Người trẻ Đông Á ngại sinh con

Nhật Bản từ lâu đã đau đầu tìm cách ứng phó với tình trạng dân số già, nhưng nước láng giềng Hàn Quốc gần đây cũng chứng kiến tỷ suất sinh thuộc diện thấp nhất thế giới, trong khi tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn.

Năm 2021, số trẻ em trung bình một phụ nữ Hàn Quốc sinh ra trong đời là 0,81, thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống Kê Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970. Vào thời điểm đó, con số này ở mức 4,53, sau đó giảm xuống mức 2 vào năm 1983. Dân số Hàn Quốc hiện nay là hơn 51 triệu người.

Trung Quốc không công bố tỷ suất sinh vào năm ngoái, nhưng nhóm chuyên gia nhân khẩu học gồm Lương Kiến Chương, Nhậm Trạch Bình, Hòa Á Phục ước tính con số này là 1,15, giảm so với mức 1,3 năm 2020.

Các nền kinh tế đối mặt với tình trạng dân số già đang rất chú ý đến tỷ suất sinh. Dữ liệu quan trọng này phản ánh các xu hướng xã hội, cho phép chính phủ đưa ra những giải pháp thay đổi cơ cấu dân số dài hạn.

Theo Kim Bo-eun và Luna Sun, bình luận viên về xã hội của SCMP, tỷ suất sinh thấp ở các nước phát triển đến từ nhiều yếu tố như đô thị hóa, mức sống và chất lượng giáo dục cao. Trong khi đó, tỷ suất sinh ở các nước đang phát triển thường có xu hướng cao hơn, do các gia đình muốn có thêm lao động để kiếm tiền, cũng như có người phụng dưỡng lúc tuổi già.

Tỷ suất sinh giảm, dân số già hóa có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong cơ cấu kinh tế, khiến lực lượng lao động thu hẹp dần, nhu cầu trong nước giảm, đồng thời gây ra các vấn đề xã hội như mất cân bằng giới tính trong gia đình và thị trường việc làm.

Một phụ nữ đi dạo cùng con tại khu Hongdae, Seoul, thủ đô Hàn Quốc.

Một phụ nữ đi dạo cùng con tại khu Hongdae, Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng, do người dân nước này ngày càng ngần ngại sinh con, trong khi tuổi thọ tăng lên, khiến nền kinh tế đất nước đối mặt nhiều thách thức.

“Chồng tôi cho rằng có con sẽ hạn chế các lựa chọn cuộc sống”, Han Jia, nhà thiết kế nội thất 34 tuổi ở Hàn Quốc, chia sẻ. “Tôi cũng không chắc chắn liệu con tôi sẽ có một tương lai hạnh phúc hay không khi môi trường tự nhiên, xã hội đang xấu đi, còn tôi cũng khó tiếp tục công việc khi vướng bận con cái”.

“Hàn Quốc đã cải thiện chính sách nghỉ thai sản, đàn ông cũng làm việc nhà nhiều hơn, song vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, cô nói thêm.

Hàn Quốc trở thành “xã hội già” vào năm 2017, với hơn 14% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ này được dự đoán tăng lên 37% vào năm 2045, khiến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Tuổi thọ kỳ vọng khi sinh ở nước này cũng chạm mức 83,5 vào năm 2020, trước khi Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận dân số sụt giảm trong năm 2021, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm. Tuổi thọ kỳ vọng khi sinh là ước tính một đứa trẻ có thể sống được bao lâu trong tương lai, tương ứng với rủi ro sức khỏe thực tế đối với người dân vào thời điểm đó.

Điều này đặt ra các vấn đề mang tính cấu trúc với nền kinh tế Hàn Quốc, khi dân số già hóa và suy giảm là dấu hiệu về lực lượng lao động thu hẹp dần và nhu cầu nội địa giảm.

Ở Nhật Bản, lo ngại về tỷ suất sinh bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1980. Tỷ lệ này giảm xuống mức 1,26 vào năm 2005, phục hồi nhẹ lên mức 1,45 vào năm 2015, song giảm liên tục trong 6 năm qua, xuống mức 1,3 vào năm ngoái.

Số ca sinh ở Nhật cũng thấp kỷ lục vào năm 2021, khi nước này ghi nhận 811.000 em bé chào đời, trong khi số ca tử vong là hơn 1,4 triệu, khiến tổng dân số giảm 628.000 người, xuống còn 125 triệu.

Trung Quốc hiện cũng đối mặt với vấn đề tương tự, khi tỷ suất sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục 7,52 ca sinh trên mỗi 1.000 người vào năm 2021, từ mức 8,52 vào năm 2020.

Nước này cũng là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới, năng suất từ lực lượng lao động đông đảo của Trung Quốc cũng được dự báo giảm.

“Sinh con không phải điều bắt buộc trong cuộc sống của tôi, bản thân tôi cũng chưa đủ tự tin vì nuôi dạy trẻ rất phức tạp và tốn kém”, Felizia Diêu, 27 tuổi, một phụ nữ độc thân tại Thượng Hải, bày tỏ. “Với tình hình tài chính hiện tại, gánh nặng nuôi con đồng nghĩa phải hy sinh chất lượng cuộc sống bản thân, nên tôi không có lý do gì để sinh con”.

