Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Bình Dương muốn vay 543 tỷ yên để làm 3 dự án giao thông
Bình Dương đề xuất Chính phủ Nhật Bản và JICA hỗ trợ thu xếp nguồn vốn vay ODA 543 tỷ yên để xây dựng 3 dự án giao thông kết nối vùng.
Tuyến đường sắt số 1 của Bình Dương sẽ nối với tuyến metro số 1 của TP.HCM tại Suối Tiên. Trong ảnh tuyến metro số 1 của TP.HCM đang hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn |
Đề xuất này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Nguyễn Lộc Hà trao đổi với ông Saotome Jun – Giám đốc Ban Đông Nam Á, Vụ Đông Nam Á của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và ông Masuda Chikahiro – Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TP.HCM trong buổi làm việc ngày 22/7.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lộc Hà cho biết, để tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng, Bình Dương đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông để kết nối đến đầu mối cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai và cảng biển Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đường cao tốc kết nối đến tỉnh Bình Phước… nhằm tạo tiền đề cho phát triển logistic và TOD toàn diện (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
Tuyến đường sắt số 1 của Bình Dương sẽ nối với tuyến metro số 1 của TP.HCM tại Suối Tiên. Trong ảnh tuyến metro số 1 của TP.HCM đang hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn
Để sớm thực hiện các dự án giao thông liên vùng, tỉnh Bình Dương đề xuất Chính phủ Nhật Bản và JICA hỗ trợ thu xếp nguồn vốn vay ODA 543 tỷ yên để triển khai 3 dự án gồm: xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM từ ga cuối Suối Tiên đến Thành phố mới Bình Dương; cải tạo hạ tầng giao thông công cộng trên toàn tỉnh và tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép dài 127,45 km.
Ủng hộ những đề xuất, kiến nghị của Bình Dương đối với các dự án hạ tầng giao thông ông Saotome Jun cho biết, JICA sẽ phối hợp tổ chức các phiên làm việc cụ thể để lên phương án thực hiện các dự án sớm nhất có thể.
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã vay vốn ODA của Nhật Bản để đầu tư 2 dự án gồm: cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1, giai đoạn 2; dự án thoát nước, xử lý nước sinh hoạt tại Thành phố Thủ Dầu Một và Thành phố Thuận An.
Gia Lai: Giá vật liệu tăng tác động đến tiến độ các công trình trọng điểm
Ngày 23/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, cho biết, các đơn vị đang đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn và tiến độ thi công các Dự án trọng điểm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022 là 1.143.098 triệu đồng. Trong đó, giải ngân đến ngày 30/7/2022 là 213.372 triệu đồng (mới đạt 18,65% ). Dự kiến giải ngân đến 31/1/2023 là 987.480 triệu đồng (đạt 86,32% kế hoạch).
Một đoạn Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Thanh Chung |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho hay, năm 2022 là năm triển khai nhiều dự án khởi công mới của giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đối với các dự án khởi công mới, mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt, đấu thầu.., phải đến cuối năm mới khởi công công trình, nên những tháng đầu năm giải ngân đạt thấp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, giá cả nhiên liệu, vật tư, vật liệu tăng đột biến đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu thi công, đặc biệt là các dự án ký hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định, khởi công vào các năm 2020, 2021.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những dự án trọng điểm như: Dự án Tuyến giao thông biên giới cấp bách huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (khởi công tháng 12/2020, dự kiến hoàn thành tháng 11/2022); Dự án Đường liên huyện Chư Sê – Chư Pưh – Chư Prông, tỉnh Gia Lai (khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2022; Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Tỉnh 663 (khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023); Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Tỉnh 664 (khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, những tháng cuối năm 2021, tại huyện Chư Pưh xảy ra “sốt đất”, kéo theo giá đất ở, đất nông nghiệp tăng cao đột biến. Hệ lụy là một số hộ dân không đồng tình với mức giá đền bù của nhà nước. Ngoài ra, tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong trong phạm vi khoảng 2km.
Bộ Giao thông – Vận tải “bật đèn xanh” cho phương án đầu tư sân bay Nà Sản theo phương án PPP
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Sơn La liên quan đến việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ khảo sát sân bay Nà Sản (Sơn La) ngày 28/5/2022. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tháng 12/2021, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”.
Trước nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và cảng hàng không nói riêng, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư đối với từng nhóm cảng hàng không trong hệ thống cảng hàng không của Việt Nam.
Cụ thể, Cảng hàng không Nà Sản thuộc nhóm cảng hàng không ở vùng núi, hải đảo, khả năng cân đối nguồn thu-chi khó khăn và có công suất quy hoạch dưới 5 triệu hành khách/năm; được định hướng chuyển giao các công trình kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.
Tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định: để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý, vận hành, duy trì điều kiện khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu, trừ các trường hợp do Nhà nước trực tiếp đầu tư và các công trình quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp doanh nghiệp cảng hàng không không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển cảng hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật”.
Do đó, trong điều kiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư và vốn ngân sách nhà nước còn khó khăn, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương kêu gọi các nguồn lực để đầu tư Cảng hàng không Nà Sản, trong đó huy động từ phương thức PPP.
“Sau khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện về Quy hoạch, Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Cảng hàng không Nà Sản”, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Được biết, Cảng hàng không Nà Sản đã dừng hoạt động từ năm 2004 do nhu cầu sử dụng và hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu khai thác.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-BGTVT ngày 21/01/2015 với quy mô cấp sân bay 4C, giai đoạn 2030 đáp ứng công suất khoảng 1,5 triệu hành khách/năm.
Theo hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống Cảng hàng không) được Bộ GTVT tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Nà Sản tiếp tục được đề xuất quy hoạch trong hệ thống Cảng hàng không; theo đó giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.
Do đó, sau khi Quy hoạch hệ thống Cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến trong quý II/2022), cần triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản thời kỳ năm 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu đầu tư, phát triển Cảng hàng không Nà Sản.
