần kỳ trong vòng 1 tháng bằng chiến lược đặc biệt - Ảnh 3.

Tương tự, Thống đốc Elvira Nabiullina của CBR cũng đang thực hiện chiến lược như của Potemkin, đó là tạo nên cung cầu giả trên thị trường để giữ giá đồng Ruble thay vì dựa vào giao dịch tự do.

Các chuyên gia nhận định nếu Nga xây dựng được giải pháp dài hạn thì chiến lược này sẽ để lại trái ngọt nhờ giữ được giá trị cũng như thâm nhập sâu hơn vào giao dịch quốc tế. Ngược lại, nếu chính phủ không đưa ra được giải pháp dài hạn thì đồng Ruble sẽ bị mất giá một lần nữa.

Rõ ràng, Nga không thể giữ lãi suất 20% quá lâu khi nền kinh tế này được dự báo sẽ giảm hơn 8% trong năm nay. Các quy định về cung cầu cũng khó duy trì mãi nếu chỉ dựa trên mệnh lệnh hành chính mà bỏ qua các yếu tố cơ bản thực sự của thị trường.

*Nguồn: NPR

Đồng ruble điện tử – sách lược đối phó nếu phương Tây nhằm vào Bitcoin để trừng phạt Nga

https://babfx.com/tung-mat-gia-toi-40-nga-da-khien-dong-ruble-loi-nguoc-dong-than-ky-trong-vong-1-thang-bang-chien-luoc-dac-biet-20220407113116549.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*