Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba

Lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải hôm nay. Hình ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy khu cầu cảng vắng người trong lễ hạ thủy, trong khi mặt boong phần mũi tàu sân bay được che kín để bảo vệ cụm máy phóng.

Con tàu được hạ thủy sau ít nhất hai lần bị trì hoãn. Trung Quốc ban đầu dự kiến hạ thủy tàu Phúc Kiến ngày 23/4, nhân kỷ niệm 73 năm thành lập lực lượng hải quân, nhưng phải lùi ngày do Thượng Hải áp lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc thân cận với dự án Type-003, tên gọi trước đây của tàu sân bay Phúc Kiến, sau đó cho biết tàu “sẽ được hạ thủy ngày 3/6, trùng với dịp lễ hội thuyền rồng”, nhưng điều này cũng không diễn ra, dường như do vấn đề kỹ thuật.

Tàu sân bay Phúc Kiến trong lễ hạ thủy ở Thượng Hải hôm nay. Ảnh: Xinhua.

Tàu sân bay Phúc Kiến trong lễ hạ thủy ở Thượng Hải hôm nay. Ảnh: Xinhua.

Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết hệ thống neo và định vị sẽ được ưu tiên thử nghiệm sau lễ hạ thủy. Giai đoạn trang bị toàn diện hơn của tàu Phúc Kiến sẽ bắt đầu nếu thân tàu không bị rò nước. Giai đoạn này bao gồm nhiều cuộc thử nghiệm, do đó tàu sân bay sẽ neo đậu trong bến một thời gian trước khi chạy thử trên biển.

Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân “biển xanh” có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Bắc Kinh. Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến từ vài năm trước, song chưa rõ thời điểm chính xác con tàu được khởi đóng.

Tàu được trang bị hệ thống máy phóng, khác xa với thiết kế cầu nhảy kiểu cũ trên tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Một số nguồn tin cho biết tàu Phúc Kiến sử dụng máy phóng điện từ (EMALS), thay vì hệ thống máy phóng hơi nước. Cho tới nay, chỉ duy nhất tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc lớp cùng tên của Mỹ được trang bị EMALS, cho phép triển khai máy bay nhanh hơn với số lượng vũ khí nhiều hơn.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định không đoàn trên tàu Phúc Kiến sẽ có cơ cấu mới hoàn toàn so với tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển các loại máy bay vận hành trên tàu sân bay mới, trong đó có mẫu tiêm kích tàng hình được đặt biệt danh là FC-31/J-35 với ngoại hình giống F-35 của Mỹ, cùng máy bay cảnh báo sớm KJ-600.

Nước này còn phát triển một số biến thể mới của dòng J-15 như tiêm kích J-15T với hệ thống hỗ trợ vận hành cùng máy phóng, cùng máy bay tác chiến điện tử J-15D có thể cất hạ cánh trên Type-003.

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoán cải từ chiến hạm cũ mua từ Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh năm 2012, quân đội Trung Quốc dùng kiến thức và kinh nghiệm thu được để đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông, được biên chế vào tháng 12/2019.

Đến nay mới chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh đạt khả năng tác chiến sơ bộ, mức sẵn sàng chiến đấu cơ bản nhất với khí tài quân sự. Hải quân Trung Quốc không cho biết lý do tàu Sơn Đông chưa đạt khả năng này, dù đã đưa vào biên chế gần hai năm rưỡi.

Vũ Anh (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*