Hiện nay, Cảng hàng không Nà Sản vẫn thuộc phạm vi quản lý của ACV. Vào tháng 3/2022, ACV đã báo cáo Bộ GTVT về rà soát, khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đối với công trình thiết yếu tại các Cảng hàng không do ACV đang quản lý khai thác, trong đó đối với Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản, ACV chưa có kế hoạch thực hiện đầu tư trong giai đoạn này.
Hồi sinh Thủy điện Xecaman 3
Sau gần 6 năm được chủ đầu tư dồn lực khắc phục sự cố, Thủy điện Xecaman 3 đã phát điện trở lại, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để Dự án thực sự hồi sinh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Đoàn công tác của hai Ủy ban Hợp tác Việt – Lào, Lào – Việt kiểm tra Dự án Thủy điện Xecaman 3 |
Tổ máy số 1 đã hòa lưới điện vào ngày 17/5/2022, còn Tổ máy số 2 đã hòa lưới điện Việt Nam vào ngày 27/5/2022. Đây là thông tin quan trọng được ông Phùng Minh Chà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện Việt Lào (VietLao Power) báo cáo với Đoàn công tác của hai Ủy ban Hợp tác Việt – Lào, Lào – Việt đi kiểm tra các dự án đầu tư tại Lào mới đây.
Thông tin trên quan trọng không chỉ với riêng VietLao Power, mà cả với quan hệ hợp tác đầu tư, hợp tác hữu nghị Việt – Lào. Cả hai tổ máy đã phát điện cũng có nghĩa Xecaman 3 – dự án mà theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt – Lào, là nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hai nước – đã “hồi sinh”.
Xecaman 3 là dự án nằm trong hiệp định hợp tác năng lượng giữa hai Chính phủ Việt – Lào, được đầu tư xây dựng trên sông Nậm Pagnou, tỉnh Sekong (Lào) và do hai cổ đông chính là VietLao Power (85% vốn) và Tổng công ty Điện lực Lào (EDL, 15% vốn) hợp tác đầu tư.
Là dự án đầu tiên do Việt Nam đầu tư tại Lào theo hình thức BOT, với thời gian vận hành 25 năm, Xecaman 3 có số phận khá long đong. Khởi công từ đầu tháng 4/2006, Xecaman 3 bắt đầu vận hành vào giữa năm 2013. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau khi phát điện lần đầu, tháng 10/2013, Xecaman 3 đã phát sinh sự cố.
Sau khi tiến hành sửa chữa, Nhà máy đã vận hành trở lại, nhưng đến ngày 16/12/2016, lại có sự cố ở đường ống áp lực và mái đào thượng lưu nhà máy. Sự cố này đã khiến Xecaman 3 nằm “đắp chiếu” hơn 5 năm. Thậm chí, đã có thời điểm, tưởng chừng quyết định “khai tử” Xecaman 3 sẽ được đưa ra.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực phi thường, chủ đầu tư đã dồn mọi nguồn lực để xử lý vĩnh viễn sự cố tại Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ hai nước Việt – Lào. “Nếu không đến tận nơi, sẽ khó có thể tin rằng, Xecaman 3 đã phát điện trở lại”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay, tổng vốn đầu tư của Xecaman 3 đã tăng gần gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. “Điều này cho thấy quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư, nhưng cũng cho thấy những thiệt thòi mà chủ đầu tư phải gánh chịu. Nếu suôn sẻ phát điện từ năm 2013, Dự án đã có thể thu hồi được vốn”, ông Vũ Văn Chung nói.
Theo thông tin từ ông Hoàng Minh Thuận, Phó tổng giám đốc VietLao Power, tổng sản lượng điện phát ra bán 100% về Việt Nam kể từ khi phát điện trở lại đến cuối tháng 6/2022 là 163,39 triệu kWh điện. Còn nếu tính lũy kế, con số là 2,34 tỷ kWh điện. Những con số đã ghi dấu sự nỗ lực của VietLao Power.
Xecaman 3 đã vận hành trở lại, nhưng để Dự án thực sự hồi sinh, vẫn còn vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phùng Minh Chà cho biết, cái khó lớn nhất với Xecaman 3 chính là cơ chế giá điện. Điều này cũng đã được VietLao Power báo cáo tới Đoàn công tác của hai Ủy ban Hợp tác Việt – Lào, Lào – Việt.
Thông tin cho biết, Chính phủ Lào đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép Thủy điện Xecaman 3 được gia hạn thời gian vận hành 25 năm, kể từ thời điểm Dự án vận hành phát điện an toàn trở lại. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Lào, hàng loạt hạng mục của Dự án cần phải được hoàn thiện, như nâng cấp khu nhà ở và làm việc, cải tạo sửa chữa hệ thống giao thông ra – vào Dự án, đường giao thông nội bộ…
“Công ty đang gặp khó khăn trong việc thu xếp kinh phí để triển khai”, ông Phùng Minh Chà cho biết.
Kinh phí hoàn thiện Dự án chỉ là một phần. Phần khác, quan trọng hơn, đó là cơ chế giá điện chưa được điều chỉnh để làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng BOT mới.
Hiện nay, giá điện được áp dụng với Xecaman 3, theo hợp đồng được ký từ năm 2006, với giá điện bậc 1 là 4,5 UScent/kWh, cộng thêm trượt giá 2,25% cho sản lượng điện bán về Việt Nam. VietLao Power đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh giá bán điện từ Dự án về Việt Nam theo mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quy định tại Văn bản số 241/TTg-QHQT, với giá bán điện bình quân cho loại hình thủy điện là 6,95 UScent/kWh.
“Mức giá này cũng đã được Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Ủy ban Hợp tác Lào – Việt đề nghị”, ông Chà cho biết.
Hơn nữa, VietLao Power còn kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm xem xét quy định nguyên tắc và khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam từ thời điểm ngày 1/1/2026 để tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư Thủy điện Xecaman 4, cũng như các dự án thủy điện khác.
