Thủ tướng Đức: Không có ‘đường tắt’ cho Ukraine vào EU

“Con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ không có bất cứ lối tắt nào. Quá trình gia nhập không phải là vấn đề vài tháng hay vài năm”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm nay cho hay.

Theo ông Scholz, cấp ngoại lệ gia nhập cho Ukraine sẽ là không công bằng đối với các nước ở Tây Balkan cũng đang tìm cách gia nhập khối, bao gồm Albania, Bosnia, Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia và Kosovo. Thủ tướng Đức tháng trước kêu gọi EU đẩy nhanh kết nạp các nước này.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Slovenia tháng 10 năm ngoái, các lãnh đạo EU nhắc lại cam kết “đối với quá trình mở rộng” khối, song không đưa ra thời gian cụ thể như mong đợi của 6 ứng viên Tây Balkan.

“Nhiều năm qua, họ đã tiến hành cải cách sâu rộng và chuẩn bị cho việc gia nhập EU”, ông Scholz nói. “Vấn đề không chỉ là uy tín của chúng ta trong việc giữ lời hứa với họ mà hơn bao giờ hết, sự hội nhập của họ cũng nằm trong lợi ích chiến lược của chúng ta ngày nay”.

Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại hạ viện ở Berlin hôm nay. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu trước quốc hội ở Berlin hôm nay. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Đức đồng thời kêu gọi EU đưa ra những biện pháp khác để giúp đỡ Ukraine trong ngắn hạn, nói rằng ưu tiên là “tập trung hỗ trợ Kiev một cách nhanh chóng và thực tế”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó khẳng định sẽ mất “nhiều thập kỷ” để một ứng viên như Ukraine gia nhập EU, đồng thời đề nghị thành lập một tổ chức chính trị rộng lớn hơn ngoài EU, có thể bao gồm cả Anh.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng ký đơn xin gia nhập EU. Ukraine tháng trước hoàn thành bảng câu hỏi cho tư cách thành viên EU, bước khởi đầu để được khối này xem xét kết nạp.

Theo giới chuyên gia, trở thành thành viên EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột. Tư cách thành viên EU có thể hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước “đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình”.

Hơn nữa, gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và giúp Kiev có thêm những lợi ích bổ sung khác như tự do đi lại trong toàn khối và một loạt những đặc quyền được cấp riêng cho công dân EU.

Tổng thống Zelensky nhiều lần thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập nhanh chóng theo cái mà ông mô tả là “thủ tục đặc biệt mới”, song không nêu chi tiết. Lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan đã phản đối đề nghị kết nạp nhanh này.

EU đã chuyển hàng triệu euro hàng viện trợ và vũ khí cho Ukraine, trong khi các nước thành viên EU cũng tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn từ Ukraine. Tuy nhiên, quy trình gia nhập EU thường mất nhiều năm và khối này khó có thể thay đổi quy tắc để cho phép Ukraine nhanh chóng trở thành thành viên.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine vẫn chưa sẵn sàng bắt đầu đàm phán gia nhập EU. Báo cáo mới nhất của liên minh về tiến trình cải cách của Kiev, được công bố vào tháng 12/2020, chỉ ra nước này vẫn chưa giải quyết được tình trạng tham nhũng và các vấn đề về pháp quyền, bất chấp những nỗ lực cải thiện thể chế, đặc biệt là tòa án.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*