Cây cầu dài 1.080 mét được khánh thành hôm nay với sự tham dự trực tuyến của quan chức Nga – Trung và bắt đầu lưu thông hàng hóa ngay sau đó, với 16 xe tải chở hàng đầu tiên từ cả hai nước lưu thông qua cầu.
“Trong thế giới bị chia cắt ngày nay, cây cầu nối Blagoveshchensk – Hắc Hà mang ý nghĩa đặc biệt và có tính biểu tượng. Nó sẽ trở thành tuyến đường hữu nghị khác, kết nối các dân tộc Nga và Trung Quốc. Việc xây dựng bắt dựng bắt đầu năm 2016 với hàng nghìn người từ cả Nga và Trung Quốc làm việc 24/7”, Phó thủ tướng Nga kiêm đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Đặc khu Liên bang Viễn Đông Yury Trutnev cho hay.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cũng nói về ý nghĩa biểu tượng của sự kiện này. Ông lưu ý rằng nhờ có cây cầu mà Trung Quốc sẽ cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt hơn, gọi đây là “cây cầu của tình hữu nghị và hợp tác”.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cầu lên tới 19 tỷ ruble (325,4 triệu USD), trong đó 14 tỷ (240 triệu USD) do Nga đóng góp. Việc khánh thành cây cầu ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 11/2020 nhưng bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Do các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 vẫn còn hiệu lực ở Trung Quốc, hiện tại chỉ xe tải mới được phép đi qua biên giới.
“Tôi chắc chắn rằng việc khánh thành cây cầu sẽ giảm chi phí và điều kiện vận chuyển hàng hóa trong ngoại thương”, Bộ trưởng Giao thông Nga Vitaly Savelyev nói, thêm rằng cây cầu mới sẽ cho phép kim ngạch hàng hóa giữa hai nước đạt một triệu tấn mỗi năm.
Hiện tại, mức phí trung bình khi đi qua cầu đối với một ôtô là 8.700 ruble (khoảng 150 USD), nhưng khi chi phí xây dựng đã được bù đắp, mức phí này sẽ giảm, quan chức Nga tiết lộ.
Ý tưởng “biên giới thân thiện” giữa Blagoveshchensk và Hắc Hà có từ cuối những năm 1980. Thỏa thuận đầu tiên giữa hai thành phố được thực hiện tháng 9/1987, khi một lô hàng dưa hấu được giao dịch để đổi lấy phân bón của Liên Xô.
Năm 1995, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận để cùng xây cầu bắc qua sông Amur. Năm 2015, các bên đã sửa đổi thỏa thuận bằng cách ký nghị định thư để chính quyền tỉnh Amur và tỉnh Hắc Long Giang cùng chia sẻ chi phí xây dựng và thành lập liên doanh Nga – Trung.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, các nước phương Tây đã áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga và cũng không áp đặt biện pháp trừng phạt, khẳng định mối quan hệ với Moskva “vững như bàn thạch”.
Huyền Lê (Theo RT, TASS)
Để lại một phản hồi