“Chúng tôi rất mong Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung của hợp đồng mua bán điện để điều chỉnh giá điện, làm cơ sở cho Dự án bán điện sang Việt Nam”, ông Chà bày tỏ.
Như vậy, trong câu chuyện hồi sinh Xecaman 3, “bóng” đang ở trong “chân” Bộ Công thương và EVN. Nếu cơ chế giá điện sớm được quyết, Xecaman 3 sẽ sớm hoạt động ổn định trở lại.
Ngoài Xecaman 3, VietLao Power còn đầu tư Xecaman 1 và đang chuẩn bị cho Xecaman 4. Theo dự kiến, cuối năm nay, Xecaman 1 và 3 sẽ được khánh thành. Cơ chế giá điện từ sau năm 2025 cũng rất quan trọng và cần thiết cho các dự án này.
Trên thực tế, Chính phủ, Ủy ban Hợp tác hai nước đều rất quan tâm thúc đẩy Dự án Thủy điện Xecaman 3. Trong các cuộc làm việc của Thứ trưởng Trần Quốc Phương với Ủy ban Hợp tác Lào – Việt và cao hơn là với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ, cũng như Phó thủ tướng Chính phủ Lào Xỏnxay Sỉ-phăn-đon, cả hai phía đều cam kết tạo thuận lợi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước sớm tháo gỡ khó khăn cho Dự án.
Bổ sung bến cảng Phước Đông – Long An vào quy hoạch cảng biển Đông Nam Bộ
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Long An; Cục Hàng hải Việt Nam; Công ty cổ phần IMG Phước Đông về việc bổ sung bến cảng Phước Đông tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào Quy hoạch Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5).
Phối cảnh cảng Phước Đông. |
Theo Bộ GTVT, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Vàm Cỏ thuộc cảng biển Long An, bao gồm phạm vi vùng đất và vùng nước trên sông Vàm Cỏ, đoạn từ hạ lưu cầu Mỹ Lợi đến Kênh nước mặn có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu cho khu công nghiệp, có bến cảng tổng hợp, công ten nơ, hàng rời; cỡ tàu đến 20.000 tấn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng sông Vàm Cỏ.
“Như vậy, đề xuất của Công ty CP IMG Phước Đông về việc bổ sung bến cảng Phước Đông tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước gồm các bến cảng tổng hợp, container, hàng rời với cỡ tàu đến 20.000 tấn là phù hợp với định hướng quy hoạch khu bến Vàm Cỏ trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam”, Bộ GTVT cho biết.
Về phân kỳ đầu tư bến cảng, theo Bộ GTVT, trong giai đoạn trước năm 2030, Công ty cổ phần IMG Phước Đông đề xuất bổ sung 4 cầu cảng với tổng chiều dài 642 m cho tàu từ 10.000 – 20.000 tấn, công suất khoảng 1,5 triệu tấn (gồm 0,75 triệu tấn nguyên vật liệu thành phẩm Nhà máy dầu thực vật Tân Bình1 và 0,74 triệu tấn phục vụ nhu cầu chung khu công nghiệp) là có cơ sở và cần thiết.
Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung 4 cầu cảng với tổng chiều dài 642 m cho tàu từ 10.000 – 20.000 tấn vào Quy hoạch chi tiết của Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như đề nghị của Công ty CP IMG Phước Đông .
“Đề nghị Chủ đầu tư tính toán, cân nhắc đầu tư các bến liên tục, bố trí dây chuyền công nghệ ứng dụng khoa học, hiện đại nhằm phát huy tối đa hiệu suất khai thác các bến cảng, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung của toàn bộ Dự án”, Bộ GTVT nêu quan điểm.
Đối với giai đoạn sau năm 2030, Công ty cổ phần IMG Phước Đông đề xuất bổ sung thêm 6 cầu cảng, tổng chiều dài 1.158 m, công suất khoảng 4,5 triệu/năm phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa của Khu công nghiệp Phước Đông và hàng hóa tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
Theo Bộ GTVT, đề xuất này sẽ được xem xét trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4 và Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Long An trên cơ sở phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế các Khu công nghiệp của địa phương, các bến cảng khác thuộc cảng biển Long An và cảng biển trong khu vực.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, các sở, ban ngành của tỉnh và Chủ đầu tư rà soát quy hoạch phân khu xây dựng bến cảng Phước Đông và phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình lập Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 5 và Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Long An để đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phân khu chức năng cảng với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch trung ương và các quy hoạch có liên quan của địa phương, đảm bảo an toàn thoát lũ, an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
Công ty cổ phần IMG Phước Đông có trách nhiệm triển khai các bước tiếp theo tuân thủ các quy định chuyên ngành hàng hải, quy định về đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác bến cảng.
Hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI cam kết đầu tư vào Quảng Ninh
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh Hội tụ và lan toả” được tổ chức chiều 26/7, nhân sự kiện Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) tại TP. Hạ Long.
Đây cũng là Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên trong năm 2022 của Quảng Ninh, với sự tham dự của các thành viên ABAC đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là các tập đoàn lớn trên thế giới, hoạt động những lĩnh vực ngành nghề mà Quảng Ninh định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư.
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (đứng bên phải) tại KCN Sông Khoai nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3), với tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD. Ảnh: Thu Lê. |
Có thể nhắc tới lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thiết bị điện tử với sự có mặt của Tập đoàn NEC Corporation (tập đoàn điện tử và công nghệ thông tin đa quốc gia của Nhật Bản), Tập đoàn Quanta Computer (một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới), Tập đoàn BAE Systems plc (công ty vũ trụ, an ninh và vũ trụ đa quốc gia của Anh, lớn nhất ở châu Âu và được xếp hạng lớn thứ bảy trên thế giới dựa trên doanh thu hiện hành năm 2021).
Hay Tập đoàn UPS – United Parcel Service – một trong những doanh nghiệp chuyển phát nhanh lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ); Tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực năng lượng như Manufacturing Council of PNG….
Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của một số tổ chức quốc tế uy tín như Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF), Liên đoàn ngành công nghiệp Thái Lan (FTI)…
Tại Hội nghị, hai nhà đầu tư nước ngoài lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với tổng vốn hơn 1,5 tỷ USD vào Quảng Ninh.
Cụ thể, Công ty CP Hoá dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP).
Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại lô đất CN5 của KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.
Có ba dự án mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại Hội nghị với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD.
Trong đó, Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C được trao cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong. Dự án có tổng mức đầu tư là 20,5 triệu, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại tại KCN Bắc Tiền Phong.
Dự án thứ hai là Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, với tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD.
Dự án thứ ba là của Jinko Solar Việt Nam, có tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD, đầu tư Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên để phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai.
Nhiều lợi thế so sánh nổi trội
Trong khuôn khổ của Hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu đến các nhà đầu tư các lợi thế so sánh nổi trội của Quảng Ninh. Theo ông Văn, lợi thế lớn nhất đến từ vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế khi là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Lợi thế thứ hai đến từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, địa hình đa đạng vừa có biển, vừa có rừng, núi cùng với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái tử Long, có tiềm năng nổi trội trong phát triển kinh tế biển và hệ thống cảng biển trải dài đang dần hình thành.
Lợi thế thứ ba là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Tỉnh dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy – hàng hải quốc tế). Đặc biệt, Quảng Ninh có tuyến cao tốc dài hơn 200 km chạy dọc suốt tỉnh (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước), giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ và đến thành phố Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ di chuyển.
Lợi thế thứ tư trong thu hút đầu tư của Quảng Ninh chính là hệ thống hạ tầng “mềm”. Môi trường đầu tư – kinh doanh 5 năm liên tiếp đứng thứ nhất Việt Nam; thành lập tổ công tác hỗ trợ mọi thủ tục đầu tư, xây dựng, sản xuất – kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động của Dự án.
Lợi thế thứ năm nằm ở diện tích công nghiệp lớn. Quảng Ninh hiện có 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc… Hiện tại đã có 548,61 ha đất công nghiệp được đầu tư hạ tầng có thể sẵn sàng cho các nhà đầu tư thuê, đến năm 2025 có 3.658 ha và đến năm 2030 có 5.904 ha. Nhiều lợi thế khác về nguồn lao động, hạ tầng điện nước cũng được giới thiệu đến nhà đầu tư.
Dưới sự điều phối của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đặt các câu hỏi với chính quyền tỉnh Quảng Ninh về môi trường đầu tư, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh tại phiên thảo luận, với chủ đề “Quảng Ninh – Điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham dự cũng đã có đánh giá cao về lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư.
Ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu đánh giá: “Tỉnh Quảng Ninh được các nhà đầu tư của châu Âu biết đến rất nhiều do những lợi ích liên quan đến hậu cần, vị trí. Đó không phải là thành tựu tự nhiên có được mà là kết quả của chiến lược mang tính chất dài hạn, tầm nhìn lâu dài của Quảng Ninh”.
Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được Quảng Ninh được thiết lập, vận hành hiệu quả như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor Care…
Đáng chú ý, năm 2021, sau dự án sản xuất tế bào quang điện của Tập đoàn Jinko Solar với tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 triệu USD được chấp thuận trong 48 giờ, đến nay, Tập đoàn Jinko Solar tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD; đây là minh chứng sống động về môi trường đầu tư thông thoáng đã thực sự thuyến phục được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có uy tín đầu tư vào Quảng Ninh.
Quảng Ngãi tìm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Bàu Giang rộng 49 ha
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định chấp nhận chủ trương đầu tưDự án Khu đô thị Bàu Giang, địa điểm thực hiện tại 2 phường Chánh Lộ, Nghĩa Lộ thuộc TP. Quảng Ngãi và xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án qua hình thức đấu thầu.
Dự án Khu đô thị Bàu Giang có mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị mới văn minh, hiện đại, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội gắn kết chặt chẽ với cảnh quan xung quanh, phù hợp với định hướng quy hoạch của TP. Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa; tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.318 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án sơ bộ là 3.211 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án trong vòng 6 năm kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn.
Dự án này có quy mô diện tích 49 ha, gồm có 294 căn nhà ở nằm trên trục đường Phan Đình Phùng nổi dài, Trần Quang Khải và đường phía Bắc dọc sông Bàu Giang; đất ở bán nền với 795 lô đất; đất nhà ở xã hội với 274 căn nhà…
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải thực hiện đầy đủ nội dung kiến nghị nêu tại Báo cáo thẩm định số 196 ngày 4/7/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; tính toán, cân đối nguồn lực đầu tư theo quy định để đầu tư hệ thống tiêu, thoát nước và các tuyến cầu kết nối giữa TP. Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thoát lũ cho khu vực, không gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
Hà Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Chiều 26/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Nam. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được coi là công tác quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, giúp cho chương trình phát triển và phục hồi kinh tế của cả nước.
Với nhiều giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng và nỗ lực, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đã có bước cải thiện nhất định. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương chậm so với yêu cầu.
Để hiện thực hóa cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công cả năm của các địa phương, các Tổ công tác cần làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tổng hợp lại các vấn đề về cơ chế chính sách và đề xuất các nhiệm vụ giải pháp nhằm đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu.
Báo cáo về tình hình giao kế hoạch đầu tư công tính đến ngày 15/7/2022, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn trung ương giao là do số vốn nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay ODA) chưa giao (19.255 triệu đồng). Do vốn vay lại của các Dự án ODA phải bố trí theo tỷ lệ với số vốn cấp phát.
