Đối với thị trưởng Vadim Lyakh, mỗi ngày trôi qua đều giống như một vòng lặp vô tận. “Tôi thức dậy, xác định thiệt hại của vụ pháo kích mới nhất, liên lạc với đơn vị quân đội bảo vệ thành phố và thăm những người bị đạn pháo phá hủy nhà cửa”, ông nói.
Chiến dịch quân sự của Nga, với chiến thuật tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh, đã biến nhiều thành phố ở vùng Donbass thành những đô thị ma. Khi lực lượng Nga áp sát, tìm cách đánh bật quân đội Ukraine khỏi các phòng tuyến để kiểm soát hoàn toàn miền đông đất nước, rất nhiều cư dân đã nhanh chóng sơ tán để thoát khỏi đòn pháo kích liên miên và nguy cơ bị vây hãm dài ngày.
Cuộc di cư ồ ạt để lại phía sau những con phố vắng bóng người và không gian im ắng bao trùm thành phố. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho cả hai bên: Nga có thể đẩy mạnh chiến thuật chế áp bằng pháo binh mà không gây tổn hại tới dân thường, trong khi Ukraine có thể tận dụng các khu dân cư để tiến hành tác chiến đô thị.
Trước xung đột, Sloviansk có khoảng 100.000 dân, nhưng hiện chỉ còn khoảng 25.000 người bám trụ. Thị trưởng Lyakh trước đây cũng có một đội ngũ 400 người đảm bảo các dịch vụ của thành phố hoạt động, nhưng giờ chỉ còn 50 người.
Hồi đầu tháng 4, khi Nga rút khỏi miền bắc Ukraine để dồn lực vào vùng Donbass, chính quyền thành hai tỉnh Donetsk và Lugansk đã kêu gọi cư dân rời đi. “Các bạn cần sơ tán khi còn có thể”, Phó thủ tướng Iryna Vereshchuk hối thúc lúc đó.
Tại Sloviansk, cơ hội sơ tán cho người dân vẫn còn. Những chiếc xe buýt rời khỏi đây mỗi ngày, chở hàng chục thường dân chạy trốn chiến sự, dù nhiều người không biết phải đi đâu về đâu. Nhiều người quyết định rời đi sau khi chứng kiến người thân thiệt mạng dưới đòn oanh kích của lực lượng Nga.
Ông Vitaly Kolesnichenko đến trạm xe buýt chờ được sơ tán sau khi mất vợ. Đêm 31/5, vợ ông ngủ một mình trên chiếc giường cạnh cửa sổ để hóng gió. Vài giờ sau, một quả rocket nổ tung trên con đường cạnh nhà, khiến bà bị thương nặng. Các tình nguyện viên đã không kịp chuyển bà tới bệnh viện ở Kramatorsk để cấp cứu.
Nhưng cũng nhiều người quyết định bám trụ dù biết nguy cơ rất cao. Thị trưởng Lyakh gần đây tới thăm nhà một người mẹ sống với những đứa con khuyết tật ở một quận ngoại ô bị trúng pháo kích Nga. Khi ông hỏi sao cô không sơ tán, người mẹ này nói họ không có tiền để rời đi.
“Tôi đã nghe điều này rất nhiều lần”, ông nói. “Nhưng sau đó họ sẽ chạy ra ngoài chỉ với bộ đồ trên người và cầu xin chúng tôi đưa họ đi, quên hết mọi thứ về tiền bạc”.
Không có nước, khí đốt và điện sau những trận pháo kích, nhiều người bám trụ ở Sloviansk chủ yếu dành thời gian mỗi ngày để tìm kiếm nước nơi các trạm bơm công cộng.
Oleh Yukhimchuk đã cùng một đồng nghiệp đi khắp thành phố trong những ngày gần đây, gia cố cửa sổ cho các gia đình đã sơ tán, với hy vọng tài sản của họ sẽ được bảo vệ cho tới khi họ quay về. Dù dịch vụ này rất đắt khách, Yukhimchuk ước rằng “tôi thà không có việc làm còn hơn”.
