Doanh nghiệp đổ xô mua lại trái phiếu trước hạn

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Gelex tổ chức 4 đợt mua lại trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.

Dồn sức mua lại trái phiếu

Tập đoàn Gelex (mã GEX – HoSE) vừa công bố, ngày 8/6, Tập đoàn đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu GEXH2124003. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 31/12/2021 và đáo hạn ngày 31/12/2024 với kỳ hạn 3 năm. Như vậy, sau hơn 5 tháng phát hành, Gelex đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này.

Trước đó, ngày 27/5, Gelex thông báo phương án mua lại 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.200 tỷ đồng. Ngày 19/5, Gelex cũng mua lại một lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 tháng, Gelex tổ chức 4 đợt mua lại trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Gelex cho biết, nguồn mua lại các lô trái phiếu là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của Tập đoàn.

Một doanh nghiệp khác có liên hệ mật thiết với Gelex là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã VIX – HoSE) mới đây cũng công bố, ngày 10/6, đã mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Lô trái phiếu này kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 5/4/2021 và đáo hạn ngày 5/4/2024. Như vậy, sau hơn một năm phát hành, VIX đã mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành.

Trong xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp, mã BCM – HoSE) dự kiến mua lại lô trái phiếu mã số BCMH2123002, với quy mô mua lại 79 tỷ đồng, bằng mệnh giá trái phiếu.

Trước đó, tháng 5/2022, không ít doanh nghiệp đã công bố hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước hạn gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5, hay Công ty cổ phần An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là, giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của tháng 4/2022 tăng đột biến với mức 11.900 tỷ đồng, gần bằng tổng giá trị mua lại trong 3 tháng đầu năm nay là 12.800 tỷ đồng.

Động thái tích cực cải thiện các chỉ tiêu tài chính

Việc doanh nghiệp đổ xô mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra sau sự kiện Tân Hoàng Minh xảy ra vào đầu tháng 4. Định hướng thắt chặt của cơ quan quản lý khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt trong huy động vốn qua kênh trái phiếu, chủ động công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn, chủ động mua lại trước hạn…

Đơn cử, ngày 4/6, HĐQT Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn Địa ốc (mã AAV – HNX) ban hành nghị quyết chấp thuận phương án hủy phát hành trái phiếu được thông qua ngày 11/5/2022. Tổng giá trị trái phiếu tối đa 65 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm, được phát hành qua các đại lý phát hành trái phiếu với mục đích bổ sung vốn cho Dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo một chuyên gia tài chính, mặt tích cực của việc mua lại trái phiếu trước hạn là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.

Điển hình như trường hợp của Becamex IDC Corp, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, tổng nợ vay của Tổng công ty tại thời điểm ngày 31/3/2022 là gần 15.753 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng nợ vay từ trái phiếu khá cao là gần 71%, tương ứng 11.130 tỷ đồng, bao gồm 10.399 tỷ đồng vay trái phiếu dài hạn và 731 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả.

So với cùng kỳ năm ngoái, tuy tổng nợ vay cũng ở mức hơn 14.000 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng vay trái phiếu của Becamex IDC Corp thấp hơn nhiều, gần 7.000 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị vay trái phiếu dài hạn và trái phiếu đến hạn trả. Việc gia tăng vay trái phiếu đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty do bị bào mòn bởi chi phí lãi vay.

Cụ thể, trong quý I/2022, tuy doanh thu chỉ tăng 2%, nhưng nhờ biên lãi gộp tăng mạnh, lãi gộp của Becamex IDC Corp tăng đến 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân, trong đó có chi phí lãi tăng đến 74%, nên lãi ròng cả kỳ của Tổng công ty giảm 7%, về mức gần 425 tỷ đồng.

Thực tế, sau sự kiện Tân Hoàng Minh, thông tin về các đợt phát hành hay mua lại trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trở nên vô cùng nhạy cảm với nhiều tin đồn tiêu cực, khiến không ít doanh nghiệp phải nhiều lần lên tiếng trấn an nhà đầu tư, cổ đông.

Theo một báo cáo gần đây của SSI Research, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn, dù đặc thù có tính trung, dài hạn. Mục tiêu của Chính phủ vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết.

“Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường”, SSI Research nhận định.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*