Năm 2022 số vốn ODA cấp phát được giao kế hoạch 2022 là 29.569 triệu đồng, theo tỷ lệ số vốn được giao kế hoạch tương ứng là 51.245 triệu đồng. Tỉnh Hà Nam đã có văn bản về việc hoàn trả nguồn bội chi ngân sách địa phương năm 2022 với số vốn 19.255 triệu đồng.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 15/7/2022, tổng số vốn đã giải ngân 1.332.662 triệu đồng, đạt 31,8% kế hoạch tỉnh giao đầu năm và bằng 25,4% so với kế hoạch tỉnh giao bổ sung; vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 đã giải ngân là 71.518 triệu đồng, bằng 10,4% kế hoạch vốn kéo dài.
Các khó khăn, vướng mắc được ông Huy nêu ra như một số dự án sử dụng ngân sách trung ương phải thực hiện chủ trương đầu tư do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định khiến thời gian thực hiện kéo dài. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đối với khu du lịch Tam Chúc chưa được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa tổ chức triển khai thực hiện.
Về các giải pháp triển khai năm 2022, tỉnh Hà Nam xác định việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư các dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm khởi công năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn cho giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện dự án; Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND các huyện, thị xã, các sở, ngành của tỉnh Hà Nam đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong trình tự thực hiện thủ tục của dự án đầu tư công, trong đó nhấn mạnh vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; đất đai; khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường; quy hoạch dự án đầu tư, khu tái định cư; đấu nối các tuyến đường giao thông;…
Các vấn đề nêu ra đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải làm rõ.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Hà Nam trong việc chuẩn bị báo cáo tương đối đầy đủ, nêu được những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề chậm trễ, thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cam kết của mình, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Hà Nam cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công điện, hướng dẫn của các bộ, ngành. Bám sát tình hình thực tế của từng dự án để xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc giải ngân để có cơ sở triển khai, giám sát, thực hiện; phát huy cơ chế tổ liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, trình độ ban quản lý dự án, chủ đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Nam, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải nhanh chóng trao đổi với Tổ công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề được nêu và đề nghị tỉnh Hà Nam tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, bám sát tình hình thực tế để triển khai các dự án theo đúng lộ trình cam kết.
Hải Dương khởi công dự án đường giao thông Đông – Tây huyện Kim Thành giai đoạn 1
Ngày 27/7, UBND huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương khởi công dự án đường giao thông Đông – Tây, huyện Kim Thành (giai đoạn 1).
Đây là 1 trong 2 Dự án trọng điểm của huyện Kim Thành trong nhiệm kỳ 2020-2025 được HĐND tỉnh Hải Dương giao cấp huyện thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 – 2025.
Các đại biểu, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành và nhà thầu thi công thực hiện nghi lễ khởi công công trình. Ảnh: Hà Vy |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, công trình xây dựng đường giao thông trục Đông – Tây huyện Kim Thành giai đoạn 1 được tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư.
Nguồn lực đầu tư từ kinh phí chuyển quyền sử dụng đất các dự án khu dân cư, khu đô thị theo cơ chế huyện được hưởng 100% tiền đấu giá sử dụng đất. Đây cũng là chủ trương mới của tỉnh và là công trình thứ hai sau công trình đường vành đai I của TP. Hải Dương thực hiện cơ chế này.
Công trình khởi công có ý nghĩa quan trọng, từng bước hiện thực hoá các công trình, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần nâng cao năng lực quản lý dự án của địa phương, phá điểm nghẽn trong giao thông của huyện.
Tuyến đường hoàn thiện có tổng chiều dài khoảng 14,72 km, điểm đầu tại Km 0, giao với đường trục Bắc Nam tỉnh Hải Dương thuộc địa phận xã Cổ Dũng; điểm cuối tại Km 14+720 thuộc địa phận xã Tam Kỳ. Tuyến đường quy hoạch 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, quy mô đường cấp II đồng bằng (chiều rộng nền đường 24 m), tốc độ thiết kế là 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 1.497 tỷ đồng và được chia thành 3 giai đoạn.
Công trình giao thông đường trục Đông – Tây huyện Kim Thành giai đoạn 1 dài 3,68 km, quy mô đường cấp III (nền đường 12m, mặt đường 11m), tổng mức đầu tư 232,47 tỷ đồng được phân bổ từ nguồn ngân sách huyện. Giai đoạn 1 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Giai đoạn II của dự án 2023-2024, đầu tư từ nút giao Ngũ Phúc đến Tam Kỳ, tổng chiều dài 7,72 km, tổng mức đầu tư 347,35 tỷ đồng.
Giai đoạn III (2024-2025) sẽ đầu tư từ đường trục Bắc Nam tỉnh Hải Dương đến nút giao với nhánh nối nút giao Quốc lộ 5A, tổng chiều dài 4,25 km, tổng mức đầu tư 222,94 tỷ đồng.
Từ năm 2025 trở đi tiếp tục đầu tư đường trục Đông – Tây và nhánh nối với nút giao Quốc lộ 5A, tổng mức đầu tư 694,46 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, tuy giai đoạn 1 của tuyến đường ngắn nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để huyện triển khai Dự án Xây dựng công trình nút giao lập thể quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên, dự kiến khởi công vào năm 2023. Đây là công trình giao thông quan trọng kết nối các tuyến QL18 – QL5 – Cao tốc Hà Nội Hải Phòng qua Thị xã Đông Triều, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Thanh Hà.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành tuyến đường giao thông Đông – Tây, huyện Kim Thành sẽ kết nối với trục Bắc Nam của tỉnh Hải Dương và mở rộng hướng phát triển về phía Nam của huyện, thay thế dần Quốc lộ 17B đoạn qua huyện Kim Thành hiện nay, đồng thời, kết nối với các Khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, TP. Hải Phòng.
