Bị cô lập với thế giới bên ngoài và thiếu lương thực cũng như đạn dược, hàng nghìn binh sĩ cố thủ tại nhà máy thép Azovstal vẫn kiên trì cầm cự, trở thành biểu tượng cho nỗ lực phản kháng ở thành phố Mariupol, miền nam Ukraine. Nhưng sau 82 ngày bị vây hãm, pháo đài này thất thủ.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar ngày 17/5 cho hay 53 thương binh cố thủ trong nhà máy Azovstal đã được đưa đến bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk, trong khi 211 người di chuyển đến thị trấn Olenivka. Cả hai thị trấn đều nằm trong khu vực do dân quân ly khai thân Nga kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó thông báo 265 lính Ukraine ở nhà máy Azovstal đã đầu hàng, trong đó có 51 người bị thương nặng.
“Các đơn vị đồn trú ở Mariupol đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của mình”, Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố. “Bộ chỉ huy quân sự tối cao đã ra lệnh cho lãnh đạo những đơn vị đóng quân tại Azovstal phải cứu mạng sống binh sĩ. Những người bảo vệ Mariupol là anh hùng của thời đại chúng ta”.
Thành phố Mariupol nằm dọc bờ biển Azov, án ngữ hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Kiểm soát Mariupol, lực lượng Nga sẽ nối thông được hành lang chiến lược này và phong tỏa hoàn toàn cửa ngõ tiếp cận biển Azov của Ukraine.
Với vai trò quan trọng như vậy của Mariupol, quân đội Nga đã triển khai vây hãm, pháo kích vào thành phố ngay khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Lực lượng bảo vệ thành phố gồm các đơn vị hải quân đánh bộ Ukraine cùng hàng nghìn tay súng Tiểu đoàn Azov. Tiểu đoàn Azov từng là một nhóm dân quân có xu hướng cực hữu, nhưng sau đó được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine.
Đến ngày 2/3, lực lượng Nga đã có mặt ở mọi phía của Mariupol, chỉ cách trung tâm thành phố vài km. Các cuộc không kích, bắn phá đã cắt đứt nguồn cung cấp điện và nước, đồng thời Mariupol cũng phải chịu cảnh thiếu lương thực, Phó thị trưởng Serhiy Orlov cho biết. Ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn công trình dân sự trong thành phố bị phá hủy sau nhiều ngày bị oanh tạc dữ dội.
Ngày 9/3, bệnh viện phụ sản 600 giường ở Mariupol bị tấn công, khiến ba người thiệt mạng và 16 người bị thương. Khung cảnh tan hoang của bệnh viện khiến thế giới rúng động, hình ảnh một thai phụ mặt dính đầy máu ôm bụng bước xuống cầu thang đổ nát tại bệnh viện cũng được chia sẻ khắp toàn cầu.
Giới chức Ukraine cáo buộc không quân Nga đã ném bom “phá hủy hoàn toàn” bệnh viện. Nga bác bỏ, khẳng định họ không thực hiện không kích vào các mục tiêu dân sự, đồng thời cáo buộc lực lượng Ukraine thực hiện “hành vi khiêu khích dàn dựng” ở đó.
Tối 16/3, hội đồng thành phố Mariupol đăng hình ảnh một nhà hát bị phá hủy và cáo buộc máy bay quân sự Nga “cố tình” nhắm vào cơ sở này, nơi có hàng trăm cư dân đang trú ẩn.
Bộ Quốc phòng Nga lập tức bác bỏ cáo buộc, cho rằng chính các tay súng của Tiểu đoàn Azov đã “thực hiện hành vi khiêu khích” bằng cách ” gài mìn và cho nổ tung nhà hát”.
Sau nhiều ngày oanh kích, Nga hôm 18/3 thông báo các lực lượng nước này đã tiến vào trung tâm Mariupol. Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ Mariupol đã kháng cự quyết liệt, đẩy lùi các đơn vị Nga ở trung tâm thành phố.
Sau nỗ lực đột kích bất thành, lực lượng Nga siết chặt vòng vây quanh Mariupol và tăng cường bắn phá các mục tiêu trong thành phố. Văn phòng Thị trưởng Vadym Boichenko ngày 28/3 cho biết gần 5.000 người đã thiệt mạng ở Mariupol kể từ khi cuộc vây hãm bắt đầu, 90% số công trình đã bị hư hại và 40% bị phá hủy. Khoảng 170.000 người vẫn còn mắc kẹt tại thành phố.
