Lệnh cấm vận ‘xóa sổ 15 năm thành tựu kinh tế Nga’

Trong phân tích công bố hôm 8/6, các chuyên gia của IIF, có trụ sở ở Washington, Mỹ, dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm nay và thêm 3% nữa vào năm sau. “Điều đó có nghĩa thành tựu kinh tế trong 15 năm qua của Moskva sẽ bị xóa sổ”, báo cáo của IIF có đoạn.

IIF là hiệp hội tài chính toàn cầu được 38 ngân hàng ở các nước công nghiệp phát triển lập ra năm 1983 để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ quốc tế đầu thập niên 1980. Tổ chức này tới nay có gần 450 thành viên, gồm các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản… ở 70 quốc gia trên thế giới.

Du khách tham quan trên xe quân sự ở thành phố Volgograd, miền nam Nga, ngày 6/6. Ảnh: AFP.

Du khách tham quan trên xe quân sự ở thành phố Volgograd, miền nam Nga, ngày 6/6. Ảnh: AFP.

IIF cho hay ảnh hưởng của lệnh cấm vận phương Tây với Nga có thể thay đổi, do có thêm nhiều lệnh trừng phạt đang được bổ sung và Moskva có thể đáp trả, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế của IIF, cho biết Moskva có thể sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nữa nếu tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine, song các biện pháp trừng phạt sẽ không phát huy tác dụng trong “một sớm một chiều”.

Nhóm chuyên gia cũng lưu ý một số hậu quả nặng nề nhất trong cuộc “chiến tranh kinh tế” này vẫn chưa thể hiện rõ. “Các lệnh trừng phạt đang xé nát chuỗi giá trị toàn cầu và 30 năm đầu tư, kết nối với châu Âu của Nga”, bà Ribakova cho biết.

Kể từ tháng 3, Nga trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới với hơn 5.000 lệnh trừng phạt khác nhau, nhiều hơn Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại. Mỹ dẫn đầu làn sóng trừng phạt nhắm vào Nga với 1.194 lệnh, sau đó là Canada (908 lệnh) và Thụy Sĩ (824 lệnh).

Các biện pháp trừng phạt tài chính đã cắt đứt khả năng thanh toán nợ nước ngoài của Nga. Trong khi đó, vật giá leo thang và tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài tháo lui đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó “làm mờ triển vọng kinh tế trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn của Nga”, IIF nhấn mạnh.

Nga chưa bình luận về thông tin này. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó khẳng định các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể làm suy yếu Nga, đồng thời tuyên bố Moskva sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng với các quốc gia “không thân thiện”. Nga tới nay đã cắt nguồn cung khí đốt cho 5 quốc gia châu Âu, với lý do những nước này không chấp nhận thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble theo yêu cầu từ phía Moskva.

Đức Trung (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*