Phần Lan tính xây hàng rào ở biên giới với Nga

Phần Lan và Nga có đường biên giới dài 1.300 km, hầu hết được đánh dấu bằng các biển báo và đường dây. Helsinki hôm 9/6 thông báo có kế hoạch sửa đổi luật để cho phép xây dựng hàng rào cũng như các con đường mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tuần tra biên giới ở phía Phần Lan.

“Chính phủ sẽ quyết định về việc dựng hàng rào tại các khu vực xung yếu ở biên giới phía đông, dựa theo đánh giá của Lực lượng Biên phòng”, Bộ trưởng Nội vụ Krista Mikkonen cho hay.

Biển báo đường bộ tại cửa khẩu ở thị trấn Imatra, Phần Lan, giáp biên giới với Nga hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Biển báo đường bộ tại cửa khẩu ở thị trấn Imatra, Phần Lan, giáp biên giới với Nga hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Phần Lan tháng trước nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO, động thái bị Nga phản đối. Helsinki đang gấp rút tăng cường an ninh biên giới vì lo ngại Nga có thể gây áp lực bằng cách gửi những người xin tị nạn đến biên giới Phần Lan, như EU cáo buộc cách Belarus đã làm cuối năm ngoái khi hàng trăm người di cư từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi bị kẹt ở biên giới Ba Lan.

Chính quyền Phần Lan ngày 9/6 cũng cho biết các sửa đổi luật sẽ bao gồm đề xuất chỉ tiếp nhận đơn xin tị nạn tại các điểm nhập cảnh cụ thể. Theo quy định hiện hành của EU, người di cư có quyền xin tị nạn tại bất kỳ điểm nhập cảnh nào để vào một quốc gia thành viên EU.

Phần Lan trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan – Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Phần Lan phạm sai lầm khi từ bỏ chính sách trung lập để xin vào NATO. Nga tháng trước đã cắt nguồn cung khí đốt tới Phần Lan với lý do không thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*