Cựu thủ tướng Đức quyết làm bạn với Nga

Tổng thống Putin lúc đó thúc giục ông Schroder chấp nhận lời đề nghị trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Nord Stream, công ty do Nga kiểm soát, phụ trách xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển đầu tiên nối trực tiếp Nga và Đức.

“Ngài sợ làm việc với chúng tôi à?”, ông Putin hỏi đùa. Ông Schroder tỏ ra lưỡng lự, bởi dự án đường ống Nord Stream được nhất trí trong những tuần cuối nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Nhưng cựu thủ tướng Schroder cuối cùng đã chấp nhận lời đề nghị, bởi ông là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho dự án.

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder trả lời phỏng vấn tại Berlin tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder trả lời phỏng vấn tại Berlin tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

17 năm sau, cựu thủ tướng Schroder, người đã kể lại các sự kiện trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với NY Times, vẫn tỏ ra kiên định như ngày nào. “Tôi không mắc sai lầm nào hết”, ông nói tại văn phòng tràn ngập ánh sáng và các tác phẩm nghệ thuật của mình ở thành phố quê nhà Hanover, tây bắc Đức, hồi cuối tháng 4.

Hôm 19/5, quốc hội Đức tuyên bố tước đặc quyền của cựu thủ tướng Schroeder, sau khi ông từ chối cắt quan hệ với các công ty năng lượng Nga. Bất chấp làn sóng phản đối kịch liệt, ông Schroeder vẫn kiên quyết không từ bỏ chức vụ trong các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Rosneft và Gazprom, cả sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo thông lệ, tất cả cựu lãnh đạo Đức đều có một văn phòng do nhà nước tài trợ khi họ rời nhiệm sở. Quyết định tước đặc quyền của quốc hội sẽ khiến ông Schroeder không còn được phép vận hành văn phòng và sử dụng đội ngũ nhân viên do ngân sách chi trả, với mức hàng năm khoảng 421.000 USD. Tuy nhiên, ông vẫn được cảnh sát bảo vệ và hưởng lương hưu 7.000 USD một tháng.

Trong bối cảnh xung đột Ukraine ngày càng căng thẳng và phương Tây không ngừng tăng áp lực lên Nga vì chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng, toàn bộ nước Đức đang đánh giá lại mối quan hệ với Moskva cũng như tình trạng phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ, khí đốt Nga.

Tình trạng phụ thuộc đó được cho là một phần trở ngại khiến châu Âu không thể giáng những đòn trừng phạt quyết liệt hơn vào Nga. Nó giờ đây cũng được coi là hệ quả từ một kỷ nguyên tính toán sai lầm của giới lãnh đạo Đức. Cựu thủ tướng Schroder không phải người duy nhất ủng hộ quan hệ hợp tác với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, ông trở thành gương mặt nổi bật nhất bị chỉ trích, không phải chỉ vì ông không tỏ ra hối hận, mà còn vì những cáo buộc rằng ông đã thu lợi hàng triệu USD nhờ thúc đẩy lợi ích năng lượng Nga, trong khi người dân Đức phải trả giá.

“Ông ấy đã lợi dụng danh tiếng và ảnh hưởng của ghế thủ tướng và biến mình thành đại diện cho lợi ích của Nga để làm giàu”, cựu bộ trưởng môi trường Đức Norbert Rottgen nói về Schroder.

Trong các cuộc phỏng vấn, ông Schroder, 78 tuổi, lập luận rằng nếu ông giàu lên thì đất nước của ông cũng vậy. Cựu thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng mọi người đều đồng tình với những quyết định liên quan đến khí đốt Nga, không chỉ riêng ông.

“Tất cả họ đều bằng lòng với nó suốt 30 năm qua. Nhưng đột nhiên, tất cả bỗng trở nên am tường hơn”, ông nói.

Schroder sinh năm 1944, một năm trước khi Thế chiến II kết thúc. Cha ông từng đầu quân cho Đức Quốc xã và chết trận khi ông mới 6 tháng tuổi. Schroder từng nói rằng nỗi kinh hoàng mà phát xít Đức gây ra cho Liên Xô đã đè nặng lên tuổi trẻ của ông.