Khi các công trình giao thông trên hoàn thành sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế huyện Kim Thành nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Đồng thời, hình thành trục vành đai giao thông kết nối các trục giao thông hiện có và các khu công nghiệp; nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, dần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực và quốc gia; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội khu vực giáp ranh các tỉnh, thành phố là Quảng Ninh – Hải Dương – Hải Phòng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các sở ngành tháo gỡ, hỗ trợ huyện về thủ tục đầu tư, UBND tỉnh hỗ trợ huyện Kim Thành tối đa trong triển khai thực hiện dự án; khẩn trương quyết liệt để đảm bảo tiến độ và chuẩn bị tốt cho triển khai công trình trọng điểm thứ hai của nhiệm kỳ này; đề nghị phía nhà thầu khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình đúng tiến độ, với chất lượng cao nhất, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Thừa Thiên Huế tổ chức chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản
Từ ngày 25 đến 27/7, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư, trao đổi hợp tác và quảng bá du lịch, thương mại tại Nhật Bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã tham gia sự kiện Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Vùng Kyusshu” tại tỉnh Fukuoka, hội chợ triển lãm các hình ảnh và một số sản phẩm của các đơn vị liên doanh Việt – Nhật và sản phẩm đặc trưng của các địa phương liên kết tại tỉnh Fukuoka. Triển lãm có sự góp mặt của hơn 20 doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản với 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các thế mạnh, tiềm năng, cơ hội, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, ẩm thực, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, biểu diễn nghệ thuật… của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Ngày 26/7, diễn đàn xúc tiến hợp tác nhiều mặt Kyushu – Việt Nam đã diễn ra với các chuyên đề về hợp tác nguồn nhân lực, về nông nghiệp, về IT và chuyển đổi số, thảo luận giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam về các lĩnh vực khác như: y tế, môi trường, công nghệ cao, công nghệ thông tin, cơ khí máy móc, du lịch, văn hóa, khu công nghiệp, hữu nghị nhân dân.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong tổng thể Chương trình xúc tiến hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với tỉnh Fukuoka và khu vực Kyushu do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam phối hợp với chính quyền tỉnh Fukuoka tổ chức, dưới sự bảo trợ của nhiều cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp… tại Fukuoka và khu vực Kyushu (8 tỉnh phía Nam của Nhật Bản). Cùng tham dự sự kiện này, về phía Việt Nam, ngoài đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có sự tham gia của thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang và Quảng Ngãi.
Trong kế hoạch chuyến công tác, Đoàn sẽ tiếp tục có các cuộc gặp gỡ xã giao và trao đổi với lãnh đạo phủ Kyoto, tỉnh Gifu và phủ Osaka về kinh nghiệm kêu gọi hợp tác đầu tư, quản lý quy hoạch, nhất là phương thức xây dựng tuyến phố xe đạp, phát triển các hình thức du lịch; bàn về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Đoàn cũng sẽ có chương trình thăm và khảo sát thực tế một số tuyến xe đạp, điểm đến du lịch và hệ thống siêu thị Aeon Mall (đang có Dự án sẽ triển khai trên địa bàn thành phố Huế).
Ưu tiên đầu tư các trạm dừng nghỉ tại 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam
Chủ đầu tư 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2022 dự kiến hoàn thành trong năm 2022 sẽ phải triển khai sớm xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến.
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong Thông báo số 289/TB – BGTVT ngày 25/7/2022 tại cuộc họp về đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Cụ thể, để đảm bảo có hệ thống trạm dừng nghỉ dọc tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người tham gia giao thông khi đưa các Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào khai thác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải có giải pháp xử lý phù hợp để đáp ứng tiến độ hoàn thành xây dựng trạm dừng nghỉ. Trước mắt, ưu tiên đầu tư xây dựng để hoàn thành các trạm dừng nghỉ đối với 4 Dự án thành phần sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – TEDI rà soát lại toàn bộ quy hoạch để phân loại lại toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông khẩn trương báo cáo Bộ trước ngày 5/8/2022. 3.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Thông tư quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục Dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
“Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Dự thảo Thông tư, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo thông tư để trình Bộ GTVT đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chức năng cơ bản phục vụ hoạt động đường cao 2 tốc theo yêu cầu để ban hành Thông tư trong quý IV/2022 làm sở thực hiện các bước đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Vụ Đối tác công tư, Ban Quản lý dự án 6 được giao trong quá trình thực hiện việc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong hai giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 cần rà soát các Nghị quyết của Chính phủ để nghiên cứu các hình thức đầu tư, báo cáo kiến nghị hình thức đầu tư phù hợp, xác định nguồn vốn, phương thức thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đầu tư trạm dừng nghỉ ở vị trí nào, Bộ trưởng Bộ GTVT giao cho Ban quản lý đang quản lý đầu tư đường cao tốc tại khu vực đó thực hiện với quy mô trạm dừng nghỉ chỉ giải phóng mặt bằng; các nhà đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng, làm đường vào, đường ra, vệ sinh, cây xanh, kinh doanh dịch vụ… đạt quy chuẩn trạm dừng nghỉ theo yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT phân công Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung công việc nêu trên, tổ chức họp, trao đổi với các Bộ, ngành (nếu cần) về đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đảm bảo theo quy định.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài là 652,86km, được chia thành 11 dự án thành phần.
Trong đó có 1 dự án thành phần đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 2/2022; 4 dự án thành phần (Mai Sơn – QL45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây ) với chiều dài 361,47km dự kiến hoàn thành năm 2022;
4 dự án thành phần (QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2) với chiều dài 148,39km dự kiến hoàn thành năm 2023;
2 dự án thành phần (Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo) với chiều dài 127,8km dự kiến hoàn thành năm 2024
Bộ Giao thông – Vận tải thúc Đồng Nai bàn giao sớm mặt bằng thi công đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ GPMB để khởi công thi công Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1, thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo Bộ GTVT, đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến đường quan trọng kết nối giao thông khu vực TP.HCM với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng.
Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM vào tháng 2/2016 bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và đang triển khai bước thực hiện dự án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tính đến ngày 4/7/2022, địa phương đã bàn giao cho Dự án được 1.100m/6.300m đạt 17,5% (gồm 460m/1.300m phần mặt nước sông Đồng Nai gói thầu CW1 và 640m/5.000m đường dẫn gói thầu CW2) và phạm vi mặt bằng còn lại đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm kê.
Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng cầu Nhơn Trạch và dự kiến Khởi công thi công trong tháng 7/2022.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhà tài trợ (EDCF) và hợp đồng thi công, điều kiện Khởi công dự án là cơ bản hoàn thành GPMB để tránh phát sinh khiếu kiện của nhà thầu quốc tế đòi bồi thường dừng chờ do chưa nhận đủ mặt bằng thi công; mặt khác, dự án đi qua vùng có địa chất phức tạp nên cần có thời gian xử lý nền đất yếu.
Vì vậy, để có mặt bằng thi công đảm bảo hoàn thành dự án đúng kế hoạch, Bộ GTVT đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND huyện Nhơn Trạch và các Sở, ngành của địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục bố trí bổ sung đủ kinh phí bồi thường GPMB còn lại cho dự án khoảng 466,4 tỷ đồng và tiếp tục chi trả bồi thường trong nguồn vốn 184,6 tỷ địa phương đã bố trí cho dự án.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần đẩy nhanh giải quyết các thủ tục bồi thường để sớm hoàn thành, bàn giao mặt bằng phạm vi còn lại cho dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km, gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM. Dự án có điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đoạn đường có tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư theo dự kiến ban đầu là 5.329 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Gia Lai tiếp tục khắc phục tồn tại trong đầu tư điện mặt trời mái nhà
Sở Công thương tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực Gia Lai; chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà về việc tiếp tục khắc phục các tồn tại liên quan đến việc triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả nhằm thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sở Công thương cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định tuy nhiên, việc đầu tư phát triển nhanh trong thời gian ngắn nên đã phát sinh một số hệ lụy.
Sở Công thương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà triển khai khắc phục các tồn tại, thiếu sót theo quy định của pháp luật. Đây không phải là căn cứ thực hiện hợp đồng hay thanh toán tiền điện giữa Công ty Điện lực Gia Lai (bên mua) và chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (bên bán).
Theo Sở Công thương Gia Lai, vừa qua, một vài huyện, thị xã chưa thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp. Về vấn đề này, Sở Công thương cho rằng: Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 thì công trình đường dây và trạm biến áp là công trình theo tuyến ngoài đô thị được miễn giấy phép xây dựng, tuy nhiên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình.
Sở Công thương cho hay, mục đích của việc thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp là để đảm bảo hướng tuyến đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp không chồng lấn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các quy hoạch khác của địa phương.
Sở Công thương Gia Lai đề nghị UBND các huyện, thị xã xem xét có văn bản chấp thuận sự tồn tại của đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp trung áp (đang vận hành) hoặc có văn bản thỏa thuận nếu hướng tuyến đường dây và vị trí xây dựng trạm biến áp trung áp không ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các quy hoạch khác của địa phương.
22 dự án FDI đầu tư vào 2 khu công nghiệp ở Lâm Đồng
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, tại Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội có 83 Dự ánđầu tư, trong đó có 22 dự án FDI.
Cụ thể, Khu công nghiệp Lộc Sơn có 50 dự án đầu tư (10 dự án FDI), trong đó có 47 dự án có thuê đất với tổng diện tích đất sử dụng 112,9579 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 94,68% diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng và 84,17% diện tích đất công nghiệp toàn khu; 2 dự án thuê lại nhà xưởng và 1 dự án thuê văn phòng để đặt trụ sở.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn – Phú Hội với tổng diện tích là 47,5 ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trực tiếp cho 20 doanh nghiệp, với tổng diện tích là 46,8443 ha.
Khu công nghiệp Phú Hội hiện có 33 dự án đầu tư (trong đó có 12 dự án FDI) còn hiệu lực với tổng diện tích 61,84 ha – đạt tỷ lệ lấp đầy 96,7 % diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng và 85,76% diện tích đất công nghiệp toàn khu.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn – Phú Hội với tổng diện tích là 39,75 ha; diện tích còn lại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trực tiếp cho doanh nghiệp.
2 khu công nghiệp này thu hút được 5.015 lao động làm việc, trong đó lao động người Việt Nam là 4.975, lao động người nước ngoài là 40 người. Người lao động có thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/người.
Lãnh đạo CMCS chỉ đạo VEC đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc phía Nam
VEC phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ở khu vực phía Nam, đặc biệt là tái khởi động việc thi công toàn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành trong thời gian sớm nhất.
Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trong chuyến kiểm tra thực địa mới đây đối với công tác vận hành và đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc tại khu vực Đông Nam Bộ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo CMSC kiểm tra công trường xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành. |
Tại Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, ông Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận cố gắng của VEC và Công ty cổ phần TASCO, trong việc đưa hệ thống ETC trên tuyến TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác sớm 5 ngày so với chỉ đạo của Chính phủ.
“Việc sớm đưa hệ thống ETC tuyến cao tốc này vào khai thác có ý nghĩa hết sức quan trọng do đây là tuyến cao tốc huyết mạch, có lưu lượng giao thông cao nhất cả nước. Điều này giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiềm môi trường và thuận tiện, tiết kiệm, minh bạch trong công tác quản lý, giám sát thu phí”, ông Cảnh đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch CMSC, trong giai đoạn đầu mới đưa vào khai thác có thể phát sinh những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, đặc biệt tình trạng ùn ứ giao thông tại các trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chủ yếu do tỷ lệ các phương tiện không đủ điều kiện nhưng vẫn đi vào làn ETC.
Do đó, VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ cần tiếp tục đa dạng hóa công tác tuyên truyền; đẩy nhanh công tác dán thẻ, mở tài khoản giao thông cho các chủ phương tiện; nâng cao chất lượng, độ tin cậy của hệ thống. Trong thời gian đầu khai thác phải bố trí nhân sự trực 24/24 để phân làn, phân luồng, đảm bảo giao thông; xử lý, khắc phục các vấn đề liên quan đến thiết bị, phần mềm, trong đó, cần duy trì một số làn xử lý sự cố để giải quyết các trường hợp phát sinh.
