LHQ cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu

“Có đủ lương thực trên thế giới hiện nay, nếu chúng ta cùng hành động. Nhưng nếu không giải quyết vấn đề này ngay hôm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trong phiên họp ngày 18/5 tại New York, Mỹ.

Ông Guterres cho rằng chiến sự tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo do giá cả leo thang. “Cuộc xung đột có thể đẩy hàng chục triệu người tới bờ vực thiếu hụt lương thực quy mô lớn”, ông nhận định, nói thêm rằng nhiều nước sẽ đối mặt nạn đói trong nhiều năm nếu xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục về mức trước chiến sự.

Tổng thư ký Guterres cho rằng giải pháp hữu hiệu cho khủng hoảng lương thực là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới. Ông cho biết đang “liên hệ tích cực” với Nga và Ukraine, cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường.

Phát biểu được người đứng đầu LHQ đưa ra cùng ngày Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 12 tỷ USD cho các dự án giải quyết tình trạng lương thực hiện nay, nâng tổng đầu tư cho loạt dự án này lên 37 tỷ USD trong 15 tháng tới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại cuộc họp báo ở Beirut, thủ đô Lebanon ngày 21/122021. Ảnh: Reuters.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại cuộc họp báo ở Beirut, thủ đô Lebanon ngày 21/122021. Ảnh: Reuters.

Xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, nơi từng xuất khẩu lượng lớn dầu hướng dương cũng như các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì. Tình trạng này làm giảm nguồn cung và khiến giá các mặt hàng thay thế tăng cao. Theo LHQ, giá lương thực toàn cầu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là “vựa bánh mì của thế giới” với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Ukraine lao dốc khi chiến sự bùng phát, khiến giá thực phẩm leo thang. Giá lương thực tăng thêm sau khi Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì ngày 14/5.

LHQ ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine từ vụ thu hoạch trước. Nếu được thông quan, số lương thực này có thể giảm bớt áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu.

Đức Trung (Theo BBC)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*