Schroder gia nhập đảng Dân chủ Xã hội năm 19 tuổi. Khi Schroder 25 tuổi, Willy Brandt trở thành thủ tướng đầu tiên của Đức thời hậu chiến xuất thân từ đảng Dân chủ Xã hội, mở ra một chính sách mới về hợp tác với Liên Xô, được gọi là Ostpolitik.

Quan điểm chủ đạo của Ostpolitik là “Wandel durch Handel” hay “thay đổi thông qua thương mại” và sẽ trở thành trụ cột chính sách của các chính quyền liên tiếp do đảng Dân chủ Xã hội Đức lãnh đạo về sau này.

Một bức tượng cựu thủ tướng Brandt vẫn được trưng bày ở vị trí nổi bật tại văn phòng của Schroder. Vợ chồng ông đã nhận hai em bé Nga làm con nuôi.

“Tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tôi với nước Nga từ rất sớm, và với tư cách thủ tướng, tôi thực sự đã cố gắng thúc đẩy nó theo cách đó”, ông nói.

Schroder không phải người khởi xướng các đường ống dẫn khí đốt kết nối Đức và Nga. Chúng đã được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Dưới thời cựu thủ tướng Brandt, Đức đã ký một dự án đường ống lớn với Moskva vào năm 1970.

Người kế nhiệm ông, Helmut Schmidt, đã giám sát quá trình mở rộng các đường ống, trong đó có một dự án lớn khác được gọi là Đường ống Tây Siberia.

“Về cơ bản, kể từ những năm 1960, hợp tác với Liên Xô và sau đó là với Nga đều không thay đổi”, ông Schroder nói. “Họ nhận tiền và giao khí đốt. Ngay cả trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra”.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và Liên Xô tan rã, năng lượng giá rẻ của Nga hơn bao giờ hết được coi là một nguồn lợi lớn và trở thành cột trụ địa chiến lược của Đức. Đối với một quốc gia đã từ bỏ khía cạnh quân sự trong chính sách đối ngoại của mình sau Thế chiến II, kinh tế chính là lợi ích an ninh của Đức.

Trong thời gian nắm quyền từ năm 1998 đến 2005, ông Schroder đã dẫn dắt dự án đường ống tiếp theo của Đức, Nord Stream 1. Nhưng đường ống của ông có một số điểm khác biệt quan trọng so với những dự án trước đây. Nó bỏ qua Ukraine và Ba Lan, lần đầu tiên kết nối trực tiếp Nga và Đức qua Biển Baltic.

Mối quan hệ với Tổng thống Putin

Khi Schroder tới thăm Moskva năm 2000, Tổng thống Putin đã mời ông tới phòng tắm hơi trong tư dinh ở ngoại ô thủ đô và hai người cùng uống bia.

Schroder kể rằng khi phòng tắm hơi bất ngờ bốc cháy, Tổng thống Putin đã hối thúc ông chạy ra ngoài, nhưng ông nhất quyết uống hết cốc bia của mình trước.

Hai lãnh đạo được cho là khá “tâm đầu ý hợp”. Ông Putin, cựu điệp viên KGB, nói thông thạo tiếng Đức và lớn lên trong nghèo khó, cũng giống như ông Schroder, người có mẹ là lao công một mình nuôi 5 con.

“Chúng tôi có những mối liên kết gần gũi nhất định”, ông Schroder cho hay. “Cảm giác như bạn có thể dựa vào người kia”.

“Những hình ảnh mọi người nói về Tổng thống Putin chỉ là một nửa sự thật”, ông nhấn mạnh.

Năm 2001, Ông Putin trở thành tổng thống Nga đầu tiên phát biểu trước các nhà lập pháp Đức. Nói bằng tiếng Đức, ông mô tả Nga là “một quốc gia châu Âu thân thiện” với mục tiêu xây dựng “hòa bình, ổn định trên lục địa”. Bài phát biểu của ông được đón nhận nhiệt liệt. Trong số những người vỗ tay hôm đó có cả bà Angela Merkel, người kế nhiệm ông Schroder.

Nord Stream 1 ban đầu là một dự án hợp tác do Gazprom và một công ty năng lượng Phần Lan khởi xướng trước khi ông Schroder và Putin nhậm chức. Về sau, các công ty Đức, Pháp và Hà Lan cũng tham gia.

Mục tiêu của đường ống là nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Đức và châu Âu vào thời điểm các cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine về phí vận chuyển bùng lên dữ dội và động thái rút bớt khí đốt của Kiev làm dấy lên lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung.