Tại buổi đi kiểm tra công trường xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, lãnh đạo CMSC ghi nhận những kết quả bước đầu đối với những nỗ lực của VEC trong việc tái khởi động lại Dự án.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã ngừng thi công từ 2-3 năm, phát sinh nhiều vấn đề với các nhà thầu cần phải giải quyết dứt điểm.
Lãnh đạo CMSC yêu cầu VEC cần tập trung giải quyết dứt điểm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh do dừng thi công như: chi phí dừng chờ, chấm dứt hợp đồng với một số nhà thầu, tổ chức đấu thầu lại, lập phương án quản lý, bảo vệ tài sản đối với những đoạn tuyến đã hoàn thành… Đồng thời, đề xuất phương án xây dựng nút giao với Quốc lộ 51 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Đối với đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn Km 4 – Km 25+920), Phó chủ tịch CMCS cho rằng, việc mở rộng đoạn tuyến này là nhu cầu cấp thiết, do lưu lượng theo thiết kế đã mãn tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; đặc biệt đây là đoạn tuyến kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đưa vào khai thác từ năm 2025.
“Do đó, VEC cần sớm xây dựng các phương án đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với dự án quan trọng này”, ông Cảnh chỉ đạo.
Trước đó, VEC đã có báo cáo ban đầu gửi Bộ GTVT về đề xuất đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với kinh phí đầu tư khoảng trên 9.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn do VEC huy động 100%.
Dự kiến VEC đầu tư mở rộng lên 8 làn xe chạy đoạn từ lý trình km4+514 (điểm nút giao vành đai 2) đến km24+558 (điểm giao với dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với chiều dài khoảng 20 km. Phần cầu, đoạn vành đai 2 – cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (km4+514 – km24+558), đầu tư 8 làn xe, với 2 đơn nguyên cầu. Cầu Long Thành sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên cầu với quy mô bằng quy mô cầu giai đoạn I về phía phải tuyến; khoảng cách giữa hai đơn nguyên cầu là 12,75m.
Quảng Bình đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cao tốc Bắc – Nam
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình vừa cho biết, liên quan đến Dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2021 – 2025), đến nay, các ban quản lý dự án đã hoàn thành công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện xong công tác trích đo hiện trường; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phê duyệt 112,19km/125,86km (đạt tỷ lệ 89,14%).
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành thông báo thu hồi đất và kiểm đếm tài sản trên đất đạt tỷ lệ gần 64%. Các huyện, thị xã, thành phố đã xác định được 871 hộ dân thuộc diện tái định cư; dự kiến bố trí 41 vị trí khu tái định cư với diện tích 85,8 ha và 2.307 ngôi mộ phải di dời và bố trí 14 vị trí, với diện tích là 65,2 ha.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho rằng, về tiến độ triển khai các hạng mục của Dự án Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa phận tỉnh là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước và của tỉnh.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục bám sát các văn bản, chỉ đạo của cấp trên và của tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án.
“Các sở, ngành, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ để phối hợp với ban quản lý dự án; các huyện, thị xã, thành phố nắm tình hình, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện, không để phát sinh các điểm nóng, vấn đề phức tạp, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đúng tiến độ đề ra”, ông Thắng yêu cầu.
Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu Dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên trị giá 9.684 tỷ đồng
Ngày 28/7, tại Điện Biên, đoàn công tác Liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Văn Phú – Invest – Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Thành Lợi đã làm việc với Tỉnh uỷ Điện Biên về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang giai đoạn 1.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng kết luận buổi làm việc với liên danh nhà đầu tư do Đèo Cả đứng đầu về phương án triển khai Dự án đường cao tốc Sơn La – Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang |
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang được hoàn thành sau năm 2030 với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, với quyết tâm của tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 1 (đoạn TP. Điện Biên Phủ – Nút giao Km15+800/QL.279) theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022 – 2030 tại Văn bản số 538/TTg-CN ngày 23/6/2022.
Đoạn tuyến có chiều dài khoảng 42km, đi qua địa phận TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo. Giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe (2 làn xe ô tô + 2 làn dừng khẩn cấp) phù hợp quy định về phân kỳ đường ô tô cao tốc, trong đó trên tuyến dự kiến có 1 vị trí xây dựng hầm xuyên núi.
Đối với Dự án này, Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu để thực hiện huy động vốn bằng hình thức xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ (BTL). Đây được xem là phương án khả thi nhất để thực hiện Dự án vì địa phương không phải bỏ ra số tiền lớn một lần mà có thể trả chậm trong vòng 10 năm. Ngoài ra, về hình thức BTL có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như: Ngân sách nhà nước, vốn từ các nhà đầu tư liên quan cao tốc (Bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, hệ thống năng lượng tái tạo…).
Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 9.684 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư 733 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 4.151 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn thông qua hợp đồng hợp tác BCC, tín dụng…
Tại buổi làm việc, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định là đã: “thấy được sự quyết tâm của địa phương bằng việc tỉnh đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án cao tốc Điện Biên – Sơn La và mời Đèo Cả nghiên cứu triển khai. Dự án này chúng tôi sẽ nghiên cứu thực hiện huy động vốn bằng hình thức BTL đây là hình thức rất mới ở Việt Nam”.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên đánh giá cao tính chuyên nghiệp của Tập đoàn Đèo Cả; đồng thời khẳng định địa phương sẽ bám sát đường găng tiến độ Đèo Cả đề xuất, trong đó phần việc nào của địa phương, địa phương chịu trách nhiệm, phần việc nào của nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hiện tỉnh Điện Biên cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên triển khai các công việc. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên thống nhất liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu lập đề xuất dự án.
“Với quan điểm không đi thì không đến, chúng tôi có niềm tin và sự quyết tâm, phương thức làm việc hiệu quả, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành dự án này”, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên nhấn mạnh.
Tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Sơn La – Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ “nút thắt” về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Để lại một phản hồi