Nỗ lực ‘bắc cầu’ giúp tỷ phú Abramovich né trừng phạt

Trong lúc hàng trăm dân thường Ukraine cầu cứu từ dưới hầm ngầm nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, tỷ phú Nga Roman Abramovich tháng trước thông báo ông đã đạt được một bước đột phá tiềm năng để ngăn chặn thảm kịch nhân đạo.

Nhà tài phiệt 55 tuổi của Nga nói với các quan chức ở Kiev rằng ông đã gặp Tổng thống Vladimir Putin hồi giữa tháng 4 và “đạt được thống nhất” rằng lực lượng Nga sẽ cho phép thương binh và dân thường Ukraine, trong đó có cả trẻ em, sơ tán khỏi nhà máy Azovstal, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Tỷ phú Nga Roman Abramovich trong một trận đấu bóng đá hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Nga Roman Abramovich trong một trận đấu bóng đá hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.

Nhưng khi các quan chức Ukraine muốn tìm hiểu chi tiết về cách thức tiến hành hoạt động sơ tán dân thường, Moskva chỉ im lặng. Nga sau đó tiếp tục oanh kích dữ dội nhà máy Azovstal suốt ngày đêm, khi Tổng thống Putin ra lệnh bao vây chặt cơ sở này để “một con ruồi cũng không chui lọt”.

Dân thường mắc kẹt trong nhà máy Azovstal chỉ được sơ tán từ đầu tháng 5, sau khi Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đạt được thỏa thuận riêng với Tổng thống Putin về một hành lang nhân đạo ở Mariupol. Abramovich không tham gia vào các cuộc thảo luận đó và không đưa ra lời giải thích nào về lý do “bước đột phá tiềm năng” của ông sụp đổ.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố của Abramovich, người đã gây dựng khối tài sản khổng lồ từ dầu mỏ Nga và từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh, cho thấy ông đang muốn thể hiện vai trò “bắc cầu” tích cực của mình giữa Nga và Ukraine. Vai trò trung gian hòa giải giữa Điện Kremlin và Kiev đã được tỷ phú này đảm nhận suốt ba tháng qua, dù hiệu quả chưa thực sự rõ ràng.

Theo các quan chức và chuyên gia Mỹ, vai trò cầu nối này đến nay mang lại lợi ích cho Abramovich nhiều hơn người dân Ukraine, bởi nó đã giúp ông tránh khỏi các lệnh trừng phạt mà Mỹ tung ra đối với giới tinh hoa Nga.

“Nỗ lực đàm phán của Abramovich như một tấm khiên bảo vệ ông khỏi các lệnh trừng phạt từ Mỹ, vì thế chúng chắc chắn có lợi hơn cho ông ấy và có lẽ cả Nga, hơn là cho Ukraine”, Gavin Wilde, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.

Giới chức Ukraine mô tả tương tác của họ với Abramovich một cách thận trọng, nhấn mạnh rằng họ đã cảnh giác để không đặt quá nhiều niềm tin vào một tài phiệt có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Tuy nhiên, Kiev thừa nhận rằng Abramovich là cầu nối duy nhất có thể giúp trực tiếp truyền đạt quan điểm của họ tới Tổng thống Putin.

“Ông ấy là kênh kết nối duy nhất hoạt động hiệu quả ở giai đoạn này”, một quan chức Ukraine nói.

Sau khi Mỹ tung hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, Abramovich cùng nhiều tài phiệt Nga đã nỗ lực tìm cách khai thác các mối quan hệ chính trị để bảo vệ bảo vệ đế chế tài chính của mình. Abramovich được cho là tiến xa hơn cả trong canh bạc này, dù nó đồng thời phơi bày mối quan hệ thân cận giữa ông với Tổng thống Nga, điều Abramovich từng kiên quyết phủ nhận.

