Đà Nẵng: Tô mì, ly kem cũng tăng giá theo xăng dầu, nhà giàu cất ô tô đi xe máy dù nắng gắt

Ly kem, tô mì Quảng tăng theo giá xăng

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã có 12 lần tăng giá. Đặc biệt, từ 15h ngày 13/6, giá xăng lên mức hơn 32.000 đồng/lít. Giá xăng tăng liên tục kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá theo.

Đà Nẵng: Tô mì, ly kem cũng tăng giá theo xăng dầu, nhà giàu cất ô tô đi xe máy dù nắng gắt - Ảnh 1.

Bữa cơm của người lao động thêm đắt đỏ khi hàng hoá đồng loạt tăng giá.

Chị Mai Phương (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay, giá cả hàng hoá leo tháng khiến bữa cơm gia đình cũng đắt đỏ theo.

“Các loại thịt gà, lợn hầu hết tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Trứng gà tăng từ 35.000 lên 40.000 đồng/kg. Nhiều hàng quán hiện nay đã bắt đầu tăng giá theo. Như quán mì Quảng tôi hay ăn cách đây mấy ngày đã điều chỉnh giá trên menu, từ 35.000 đồng/tô lên 40.000 đồng/tô; hay một ly kem bơ từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/ly…”, chị Phương cho hay.

Đà Nẵng: Tô mì, ly kem cũng tăng giá theo xăng dầu, nhà giàu cất ô tô đi xe máy dù nắng gắt - Ảnh 2.
Giá hàng hóa tăng khiến sức mua bị ảnh hưởng. Nhiều tiểu thương cho biết hàn quán ế ẩm hơn do người mua thắt chặt chi tiêu.

Chủ nhà hàng cơm gia đình trên đường Yên Bái cho biết, hiện nhà hàng vẫn đang cầm cự trước “cơn bão” tăng giá. Giá dầu ăn trước chỉ khoảng 30.000 đồng/lít nay tăng lên 45.000 đồng/lít, giá gas, đường, gia vị cũng tăng mạnh.

“Chúng tôi cố gắng lấy số lượng để bù, nhưng nếu chi phí đầu vào cứ tăng mạnh thì cũng buộc phải tăng giá theo”, chủ nhà hàng cho hay.

Theo anh Nguyễn Minh Thông, chủ một siêu thị mini ở đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê), hiện tại hầu hết các mặt hàng đều tăng giá từ gạo, mì tôm đến dầu ăn, mì chính, hạt nêm, bia, nước uống… Chẳng hạn thùng mì tôm Hảo Hảo tăng từ 100.000 lên 110.000 đồng/thùng; bia Tiger tăng từ 340.000 lên 370.000 đồng/thùng.

“Đặc biệt, dầu ăn tăng giá khủng khiếp nhất, liên tục trong vòng 3 tháng tăng thêm khoảng 30-40%. Có người giật mình nói ”ủa răng tăng giá dữ vậy?”, tôi phải cho họ xem giá mới nhập vào luôn”, anh Thông cho hay.

Đà Nẵng: Tô mì, ly kem cũng tăng giá theo xăng dầu, nhà giàu cất ô tô đi xe máy dù nắng gắt - Ảnh 3.
Nguyên liệu đầu vào tăng khiến ly kem bơ cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Với đà tăng của giá xăng, nhiều người dân, nhất là những người có thu nhập thấp thêm khốn khó hơn khi hầu hết các loại hàng hoá cũng tăng giá theo.

Chị Hồng bán chả cá tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu) than thở, hàng hoá tăng giá nên sức mua chậm, ế ẩm hơn hẳn.

“Chả cá thác lác trước giá 180.000 đồng nay tăng lên 220.000 đồng/kg. Nhiều người thắc mắc sao tăng giá mạnh thế nhưng tôi cũng đâu muốn. Do nguyên liệu nhập vào tăng, chúng tôi phải bán giá đắt hơn. Giá bán tăng nhưng lời thì ít hơn, mọi người chi tiêu dè sẻn hơn hàng hóa bán ra cũng chậm hơn”, chị Hồng cho hay.

Bỏ ô tô đi xe máy

Đã vài tháng nay, anh Phan Tuấn (sống tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) thường xuyên dùng xe máy làm phương tiện di chuyển đến homestay của mình ở TP Hội An (Quảng Nam).

Anh Tuấn nói ”mang tiếng là ông chủ”, nhưng trước mức tăng của xăng, anh chấp nhận đi xe máy nắng nôi để cắt giảm một phần chi phí.

Anh Tuấn tính toán, nếu đi xe ô tô, 100km sẽ tốn khoảng 11 lít xăng. Quãng đường di chuyển giữa 2 thành phố, cả đi và về cũng gần 100km. Với giá xăng như hiện nay, mỗi ngày anh sẽ mất gần 300.000 đồng tiền xăng, vị chi cả tuần sẽ mất cả triệu tiền xăng nếu chỉ về đó 3-4 lần.

“Homestay mình hoàn thiện xong, chưa đi vào hoạt động được ngày nào thì đóng cửa gần 2 năm vì dịch Covid-19. Khoảng ba tháng nay mới bắt đầu có khách trở lại nên cũng đang khó khăn, cố gắng tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”, anh Tuấn bộc bạch.

“Trước đây mình đi xe không phải nghĩ, đi cafe hay chạy vòng vòng trong phố cũng lấy ô tô đi, còn nay thì cần thiết lắm, hoặc nắng quá mới phải lấy ô tô, chứ không thì cứ đi xe máy cho tiết kiệm”, anh Tuấn nói thêm.

Còn anh Nguyễn Văn Thanh (Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ, chiếc xe ô tô anh mua cách đây 3 tháng gần như “đắp chiếu”.

“Lúc đầu chưa có ô tô thì cứ muốn mua cho bằng được để có xe về quê, đi chơi, nhưng mua rồi lại chẳng đi đâu, một phần cũng vì giá xăng đắt quá. Cơ quan thì cách nhà chỉ vài ba cây số nên đi xe máy cho tiết kiệm, trừ khi phải đi đâu xa thì mới sử dụng đến ô tô”, anh Thanh chia sẻ.

Nhà có 2 chiếc xe máy, vừa rồi anh bán một chiếc để mua xe máy điện giá chỉ 18 triệu đồng.

“Mua xe máy điện đúng là sáng suốt. Tôi mua đúng đợt được giảm giá nên giá rẻ, giờ đi đâu cũng lấy xe máy điện đi, không lo việc xăng tăng giá”, anh Thanh nói.

Người Mỹ khốn khổ vì tiền mừng cưới thời lạm phát, lên đến 20.000 USD/năm


Diệu Thuỳ

Infonet

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*