Nga nói tên lửa Sarmat có thể xóa sổ một phần ‘lục địa thù địch’

“Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat đủ sức phá hủy một nửa bờ biển của lục địa thù địch với chúng ta”, Tổng giám đốc tập đoàn Không gian Nhà nước Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin nói hôm qua. Tuy nhiên, ông không nói rõ “lục địa thù địch” này là ở đâu.

Phát biểu được Rogozin đưa ra một tháng sau khi Nga lần đầu phóng thử tên lửa Sarmat hoàn chỉnh từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía bắc đất nước. Tổng thống Vladimir Putin khi đó nói rằng tên lửa Sarmat “có thể bắn trúng bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất”.

Tính năng tên lửa xuyên lục địa tầm bắn 18.000 km của Nga

Tính năng tên lửa xuyên lục địa tầm bắn 18.000 km của Nga

Mẫu tên lửa đạn đạo Nga có tầm bắn bao phủ toàn cầu. Video: BQP Nga.

Giới chức Nga tháng trước cho biết dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa RS-28 Sarmat đã sẵn sàng vận hành và những quả đạn đầu tiên dự kiến được biên chế cho một đơn vị ở tỉnh Krasnoyarsk, cách thủ đô Moskva khoảng 3.000 km về phía đông, trong mùa thu năm nay.

Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa Sarmat sẽ được bàn giao cho quân đội Nga. Chúng sẽ được đặt trong hầm phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda đời cũ do Liên Xô phát triển, giúp Nga tiết kiệm nguồn lực và thời gian.

Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000 km. Quan chức Nga giấu tên cho biết đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.

Các đầu đạn có tốc độ tối đa hơn 25.000 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.

Tướng Sergey Karakaev, tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, cho biết tên lửa Sarmat cũng có thể mang được nhiều đầu đạn siêu vượt âm Avangard, giúp chúng đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới hiện nay.

Hồi tháng 9/2021, Rogozin đã tuyên bố rằng tên lửa Sarmat sẽ là trụ cột tương lai cho lá chắn hạt nhân Nga trong vòng 30-40 năm tiếp theo.

Vũ Anh (Theo TASS)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*