Ukraine cam kết không dùng pháo Mỹ tập kích lãnh thổ Nga

“Ukraine đang tiến hành cuộc chiến phòng thủ và không có kế hoạch triển khai pháo phản lực phóng loạt Mỹ để tấn công cơ sở hạ tầng trên đất Nga. Các đối tác của chúng tôi biết rõ vũ khí của họ được sử dụng ở đâu”, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết hôm 3/6.

Hiện chưa rõ Ukraine sẽ thực hiện cam kết này như thế nào trên chiến trường và Mỹ có cơ chế giám sát ra sao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 thông báo gói hỗ trợ vũ khí 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 4 hệ thống pháo phản lực tầm trung HIMARS với tầm bắn khoảng 80 km. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Kiev đảm bảo rằng sẽ không sử dụng HIMARS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhằm tránh leo thang căng thẳng.

Xe phóng đạn HIMARS Mỹ triển khai diễn tập ở bang Florida hồi đầu tháng 5. Ảnh: USAF.

Xe phóng đạn HIMARS Mỹ triển khai diễn tập ở bang Florida hồi đầu tháng 5. Ảnh: USAF.

Quyết định của Mỹ khiến Nga phản đối gay gắt. “Chúng tôi coi đây là động thái cực kỳ tiêu cực. Mọi nỗ lực nhằm mô tả đây là quyết định ‘kiềm chế’ đều vô dụng. Thực tế là Mỹ đang dẫn đầu hàng loạt quốc gia bơm vũ khí cho Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết.

Thứ trưởng Ryabkov cũng cảnh báo những đợt viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

“Chúng tôi từng nhiều lần mô tả loạt hành động này là kế hoạch tiến hành chiến tranh đến người Ukraine cuối cùng. Đó là điều chưa từng có tiền lệ và rất nguy hiểm”, ông nói và cáo buộc Mỹ “không làm gì” để tìm giải pháp xử lý khủng hoảng Ukraine.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng các hệ thống pháo phản lực như HIMARS sẽ mang đến lợi ích rõ ràng cho quân đội Ukraine. Đây là các vũ khí hiện đại, bổ sung đáng kể năng lực tác chiến cho quân đội Ukraine, trong bối cảnh lực lượng này chỉ vận hành các loại pháo phản lực từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, đạn rocket dẫn đường và tên lửa ATACMS của tổ hợp HIMARS không phù hợp để phóng theo loạt lớn nhằm vào mục tiêu phân bố trên khu vực rộng, như các đơn vị bộ binh được Nga triển khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Mỗi xe phóng M142 HIMARS mang được 6 quả đạn cỡ nòng 227 mm. Đạn dẫn đường M30/M31 có tầm bắn 70 km, trong khi mẫu M26 không dẫn đường chỉ có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 45 km. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo phản lực hạng nặng BM-27 với tầm bắn 35 km và BM-30 có khả năng uy hiếp mục tiêu từ khoảng cách 70 km.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*