Ngoại trưởng Nga chỉ trích phương Tây ‘trộm cắp’

“Có vẻ hợp lý khi nói rằng đây là hành động trộm cắp mà các nước phương Tây thậm chí không tìm cách che giấu”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 10/5 nói trong cuộc họp báo tại thủ đô Algiers của Algeria, đề cập đến đề xuất tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga được châu Âu đưa ra gần đây.

Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đầu tuần này cho rằng phương Tây có thể thu giữ nguồn dự trữ ngoại tệ bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để trang trải chi phí tái thiết Ukraine sau khi xung đột kết thúc.

“Những hành động như vậy đã trở thành một thói quen đối với phương Tây”, Ngoại trưởng Nga nói, đồng thời chỉ ra Mỹ đã đóng băng khoản tiền “thuộc về Ngân hàng Trung ương Afghanistan”.

Theo ông Lavrov, Mỹ không có kế hoạch sử dụng số tiền đó phục vụ những người dân Afghanistan “đã phải gánh chịu hậu quả từ hiện diện quân sự kéo dài 20 năm của NATO” trên đất nước họ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp báo tại thủ đô Algiers, Algeria hôm 10/5. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp báo tại thủ đô Algiers, Algeria hôm 10/5. Ảnh: AFP.

“Nga sẽ tiếp tục phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm làm xói mòn các nguyên tắc nền tảng của Liên Hợp Quốc và tạo ra trật tự thế giới đơn cực”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng chỉ trích ông Borrell “đi quá giới hạn”. Ngoài việc đưa ra “ý tưởng tịch thu tài sản nước ngoài”, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU tháng trước từng nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine “nên được giải quyết thông qua các biện pháp quân sự”, ông Lavrov nói.

“Borrell nên nhớ rằng ông ấy là nhà ngoại giao, không phải lãnh đạo quân sự của EU”, Ngoại trưởng Nga cho hay.

Ông Borrell và EU chưa bình luận về phát biểu này của Ngoại trưởng Nga.

Moskva trước đó đã chỉ trích đề xuất của ông Borrell về thu giữ tài sản Nga ở nước ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 9/5 gọi đây là hành động “hoàn toàn vô pháp” có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ quốc tế.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ cùng các đồng minh áp đặt nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Các nước phương Tây đang đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva, khiến đồng ruble giảm giá kỷ lục hồi đầu tháng 3. Ngân hàng Trung ương Nga sau đó thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và tăng lãi suất để củng cố đồng ruble.

Huyền Lê (Theo RT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*