Theo các quan chức tham gia đàm phán với Nga, Abramovich không phải lựa chọn đầu tiên của Ukraine để làm “cầu nối” tới Điện Kremlin. Họ đã tiếp cận hai tài phiệt khác, trong đó có Mikhail Fridman, tỷ phú ngân hàng và dầu mỏ sinh ra ở Ukraine, nhưng đều bị từ chối.

Vào ngày 24/2, khi chiến dịch quân sự của Nga mở màn, Abramovich được một nhà sản xuất phim và truyền hình Ukraine tiếp cận. Người này từng cộng tác với Tổng thống Zelensky khi ông còn là diễn viên hài và có nhiều mối quan hệ ở Nga. Abramovich đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau khi Tổng thống Putin chấp thuận.

Các quan chức Ukraine am hiểu quá trình đàm phán mô tả Abramovich là một người trung gian hòa nhã, có xu hướng tiếp thu các quan điểm của Ukraine hơn các thành viên trong phái đoàn Nga. Ông ấy “rất thực tế, rất khiêm tốn”, một quan chức Ukraine nhận xét.

Theo một số quan chức Ukraine và các cộng sự của Abramovich, ông đã tham gia đàm phán thiết lập hành lang sơ tán dân thường khỏi các thành phố bị oanh kích và trao đổi tù binh giữa hai bên.

Abramovich đã tranh thủ được cả sự ủng hộ từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người được coi là đóng vai trò quan trọng trong thuyết phục Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson không áp đặt các biện pháp trừng phạt với tỷ phú Nga trong lúc ông làm “người đưa tin” cho Tổng thống Putin.

Hồi tháng 3, Tổng thống Biden điện đàm với Tổng thống Zelensky để thông báo những biện pháp mà Mỹ dự kiến công bố nhằm hỗ trợ Ukraine, trong đó có lệnh trừng phạt nhắm vào một số thực thể và cá nhân Nga. Khi nghe thấy tên của Abramovich, Tổng thống Zelensky đã đề nghị Mỹ loại tỷ phú này khỏi danh sách trừng phạt, cho rằng ông có thể hữu ích trong các cuộc đàm phán với Điện Kremlin.

Tổng thống Biden đã chấp thuận đưa Abramovich vào danh sách ngoại lệ khi áp đặt lệnh trừng phạt giới tinh hoa, tài phiệt Nga. Tuy nhiên, đề nghị tương tự của Tổng thống Zelensky với Anh không được đáp ứng và Abramovich bị London áp trừng phạt vào tháng 3.

Một cộng sự của Abramovich cho hay Tổng thống Ukraine đã yêu cầu Thủ tướng Anh Johnson hoãn áp đặt trừng phạt đối với nhà tài phiệt này, nhưng việc Abramovich có vị thế đặc biệt ở Anh và áp lực chính trị đối với ông Johnson đã khiến yêu cầu này không thể được thực hiện.

Trước khi bị Anh trừng phạt, Abramovich đã có những nỗ lực vận động hành lang tích cực ở quốc hội nước này.

Chris Bryant, nghị sĩ Công đảng Anh, cho biết sau khi phát biểu gay gắt tại Hạ viện để kêu gọi trừng phạt Abramovich và tước quyền lãnh đạo đội Chelsea của tỷ phú này, ông đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ các đồng nghiệp tại đảng Bảo thủ. Họ muốn ông “nhẹ giọng lại” trong vấn đề Abramovich, viện dẫn vai trò của tỷ phú trong các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine.

Một nghị sĩ Anh cho biết ông đã được đại diện chính quyền Tổng thống Zelensky liên hệ, yêu cầu giúp đỡ để Bryant “ngừng đề cập bất cứ điều gì về Abramovich trước công chúng”.

“Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán nhạy cảm với ông ấy. Những bình luận của ông Chris ảnh hưởng tới quá trình đàm phán”, đại diện này nói.

“Rõ ràng Abramovich và các đồng minh đang cố làm mọi thứ có thể để giúp ông ấy không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt”, nghị sĩ Bryant cho hay.