“Các lãnh đạo ngành công nghiệp đã đến và nói rằng chúng ta cần nhiều, nhiều khí đốt hơn nữa”, ông Schroder nhớ lại. “Chúng tôi cần đường ống Nord Stream 1 không chỉ vì cần thêm khí đốt, mà còn do cả những khó khăn với đường ống ở Ukraine”.

“Tại sao chính phủ Đức lại phải phản đối đường ống đó?”, ông nói thêm. “Không ai nghĩ điều này có thể trở thành một vấn đề. Đó chỉ là cách để mua khí đốt cho người Đức, cho ngành công nghiệp nặng của Đức và cả ngành công nghiệp hóa chất, với ít sự cố và gián đoạn hơn”.

Ông Schroder và ông Putin đã sớm ủng hộ dự án và nhanh chóng thành lập các nhóm cộng tác để thảo luận về ngành công nghiệp và an ninh. Đại diện cấp cao từ các ngành công nghiệp cùng các bộ chủ chốt của cả hai nước đã gặp nhau nhiều lần trong năm tại Đức và Nga. Ông Schroder và ông Putin thỉnh thoảng tham dự.

Ngày 8/9/2005, 10 ngày trước cuộc bầu cử trong đó đảng Dân chủ Xã hội của ông Schroder đã để thua trước đảng bảo thủ của bà Merkel, hợp đồng Nord Stream 1 được ký kết bởi các đại diện từ Gazprom, tập đoàn năng lượng E.On và công ty hóa chất Đức BASF, nhận về lời ca ngợi từ các lãnh đạo ngành công nghiệp cũng như chính trị gia trên khắp nước Đức.

“Bất kể ông ấy có giữ được vị trí của mình hay không, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Schroder”, Tổng thống Putin nói trong một cuộc họp báo chung sau lễ ký kết dự án.

Nhà vận động hành lang

Tháng 11/2005, hai tháng sau khi Schroder thua trong cuộc bầu cử, một giám đốc điều hành của Gazprom đã yêu cầu gặp ông. Tại khách sạn sân bay ở Hanover, giám đốc Gazprom đề nghị ông làm chủ tịch công ty mới thành lập phụ trách xây dựng dự án Nord Stream 1.

“Có vẻ hơi sớm”, ông Schroder nhớ lại.

Dù vậy, cựu thủ tướng Đức vẫn cảm thấy bị thu hút bởi lời đề nghị. Một năm trước đó, vào sinh nhật lần thứ 60 của ông, người viết tiểu sử Reinhard Urschel đã hỏi ông muốn làm gì sau khi rời nhiệm sở. “Kiếm tiền”, Schroder trả lời.

“Tôi từng là một thủ tướng. Tôi không thể trở về làm luật sư và xử lý các hợp đồng thuê nhà. Tôi cần một dự án”, ông nói. “Thứ gì đó tôi am hiểu và có thể phục vụ cho lợi ích của đất nước”.

Khi Tổng thống Putin gọi điện cho ông vào tối 9/12/2005, cựu thủ tướng Đức đã chấp nhận đề nghị.

Nhiều người Đức tỏ ra bất ngờ. Không có thủ tướng nào trước ông nhận công việc trong một công ty do nước ngoài kiểm soát, chưa nói đến một công ty được hưởng lợi từ chính sách của ông khi còn đương chức. Nhưng khi đó không ai tranh cãi về dự án đường ống Nord Stream 1.

“Chính phủ tiếp theo đã tiếp nối nó một cách liền mạch. Không ai trong chính phủ đầu tiên của bà Merkel chống lại nó. Không một ai!”, ông quả quyết.

Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, đồng tình. “Không thể đổ lỗi cho Schroder về dự án Nord Stream 1”, ông nói. “Hầu hết các chính trị gia Đức lúc bấy giờ, dù là trong chính phủ hay phe đối lập, đều không đặt câu hỏi nghiêm túc về vấn đề này. Không ai hỏi liệu chúng tôi có đang tự đưa mình vào một mối quan hệ phụ thuộc không lành mạnh hay không”.

