“Chúng tôi dự báo tác động lên nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong kịch bản này không đáng kể vì Nga vốn đang bị cô lập tài chính”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời tại buổi họp báo ngày 26/5.
Bà cho biết Bộ Tài chính Mỹ vẫn theo dõi sát sao tình hình và duy trì thảo luận với cộng đồng tài chính quốc tế.
Chính phủ Mỹ ngày 24/5 thông báo không gia hạn nới lỏng trừng phạt tài chính Nga để nước này thanh toán nợ cho các cá nhân và tổ chức tại Mỹ đã mua trái phiếu chính phủ Nga. Quyết định hoãn trừng phạt trước đó đã hết hiệu lực vào ngày 25/5, khiến Nga không thể tiếp tục thanh toán nợ đáo hạn và lãi suất do bị Mỹ ngăn thanh toán quốc tế.
Mỹ cùng đồng minh áp hàng loạt lệnh trừng phạt tài chính nhắm vào Nga từ tháng 2 sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Loạt trừng phạt, trong đó có quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, chặn Ngân hàng Trung ương Nga tiếp cận dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài và làm việc với các ngân hàng tại Mỹ cùng một số nước khác.
Lệnh đặc cách từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ trong vài tháng qua cho phép Ngân hàng Trung ương Nga giải quyết trả nợ trái phiếu bằng USD, thông qua Mỹ cùng các ngân hàng quốc tế trên cơ sở xét duyệt từng trường hợp, trả nợ đúng hạn bằng dự trữ ngoại tệ.
Theo ước tính, tổng nợ trái phiếu quốc tế của Nga khoảng 40 tỷ USD. Với quyết định ngày 24/5, giới quan sát nhận định Washington đã đẩy Moskva tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ công, không đủ năng lực thanh toán một phần tổng nợ trái phiếu chính phủ với nước ngoài.
Moskva còn một loạt hạn chót thanh toán nợ công trong năm nay, với hai loại trái phiếu đáo hạn trả lãi suất trong ngày 27/5 tổng trị giá 107 triệu USD. Một trong số đó cần được trả bằng các loại ngoại tệ gồm USD, euro, bảng Anh hoặc franc Thụy Sĩ. Loại trái phiếu còn lại có thể được thanh toán bằng ruble.
Reuters và Wall Street Journal tuần trước đưa tin Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền kịp thời cho hai khoản thanh toán trên. Tuy nhiên, Moskva còn khoản nợ công 400 triệu USD cần thanh toán trong tháng 6.
Ngoài biện pháp tài chính, phương Tây còn áp hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế lẫn chính trị nhắm vào các cá nhân, tổ chức tại Nga, bao gồm từ phong tỏa và tịch thu tài sản nước ngoài đến cấm nhập cảnh và cắt chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Các nước đồng minh của Mỹ đang cân nhắc từng bước cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá từ Nga nhằm buộc Moskva kết thúc chiến dịch quân sự.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin ngày 19/5 công bố danh sách “các quốc gia không thân thiện”, được xếp hạng theo số lượng lệnh trừng phạt họ áp lên Moskva. Trong danh sách này, Mỹ đứng đầu với 1.983 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các vị trí tiếp theo là Canada, Thụy Sĩ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhật Bản.
Thanh Danh (Theo Reuters, CNBC)
Để lại một phản hồi