Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Trong cuộc họp báo sau buổi cầu nguyện tại Istanbul ngày 13/5, khi được hỏi về khả năng Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO vào cuối tuần, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói “chúng tôi không có quan tiểm tích cực” về điều này, đồng thời cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói sẽ thảo luận về khả năng quốc gia này nộp đơn gia nhập NATO với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp của NATO dự kiến diễn ra ngày 14/5 tại Berlin, Đức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavistosaid bày tỏ hy vọng tiếp tục cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Cavusoglu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo tại Istanbul ngày 13/5. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo tại Istanbul ngày 13/5. Ảnh: Reuters.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, vì tiếp nhận các nhóm người Kurd bị Ankara coi là tổ chức cực đoan và những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã ông Gulen, người đang sống tại Mỹ, với cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định liên minh sẽ “dang rộng tay chào đón” Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Erdogan là phản ứng bất đồng đầu tiên trong NATO trước triển vọng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.

Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được 30 thành viên hiện tại chấp thuận gia hạn lời mời, sau đó tổ chức các cuộc đàm phán thành viên. Quyết định kết nạp thành viên mới cần được toàn bộ thành viên phê chuẩn.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, muốn đóng vai trò chấm dứt xung đột và đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm để xem chi tiết.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm để xem chi tiết.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan – Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*