Cư dân ở Sloviansk nói thành phố của họ từng bị lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát vào đầu năm 2014. Tới tháng 7/2014, quân đội Ukraine giành lại Sloviansk. Kiev đã đổ tiền đầu tư cho Sloviansk với hy vọng biến một thành phố nói tiếng Nga trở thành nơi nuôi dưỡng tình cảm thân Ukraine. Các biển hiệu trên đường vào thành phố đều có dòng chữ “Sloviansk là của Ukraine”.
Hiện tại, khi cư dân rời đi, các đoàn xe quân sự tiến vào thành phố, mang theo nhiều vũ khí và thiết bị khác nhau, từ các khẩu pháo thời Liên Xô, cho đến thiết giáp Bushmaster của Australia và lựu pháo M777 của Mỹ.
Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ Ukraine. Đầu tuần này, Anh lần đầu cam kết gửi pháo phản lực tầm xa cho Kiev. Đức đang đàm phán với Hy Lạp để chuyển thêm xe thiết giáp. Mỹ tuần trước cho biết sẽ gửi hệ thống pháo phản lực có khả năng tấn công mục tiêu cách 77 km.
Đại úy Oleksandr Taranushchenko, chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 phòng thủ ở Sloviansk, cho biết đơn vị của ông thường xuyên bị pháo binh Nga tấn công và rất cần vũ khí tiên tiến. “Bạn không thể chống lại một chiếc xe tăng khi chỉ có súng trường”, ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 5/6, Taranushchenko cho biết sau khi máy bay không người lái (UAV) của Nga bay qua trận địa phòng thủ của tiểu đoàn, pháo kích liên tục trút xuống. “Họ trút mọi thứ họ có lên chúng tôi”, ông nói.
Tổn thất của lực lượng Ukraine tiếp tục tăng. Khi các đoàn xe vũ trang tiến về chiến trường phía đông, những đoàn xe chở lính bị thương đi theo hướng ngược lại. Nhiều người bị thương được chuyển tới Kramatorsk, cách thành phố Sloviansk khoảng 16 km. Đây là bệnh viện duy nhất trong vùng có máy quét CT và tiếp nhận cả nạn nhân dân sự.
Natalia Kolomyitseva, người làm việc ở khoa chấn thương bệnh viện Kramatorsk 35 năm, cho biết kiến thức y khoa của bà đang bị thử thách với nhiều loại vết thương do vũ khí Nga gây ra. Ngay cả những nhân viên bệnh viện giàu kinh nghiệm nhất cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cách xử lý mảnh đạn găm sau mắt hay xương bả vai vỡ thành nhiều mảnh nhỏ là những điều họ chưa từng được học.
“Chúng tôi chưa thấy những trường hợp như vậy trong sách y khoa từng học”, bà Kolomyitseva nói. “Chúng tôi buộc phải vừa làm vừa học hỏi thêm”.
Tại Sloviansk, Thị trưởng Lyakh cho biết giao tranh ác liệt chỉ càng khiến thành phố quyết tâm đứng vững. Vợ ông sắp sinh đứa con thứ hai và hiện ở miền tây Ukraine với bố mẹ chồng. Ông có thể sẽ không gặp được con trong thời gian dài.
“Vợ tôi sẽ biết cách xoay xở. Tôi cần ở đây nhiều hơn. Tôi sẽ ở lại tới khi nào thành phố này vẫn là một phần của Ukraine”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)
- Lính Ukraine chật vật với vũ khí phương Tây
- Severodonetsk – pháo đài giữa gọng kìm Nga
- Phương Tây cung cấp vũ khí gì cho Ukraine?
- Pháo binh Nga thách thức tinh thần binh sĩ Ukraine
- 5 kịch bản tương lai xung đột Ukraine
Để lại một phản hồi