Mất 6 năm để lập kế hoạch và xây dựng Nord Stream 1. Vào năm 2011, ông Schroder đã tham dự cả hai lễ khánh thành đường ống, một ở thành phố Vyborg, phía tây Nga, cùng ông Putin với tư cách thủ tướng Nga vào thời điểm đó, và một ở thành phố Lubmin của Đức, cùng với Thủ tướng Merkel và Tổng thống Nga khi ấy Dmitri A. Medvedev, đồng minh thân cận của ông Putin.

“Đường ống dẫn khí đốt này sẽ giúp tăng đảm bảo nguồn cung năng lượng của châu Âu”, ông Schroder tuyên bố lúc bấy giờ.

Sau khi Nord Stream 1 đi vào hoạt động, cựu thủ tướng Schroder bắt đầu vận động hành lang cho đường ống thứ hai: Nord Stream 2, thời điểm “cuộc tranh cãi thực sự” bắt đầu, ông Ischinger nói.

Đầu năm 2011, bà Merkel đã khiến thế giới sững sờ khi tuyên bố Đức sẽ loại bỏ dần điện hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Dưới áp lực phải tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp Đức, bà sẵn sàng tham gia Nord Stream 2.

“Họ nói rằng chúng tôi cần một công nghệ chuyển tiếp. Chúng tôi sẽ không thể làm điều đó với năng lượng tái tạo”, ông Schroder nói. “Công nghệ đó là khí đốt”.

Nhưng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014 đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi của Nord Stream 2 khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga.

Khi những tiếng nói phản đối Nord Stream 2 ngày càng tăng, ông Schroder cũng đẩy mạnh nỗ lực vận động hành lang của mình.

Các đồng minh chính của ông ủng hộ dự án Nord Stream 2 trong chính quyền Merkel gồm Christoph Heusgen, cố vấn chính sách đối ngoại của thủ tướng, bộ trưởng kinh tế kiêm phó thủ tướng Sigmar Gabriel cùng ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier.

Ông Steinmeier, hiện là Tổng thống Đức, từng làm việc cho Schroder khi ông còn là thống đốc bang Hạ Saxony vào những năm 1990 và kể cả sau khi Schroder nhậm chức thủ tướng. Ông Gabriel là người kế nhiệm của Schroder với tư cách thống đốc bang Hạ Saxony.

Từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2017, cựu thủ tướng Schroder được cho là đã thực hiện 62 cuộc gặp với các quan chức trong chính quyền, trong đó có 20 lần gặp phó thủ tướng Gabriel và 10 lần gặp ngoại trưởng Steinmeier. Matthias Warnig, giám đốc điều hành Nord Stream 2, tham gia 19 cuộc họp.

Nord Stream 2 được phê duyệt vào tháng 6/2015, cùng năm tập đoàn Gazprom được chính quyền Merkel cho phép mua lại cơ sở lưu trữ khí đốt chiến lược lớn nhất của Đức.

Nhưng Schroder nói rằng ông không bị ảnh hưởng bởi tình trạng phụ thuộc ngày càng tăng của Đức vào khí đốt Nga hay bởi những cảnh báo từ Mỹ và và châu Âu về việc Nga đang “vũ khí hóa” năng lượng.

Ông khẳng định người Nga luôn đáng tin cậy khi giao dầu mỏ và khí đốt.

“Tại sao chúng ta phải nghi ngờ?”, cựu thủ tướng Đức nói. “Cái gọi là vũ khí năng lượng rất mơ hồ. Họ cần dầu và khí đốt để trang trải cho ngân sách của họ. Chúng ta cần dầu và khí đốt để sưởi ấm và giữ cho nền kinh tế phát triển”.

Đây được coi là lý do ông Schroder xúc tiến thỏa thuận vào năm ngoái, ngay cả khi Nga đang tăng quân gần biên giới Ukraine, để tập đoàn Rosneft Nga mua phần lớn cổ phần của nhà máy lọc dầu quan trọng ở Schwedt, phía đông bắc Đức.

Dù nhà máy lọc dầu chiến lược Schwedt đã thuộc về một công ty Nga, ông vẫn lập luận rằng thỏa thuận cuối cùng là vì lợi ích của Đức.

Thủ tướng Đức Schroder (phải) chào mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Berlin hồi tháng 9/2005. Ảnh: AP.

Thủ tướng Đức Schroder (phải) chào mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Berlin hồi tháng 9/2005. Ảnh: AP.

