Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma Túy và Tội phạm (UNODC) hôm nay công bố báo cáo cho biết lượng ma túy đá dạng viên bị thu giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2021 cao kỷ lục, ở mức gần 1,01 tỷ viên, nặng khoảng 91 tấn. Đây một phần trong tổng 172 tấn ma túy đá mọi dạng thu được năm 2021.
Con số này cao gấp 7 lần so với 10 năm trước. Ngoài tiêu thụ chủ yếu ở Đông Nam Á, ma túy còn được xuất khẩu sang New Zealand, Australia, Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản ở Đông Á, đồng thời ngày một lan sang Nam Á.
“Sản xuất và buôn bán ma túy đá đã tăng trở lại khi nguồn cung tập trung ở khu vực sông Mekong, đặc biệt tại Lào, Thái Lan và Myanmar”, đại diện LHQ tại Đông Nam Á Jeremy Douglas, nói.
Báo cáo từ UNODC cũng cho biết nguồn cung tăng khiến giá ma túy rẻ và dễ tiếp cận hơn, tạo thêm nhiều rủi ro cho cộng đồng. Ma túy đá dễ sản xuất và đã vượt qua thuốc phiện, heroin, trở thành loại ma túy được sản xuất và buôn bán nhiều nhất ở Đông Nam Á.
Tam giác Vàng, điểm giao nhau của biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar, đã là nơi sản xuất thuốc phiện lớn trong khu vực và có nhiều phòng điều chế để sản xuất heroin. Các khu vực biên giới này phần lớn trở thành chốn vô luật pháp và bị những băng nhóm sản xuất, buôn bán ma túy lợi dụng sau nhiều thập kỷ bất ổn chính trị.
UNODC cho rằng do các chính quyền thiếu quan tâm và có biện pháp về vấn đề này, các tổ chức tội phạm đã được dung túng để đẩy mạnh sản xuất ma túy đá, bán cho nhóm dân trẻ đang ngày càng đông và ổn định tài chính.
Hoạt động sản xuất ma túy ở Myanmar thường liên quan đến các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang. Những nhóm này đôi khi gây chiến lẫn nhau và với chính phủ.
“Mọi nhóm đều phủ nhận liên quan đến ma túy và chỉ điểm lẫn nhau, nhưng ma túy vẫn được cho là chiếm thị phần lớn nhất trong nền kinh tế ở hầu hết các vùng biên giới Myanmar”, ông Douglas nói. “Có rất nhiều thông tin cho thấy những nhóm này liên quan đến các hệ thống phòng điều chế và các chuyến hàng”.
Báo cáo cũng chỉ ra Lào là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ma túy đá từ Myanmar. Cuối tháng 10/2021, cảnh sát Lào đã chặn một xe tải chở các thùng bia ở khu vực giáp Thái Lan và Myanmar. Khi lục soát, lực lượng chức năng phát hiện và tịch thu hơn 55 triệu viên ma túy đá và 1,5 tấn ma túy đá dạng rắn. “Đây là vụ bắt ma túy lớn nhất lịch sử Đông Á và Đông Nam Á”, ông Douglas cho biết.
UNODC cũng lo ngại rằng các nhóm tội phạm đang nhắm đến Campuchia làm địa điểm sản xuất ma túy. Báo cáo cho biết nước này năm ngoái đã phá dỡ một phòng điều chế bí mật có quy mô công nghiệp để sản xuất ketamin và các loại ma túy khác.
Đức Trung (Theo AFP, AP)
Để lại một phản hồi