Một số nỗ lực của Abramovich đã phát huy tác dụng, nhưng số khác khiến ông chịu thiệt hại. Việc không bị Mỹ trừng phạt đã giúp tỷ phú Nga có thêm hai tháng để thực hiện những biện pháp bảo vệ khối tài sản của mình.

Song lệnh trừng phạt của Anh khiến ông trả giá. Abramovich buộc phải rao bán đội bóng Chelsea theo các điều khoản do chính phủ Anh đưa ra nhằm ngăn ông kiếm lời và dùng số tiền thu được để hỗ trợ Ukraine.

Theo hồ sơ công khai, Abramovich đã chuyển quyền kiểm soát những khoản đầu tư vào các công ty niêm yết tại Anh hay công ty ở nước ngoài cho các cộng sự lâu năm. Tuy nhiên, những người này sau đó tiếp tục trở thành mục tiêu trừng phạt của Anh.

Roman Abramovich (trái) tại cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine hôm 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Roman Abramovich (trái) tại cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine hôm 29/3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency.

Các tài sản khác, trong đó có một dinh thự 15 phòng ngủ gần Cung điện Kensington, đã bị đóng băng, đồng nghĩa Abramovich không thể bán chúng. Đảo Jersey thuộc Anh, nơi từ lâu được coi như “thiên đường thuế” của giới nhà giàu, hôm 12/4 quyết định đóng băng các tài khoản trị giá khoảng 7 tỷ USD của Abramovich.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thực hiện các biện pháp tương tự nhằm trừng phạt Abramovich vì “mối quan hệ lâu dài và chặt chẽ” với Tổng thống Putin. Pháp đã tịch thu bất động sản trị giá 120 triệu USD của ông ở Cap d’Antibes.

Các biện pháp trừng phạt đã gây thiệt hại lớn cho khối tài sản ước tính 14,5 tỷ USD của tài phiệt Nga. Nhưng giới chuyên gia cho rằng Abramovich đã thoát đòn giáng nặng nề nhất nhờ né được lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Lượng cổ phiếu Abramovich nắm giữ ở Mỹ ước tính lên đến hàng tỷ USD. Ông có 29% cổ phần trong tập đoàn thép Evraz, điều hành 6 cơ sở sản xuất ở Mỹ. Theo các tài liệu và tin tức truyền thông, ông đã rót khoản tiền lớn vào các quỹ đầu tư Mỹ, đồng thời sở hữu nhiều bất động sản sang trọng, như một dinh thự rộng hơn 1.300 mét vuông gần Aspen, Colorado.

Nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt, những tài sản này sẽ bị đóng băng và Abramovich sẽ bị tước khả năng thực hiện giao dịch bằng USD.

Một tháng qua, quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine không đạt được tiến triển nào, khiến vai trò trung gian của Abramovich trở nên mờ nhạt. Tổng thống Zelensky gần đây cảnh báo Kiev sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán nếu Nga “hủy diệt” lực lượng phòng thủ ở Mariupol hoặc tổ chức trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập những vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Ukraine.

Theo chính quyền Ukraine, lực lượng Nga hôm 3/5 tiếp tục tấn công nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng phía nam Mariupol. Đây được coi là nguy cơ khiến Abramovich có thể bị kéo vào các lệnh trừng phạt từ Mỹ, khi quá trình đàm phán bế tắc.

“Ông ấy và Kiev đều đang nỗ lực trong tuyệt vọng để tránh những hậu quả tồi tệ nhất”, Wilde, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói. “Nhưng trớ trêu thay, yếu tố quan trọng nhất giúp Abramovich chống lại các lệnh trừng phạt cũng là hạn chế lớn nhất của ông ấy. Abramovich có quan hệ ở Moskva, nhưng không đủ sức ảnh hưởng để thay đổi tình hình”.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

  • Tỷ phú Abramovich, người bắc cầu đàm phán Nga – Ukraine
  • Jersey đóng băng 7 tỷ USD ‘liên quan đến tỷ phú Abramovich’
  • Con đường Abramovich trở thành nhà hòa giải xung đột Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*