NATO nói Thụy Điển an toàn hơn sau khi xin gia nhập liên minh

“Xét trên góc độ an ninh, Thụy Điển đang ở vị trí tốt hơn so với trước khi nộp đơn xin gia nhập. Các đồng minh NATO phản ứng bằng cách đưa ra những đảm bảo an ninh cho Thụy Điển”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/6 cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Harpsund.

Trước đó, Mỹ và Anh cam kết đảm bảo an ninh cho Thụy Điển trong giai đoạn sau khi nước này nộp đơn xin gia nhập tới lúc trở thành thành viên chính thức của liên minh, được hưởng quy chế phòng thủ chung theo Điều 5.

Ông Stoltenberg nói “không thể tưởng tượng được rằng các đồng minh NATO sẽ không phản ứng” trong trường hợp Thụy Điển bị tấn công. “Đây là thông điệp mà các đồng minh NATO đã truyền tải một cách rất rõ ràng tới bất cứ đối thủ tiềm năng nào”, ông Stoltenberg tuyên bố.

Binh sĩ Thụy Điển (trái) và Mỹ (phải) trong cuộc diễn tập chung tại quốc gia Bắc Âu tháng 11/2020. Ảnh: US Army.

Binh sĩ Thụy Điển (trái) và Mỹ (phải) trong cuộc diễn tập chung tại quốc gia Bắc Âu tháng 11/2020. Ảnh: US Army.

Tổng thư ký NATO cũng cho biết liên minh đang tích cực làm việc với Stockholm và Ankara để giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan cung cấp nơi trú ẩn cho thành viên nhóm bị nước này coi là khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tức giận vì Thụy Điển cấm vận vũ khí từ năm 2019 sau khi mở chiến dịch quân sự tại Syria.

Thủ tướng Thụy Điển Andersson khẳng định nước này “coi trọng các mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là mối lo ngại về an ninh khi đề cập đến cuộc chiến chống khủng bố”.

Bà Andersson thông báo luật chống khủng bố cứng rắn hơn của Thụy Điển sẽ có hiệu lực từ 1/7. Cơ quan quản lý xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển dự kiến xem xét lại chính sách khi nước này là thành viên NATO.

Tổng thư ký Stoltenberg nói NATO dang rộng vòng tay chào đón Thụy Điển và NATO, đồng thời bày tỏ mong đợi vấn đề liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh, dự kiến bắt đầu ngày 28/6 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg cảnh báo tranh chấp có thể kéo dài và hội nghị thượng đỉnh ở Madrid không phải hạn chót để giải quyết vấn đề.

Hơn 70 năm mở rộng hướng đông của NATO

Hơn 70 năm mở rộng hướng đông của NATO

Quá trình NATO đông tiến áp sát Nga. Đồ họa: Washington Post.

Căng thẳng giữa Nga và NATO cũng như khu vực Baltic gần đây leo thang sau khi Thụy Điển cùng Phần Lan xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Nếu NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, Nga sẽ trở thành nước duy nhất ven biển Baltic không phải thành viên của liên minh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/5 không chỉ trích Phần Lan và Thụy Điển xin vào NATO, nhưng cảnh báo hoạt động mở rộng những cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ hai quốc gia này sẽ kích hoạt phản ứng từ Moskva. “Hành động cụ thể sẽ dựa trên mối đe dọa mà họ tạo ra với Nga”, ông Putin nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 20/5 thông báo Nga sẽ thành lập 12 đơn vị quân đội trong bối cảnh “căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực Quân khu phía Tây phụ trách”, sau khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*