Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhiều hỗ trợ để phục hồi sản xuất
Thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước đều cho thấy dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán bị kiểm soát bởi những quy định về an toàn vốn. Còn vốn cho vay sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp… vẫn chiếm gần 80%. Mặc dù vậy, qua khảo sát, cũng có khá nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất.
Công ty TNHH New Green Way Việt Nam cho biết, dù đã tăng sản lượng các loại rau, củ, quả lên 50% nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nông sản cho các bếp ăn trong các khu công nghiệp. Họ rất muốn mở rộng sản xuất nhưng nguồn vốn hiện đã cạn sau thời gian dài chống trọi với dịch bệnh COVID-19.
Phải mất hàng tỷ đồng để đầu tư kho lạnh, chủ doanh nghiệp đã thế chấp tài sản cá nhân. Doanh nghiệp đang rất muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp để mở rộng sản xuất.
Hình thức vay tín chấp là hình thức vay không cần tài sản thế chấp, nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có nhu cầu rất lớn tiếp cận hình thức vay này
“Tôi hy vọng các Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện nới lỏng các điều kiện vay, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển”, ông Trần Hoàng Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH New Green Way Việt Nam cho hay.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu cũng cho biết đã vay 100 tỷ đồng vốn ngắn hạn từ ngân hàng và dự định năm nay sẽ tiếp tục vay thêm 200 tỷ nữa vốn trung hạn để mở thêm nhà máy sản xuất với mục tiêu tăng gấp 3 lần lượng hàng xuất khẩu.
“Kế hoạch của chúng tôi là một phần sẽ sử dụng vốn tự có và khoảng 50% chúng tôi sẽ vay của các ngân hàng. Các ngân hàng cũng rất là hợp tác và hỗ trợ. Hiện nay chúng tôi đang vay với mức lãi suất là 4,5% và 4,8%”, ông Chu Hoàng Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu cho biết.
Nhu cầu vốn được nhận định sẽ tiếp tục nhiều hơn, khi các chỉ số vĩ mô đang cho thấy tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng tới 8,3%, trong khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 60%, cho thấy nhịp sản xuất đang quay lại sau đại dịch.
Để tạo đà thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn để các ngân hàng thương mại có thể nhanh chóng triển khai đưa nguồn vốn giá rẻ này tới tay doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng thương mại gần cạn room tín dụng
Hiện nay nhu cầu vay vốn tăng nhưng khá nhiều ngân hàng thương mại đã gần cạn room tín dụng. Nếu như hết room đồng nghĩa với việc các ngân hàng dù có tiền trong tay cũng không thể giải ngân cho vay. Vì vậy không ít ngân hàng đã đề xuất được nới hạn mức tín dụng.
Chuyên cho vay nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến cuối tháng 5 đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại.
“Về tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại chúng tôi tăng trưởng khoảng gần 5%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự báo đến từ nay đến 31/12 cũng sẽ thiếu hụt. Chúng tôi dự kiến sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước nới room hoảng 3 – 4% nữa”, ông Phạm Toàn Vượng – Phó tổng Giám đốc Agribank cho hay.
Ông Nguyễn Việt Cường – Phó tổng Giám đốc Vietcombank nói: “Nhu cầu vốn giờ đang tăng cao, ngay cả Vietcobank 4 tháng đầu năm tăng trưởng gần 9%. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng phù hợp cho các ngân hàng để chung tay với nền kinh tế trong việc trong việc hỗ trợ tăng trưởng năm nay”.
Ảnh minh họa.
Chính phủ mới đây thông qua Nghị định về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng sẽ được hưởng lợi. Do đó các ngân hàng cho biết cần được mở room tín dụng mới có điều kiện giải ngân gói hỗ trợ này.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức tương đối cao là 124% GDP. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng thì mỗi khi có các cú sốc lớn như đại dịch COVID-19, hay biến động của tình hình kinh tế thế giới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Vì vậy, công cụ cấp hạn mức tín dụng vẫn phát huy những hiệu quả nhất định.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Trước đây các ngân hàng có nhiều năm tăng tín dụng 30%/1 năm – mức rất cao, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%. Như vậy nó tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền… Chính vì vậy, chúng tôi thấy đât là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện nay đang áp dụng”.
Như người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có lý giải, từ khi áp dụng công cụ cấp hạn mức tín dụng đã góp phần kiểm soát cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng. Điều này cũng hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang cố gắng thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Vậy các ngân hàng sẽ phải làm gì để được cấp thêm hạn mức tín dụng mỗi khi hết room? Và cần có những chính sách tín dụng như thế nào để nguồn vốn giá rẻ đến được với các đối tượng được thụ hưởng trong bối cảnh hạn mức tín dụng không còn nhiều?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Dòng chảy Tài chính với sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có những phân tích cụ thể!
Theo VTV digital
VTV News
Để lại một phản hồi