Ngày 31/3, nhiều tuần pháo kích không ngừng nghỉ đã biến Mariupol thành đống đổ nát. Những nỗ lực đàm phán để thiết lập một lệnh ngừng bắn trong thành phố cho người dân sơ tán đều thất bại, khi hai bên đều cáo buộc đối phương nổ súng trước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và thuyết phục Moskva cho phép sơ tán dân thường khỏi thành phố. Ông Putin đồng ý với đề xuất này, nhưng nhấn mạnh các cuộc pháo kích vào thành phố sẽ chỉ dừng lại khi lực lượng phòng thủ Ukraine đầu hàng.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/4 thông báo 1.026 binh sĩ Ukraine thuộc lữ đoàn hải quân đánh bộ số 36, trong đó có 162 sĩ quan, đã đầu hàng. Hai ngày sau, thị trưởng Boichenko cho biết khoảng 120.000 người vẫn mắc kẹt trong thành phố.
Từ ngày 18/4, trước thế áp đảo của các lực lượng Nga, các đơn vị phòng thủ Mariupol dần bị dồn về nhà máy thép Azovstal, nơi có hệ thống hầm ngầm chằng chịt giúp họ cố thủ trước hỏa lực đối phương. Hội đồng thành phố cho hay khoảng 1.000 dân thường cũng đang ẩn náu bên trong nhà máy.
Trong lúc lực lượng Nga chậm rãi tiến vào trung tâm Mariupol và kiểm soát phần lớn thành phố, nhà máy Azovstal trở thành “pháo đài” phòng thủ cuối cùng của hàng nghìn lính hải quân đánh bộ Ukraine và các thành viên Tiểu đoàn Azov.
Nga liên tiếp đưa ra các tối hậu thư để lực lượng Ukraine ở Azovstal đầu hàng, nhưng binh sĩ trong nhà máy tuyên bố không khuất phục và sẽ chiến đấu đến cùng. Các nỗ lực tấn công vào nhà máy của lực lượng Nga đều vấp phải sự chống trả quyết liệt.
Trong một cuộc họp trên truyền hình ngày 21/4, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho lực lượng của mình không tấn công vào nhà máy, điều mà ông cho là không khả thi. Thay vào đó, ông chỉ thị cho quân đội phong tỏa chặt Azovstal để “ngay cả một con ruồi cũng không thể vượt qua”.
Tiểu đoàn Azov công bố video cho thấy phụ nữ và trẻ em đang trú ẩn dưới hầm ngầm của nhà máy, cho biết họ sắp hết thức ăn và nước uống, cầu xin được sơ tán.
Ngày 2/5, cuộc sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal được chờ đợi từ lâu diễn ra với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế. Hơn 100 người từ Mariupol đã đến được nơi an toàn ở thành phố Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine.
Trong video được phát trực tiếp từ boongke nhà máy thép Azovstal hôm 5/5, một binh sĩ Ukraine cho biết chính phủ đã “thất bại” trong nỗ lực bảo vệ Mariupol, nhưng khẳng định đầu hàng không phải là một lựa chọn.
Đến ngày 7/5, tất cả phụ nữ, trẻ em và người già còn lại đã rời khỏi hầm ngầm nhà máy Azovstal, trong khi các binh sĩ tiếp tục bám trụ chiến đấu.
Giao tranh tiếp tục diễn ra trong hơn một tuần sau đó, trong khi chính phủ Ukraine nỗ lực đàm phán với Nga để đạt thỏa thuận đưa các thương binh trong nhà máy Azovstal ra ngoài.
Các thương binh và binh sĩ Ukraine bắt đầu rời khỏi hầm ngầm hôm 17/5, đánh dấu kết thúc chiến dịch quân sự của Ukraine tại nhà máy.
Những người dân cuối cùng được sơ tán khỏi nhà máy thép đã kể về những ngày tháng khủng khiếp họ trú ẩn ở đây với điều kiện tồi tệ, thực phẩm và nước uống ít đến mức người lớn chỉ được ăn một bữa nhỏ mỗi ngày.
“Không ai ra khỏi đó mà không thay đổi. Khi rời khỏi Mariupol sau 82 ngày bị vây hãm, chúng tôi đều biến thành con người hoàn toàn khác”, Oksana, nhân viên tại nhà máy thép Azovstal, nói.
Vũ Hoàng (Theo BBC, Guardian)
- Mariupol – pháo đài trên lằn ranh đỏ
- Lý do lính Ukraine có thể cầm cự trong pháo đài ngầm Azovstal
- Tuyệt vọng trong pháo đài ngầm ở Mariupol
Để lại một phản hồi