Một người cha trông con chơi xích đu trong công viên Xích Sơn ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 23/2/2020. Ảnh: AFP.

Một người cha trông con chơi xích đu trong công viên Xích Sơn ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 23/2/2020. Ảnh: AFP.

Theo Hòa Á Phục, nhà nhân khẩu học độc lập người Trung Quốc, phụ nữ Đông Á có thể ít muốn có con hơn vì họ thường phải gánh trách nhiệm chăm sóc con nhỏ, gây bất lợi về sự nghiệp.

“Trong văn hóa Đông Á, sinh con đồng nghĩa phụ nữ phải hy sinh nhiều hơn, trong khi nam giới có xu hướng ít tham gia vào việc chăm sóc con cái”, ông Hòa nhận định. “Phụ nữ đã kết hôn và sinh con dễ bị phân biệt đối xử trên thị trường việc làm, nhiều người buộc phải lựa chọn sinh ít hoặc không sinh con để thăng tiến trong sự nghiệp”.

Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) cho rằng phụ nữ Đông Á hiện nhận thức rõ hơn về bình đẳng giới, nhưng hệ thống xã hội vẫn tụt hậu trong tạo điều kiện chăm sóc trẻ em, khiến họ nghiêng về phương án không lấy chồng hay sinh con.

“Rất khó để duy trì sự nghiệp khi có con”, Kim, bác sĩ 39 tuổi, có con gái ba tuổi ở Seoul, Hàn Quốc, chia sẻ. “Phụ nữ được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, song nơi tôi làm việc cũng kỳ vọng phụ nữ sẽ mang lại hiệu quả tương tự trong công việc”.

Chi phí nuôi dạy cao cũng là vấn đề chung khiến người dân Đông Á ngần ngại chuyện sinh con. Các bậc cha mẹ trung lưu ở Trung Quốc và Hàn Quốc thường đầu tư cho con cái học trường tư, vốn rất tốn kém.

Ngoài công sức lớn, chi phí giáo dục tư nhân cao, thị trường việc làm nhiều biến động và chi phí nhà ở đắt đỏ cũng ngăn cản người trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc sinh con, theo chuyên gia Lee.

Một học sinh làm bánh pizza ở trường tiểu học Thẩm Dương, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP.

Một học sinh làm bánh pizza ở trường tiểu học Thẩm Dương, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, ngày 20/7/2021. Ảnh: AFP.

Nhóm người trẻ coi trọng thành tích cá nhân và sự tự do hơn kết hôn và sinh con đang ngày càng nhiều ở các nước Đông Á.

Số cuộc hôn nhân liên tục giảm trong thập kỷ qua ở Hàn Quốc cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm. Nước này ghi nhận 192.500 cuộc hôn nhân vào năm ngoái, so với 327.100 năm 2012. Trung Quốc năm ngoái cũng ghi nhận 7,63 triệu cuộc hôn nhân, thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê năm 1986, theo Bộ Các vấn đề Dân sự.

“Tôi cần thời gian để hoàn thiện bản thân, đạt được mục tiêu mong muốn trước khi sinh con”, Reona Đinh, 33 tuổi, đã kết hôn ở Trung Quốc, cho biết.

Thế hệ trẻ ngần ngại sinh con sẽ trở thành thách thức lớn với Trung Quốc, khi tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của nước này giảm xuống 0,034% vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ giai đoạn 1959-1961.

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố loạt chính sách, tập trung vào tăng phụ cấp, tăng thời gian nghỉ thai sản và phát triển các trung tâm chăm sóc trẻ, song không giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản như thị trường việc làm biến động, vật giá leo thang, chi phí nuôi dạy con cái lớn.

“Chính phủ đã xử lý tình trạng tỷ suất sinh thấp như một vấn đề riêng lẻ, thay vì tiếp cận bằng chính sách tổng hợp”, chuyên gia Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu tại KIHASA, nhận định. “Cần xem vấn đề này ở góc độ vĩ mô”.

Chính quyền Trung Quốc cũng thực hiện các biện pháp tăng chế độ nghỉ thai sản, ưu đãi thuế, và cho phép sinh con thứ ba, song các chuyên gia đồng tình rằng những biện pháp này cần vượt khỏi vấn đề tài chính đơn thuần, hướng tới giải quyết các nguyên nhân căn bản.

“Để tăng tỷ suất sinh, đầu tiên cần xóa bỏ nạn phân biệt đối xử giới tính trong thị trường việc làm, cũng như đảm bảo quyền làm việc công bằng của phụ nữ”, nhà nhân khẩu học độc lập Hòa Á Phục nói. “Thứ hai là rút ngắn thời gian làm việc một cách hợp lý. Thời gian làm việc ở các nước Đông Á quá dài, ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng sinh con của người dân”.

Đức Trung (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*