Người trung gian hòa giải

Hồi đầu tháng ba, hơn một tuần sau khi xung đột Ukraine bùng phát, Schroder cho biết ông đã được các quan chức Ukraine liên hệ qua công ty truyền thông Thụy Sĩ Ringier, đề nghị ông làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev.

Nghị sĩ đối lập Ukraine Rustem Umerov được cử đến gặp cựu thủ tướng Schroder ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để trình bày những yêu cầu của Kiev. Hai người họp trong hai tiếng vào ngày 7/3.

Sau đó, trên taxi đến sân bay, Schroder đã gọi cho một người liên lạc tại đại sứ quán Nga ở Berlin để hỏi xem liệu Tổng thống Putin có đồng ý gặp ông không. 10 phút sau, ông được bật đèn xanh. Ngày 9/3, một máy bay Nga đến đón cựu thủ tướng Đức tại Istanbul.

Một ngày sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Schroder cũng gặp nhà đàm phán chính của Nga, Vladimir Medinsky, và tỷ phú Roman Abramovich, nhà tài phiệt từng là sứ giả giữa Điện Kremlin và Tổng thống Ukraine Zelensky.

“Điều tôi có thể nói với bạn là Tổng thống Putin quan tâm đến kết thúc xung đột”, ông trả lời NY Times hồi cuối tháng 4. “Nhưng nó không dễ dàng như vậy. Có một vài điểm cần làm rõ”.

Với những chỉ trích không ngừng gia tăng, cựu thủ tướng Schroder đang ngày càng cô đơn ở quê nhà. Bên ngoài nhà ông, một chiếc xe cảnh sát canh gác ngày đêm. Nhiều bạn cũ trong đảng Dân chủ Xã hội đã cắt liên lạc với ông. Nhưng tại Nga, Schroder vẫn có chỗ đứng của riêng mình.

Tổng thống Putin đã có những nhận xét tốt đẹp về ông hồi tháng hai, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã đến thăm Điện Kremlin trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn xung đột nổ ra ở Ukraine.

“Schroder là một người trung thực mà chúng tôi tôn trọng và mục tiêu trước hết là thúc đẩy lợi ích của đất nước ông ấy, Cộng hòa Liên bang Đức”, Tổng thống Nga nói.

“Hãy để người dân Đức mở hầu bao của họ, nhìn vào bên trong và tự hỏi liệu họ có sẵn sàng trả gấp ba đến năm lần cho tiền điện, tiền gas và để sưởi ấm hay không”, Tổng thống Putin cho biết thêm. “Nếu không, họ nên cảm ơn Schroder vì đây là thành quả của ông ấy”.

Trên truyền hình nhà nước Nga, ông Schroder thường được mô tả là tiếng nói lý trí của phương Tây, là người đi ngược xu hướng của các lãnh đạo châu Âu hiện tại, những người đã “bán quyền lợi quốc gia” cho một nước Mỹ “kỳ thị Nga”.

Hồi tháng một, Dmitri Kiselyov, người dẫn chương trình tin tức hàng tuần trên truyền hình nhà nước Nga, ca ngợi ông Schroder là thủ tướng Đức cuối cùng trước khi châu Âu “mất tiếng nói của chính mình” trong các vấn đề đối ngoại.

“Tất cả bắt đầu lao dốc từ đó”, Kiselyov nhấn mạnh.

Bất chấp những “mũi dùi” đang hướng về Nga, cựu thủ tướng Đức vẫn tin rằng hòa bình và thịnh vượng ở Đức cũng như châu Âu luôn phụ thuộc vào đối thoại với Moskva.

“Bạn không thể cô lập một quốc gia như Nga trong lâu dài, cả về chính trị lẫn kinh tế”, Schroder nói. “Ngành công nghiệp của Đức cần những nguyên liệu thô mà Nga có. Nó không chỉ là dầu mỏ và khí đốt mà còn là đất hiếm. Chúng đều là những nguyên liệu thô không thể dễ dàng thay thế được”.

“Khi cuộc xung đột này kết thúc, chúng ta sẽ phải quay trở lại thỏa thuận với Nga như chúng ta vẫn luôn làm”, ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo NY Times)

  • Đức dốc sức thoát phụ thuộc năng lượng Nga
  • Đức chống đỡ sức ép Mỹ trong khủng hoảng Ukraine
  • Đức dè dặt xoay chuyển chính sách giữa xung đột Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*