Chứng khoán lao dốc, tâm lý tiêu cực tăng cao

Hai kịch bản cho tuần giao dịch này được chú ý nhiều là hội phục và hướng lên 1.300 hay sẽ khó đứng vững và xuyên gãy mốc 1.200 điểm. Cụ thể, với kịch bản tích cực là Vn-Index tích lũy và tăng lấp vùng gap, đóng cửa trên mốc 1.250 điểm, thanh khoản trên 17.000 tỷ đồng/phiên thì xác nhận thị trường sẽ hồi phục lên 1.300 điểm, chính thức tạo đáy thành công vào ngày 14/6.

Ngược lại, chỉ số Vn-Index nếu khó đứng vững tại 1.250 điểm, thanh khoản không cải thiện thì vùng đáy 2 chưa xác nhận, theo đó, xu hướng là dễ gãy mốc 1.200 điểm.

Nhiều kỳ vọng, đây sẽ là tuần phục hồi bởi những tin xấu nhất đã thể hiện ở tuần trước, xác suất gãy 1.200 điểm ít được nhiều chuyên gia cũng như môi giới voting hơn, và cũng là kịch bản không nhà đầu tư nào mong muốn xảy ra.

Diễn biến thực tế trong phiên hôm nay, mở phiên ngang tham chiếu, và duy trì thanh khoản thấp, khi không có dấu hiệu tiền vào VNindex liên tục chịu các đợt rung lắc mạnh và các áp lực bán ngày càng mạnh đã khiến chỉ số giao dịch một chiều đi xuống. Chính điều này tạo tâm lý tiêu cực đạt đỉnh điểm vào cuối phiên khi chỉ số đóng cửa ở vùng thấp nhất trong ngày.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index rơi sâu thêm 37 điểm, tương ứng với 3,0% và đóng cửa tại 1.180 điểm. Thanh khoản của 3 sàn lần lượt là HOSE: 15.439 tỷ đồng, HNX: 1.659 tỷ đồng, UPCOM: 1.451 tỷ đồng.

Sau khi mở cửa, lực cầu duy trì khá tốt, nhóm ngân hàngchứng khoán có sự hồi phục, hỗ trợ cho chỉ số Vn-Index, nhưng diễn biến này không duy trì được lâu, thanh khoản vẫn thấp, nhà đầu tư đang do dự ở đoạn này. Bước sang đầu phiên chiều, lực cầu lại tiếp tục tăng hơn khi thị trường gãy 1200 điểm, cho thấy diễn biến song song, lực bán tháo gia tăng khi thị trường không giữ được mốc này và cầu mua vào giá thấp cũng diễn ra.

Phiên giao dịch mang màu sắc tiêu cực của VN-Index khi số mã giảm sàn lên tới 139 mã. Thậm chí VN30 cũng có đến 5 mã giảm sàn trong số 27 mã giảm, chỉ còn VNM và VJC giữ được sắc xanh. Điểm sáng hiếm hoi trong ngày tiếp tục thuộc về số ít cổ phiếu Thủy sản với IDI (+2,7%), FMC (+2,6%), MPC (+7,1%), VHC(+0,7%) ngược dòng thị trường và tăng ở mức khá.

Những nhóm ngành bị bán mạnh nhất là thép, chứng khoán, bank, bất động sản, 1 số cổ phiếu nguyên vật liệu như đá…Nhóm có đà tăng tốt giai đoạn qua như dầu khí, phân bón, hóa chất, thủy sản… cũng nhiều mã giảm mạnh, dù về xu hướng vẫn được dự báo còn tăng nhưng trong ngắn hạn, tâm lý bảo toàn lãi đã khiến lực cung tăng hơn. Thậm chí hàng loạt cổ phiếu dầu khí giảm về giá sàn, như GAS, PVC, PVS, PVD, hay hóa chất như DGC giảm 5,3%, phân bón DCM giảm sàn.

Chưa dứt đà giảm mạnh là nhóm chứng khoán, không ít cổ phiếu đã thủng đáy tháng 5 và tiếp tục bị bán tháo, có đến 14 mã chứng khoán giảm hết biên độ, như SSI, VND, VCI, HCM…

Ghi nhận ở nhiều room chat, tư vấn đầu tư, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bi quan, chưa thể hiểu và chấp nhận đà giảm khốc liệt trên thị trường chứng khoán vẫn đang diễn ra. Nhiều tài khoản bốc hơi vài chục phần % lại tiếp tục mất mát tiếp trong phiên hôm nay.

Vấn đề lớn nhất hiện nay với các nhà đầu tư là niềm tin và dòng tiền. Với tâm lý chán nản khi mọi nỗ lực trung bình giá đều chưa cho thành quả, dòng tiền yếu ớt dù cổ phiếu đã chiết khấu lớn.

Về hoạt động khối ngoại, phiên này bán ròng khá mạnh hơn 600 tỷ đồng, trong đó 3 mã bị bán mạnh là HPG -248 tỷ đồng, MWG -192 tỷ đồng, VND -144 tỷ đồng. Mua ròng mạnh có VNM gần 60 tỷ đồng, lượng mua chiếm 36% tổng giao dịch, là lực đỡ quan trọng giúp VNM ngược dòng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*