Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962 là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong bài viết được Bộ Ngoại giao công bố ngày 17/7.
Sau khi kề vai sát cánh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hai nước ngày 18/7/1977 ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá hiệp ước này là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai bên không ngừng củng cố và phát triển toàn diện quan hệ trong thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Theo ông, quan hệ Việt – Lào trong 60 năm qua đã đạt nhiều thành tựu trên mọi mặt, trong đó quan hệ chính trị là “là nền tảng vững chắc định hướng cho hợp tác”.
Tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước được duy trì thường xuyên. Nhiều dự án hợp tác mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị, quan hệ đặc biệt Việt – Lào đang phát huy hiệu quả, trong đó có công trình Nhà Quốc hội mới ở Vientiane, quà tặng của Việt Nam, được khánh thành vào năm 2021.
Trong hợp tác quốc phòng, an ninh, một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ song phương, hai nước đã hỗ trợ nhau giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Việt – Lào tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện cho giao lưu, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương dọc biên giới.
Hợp tác kinh tế được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá là “nền tảng lâu dài” cho quan hệ giữa hai nước.
Thương mại song phương tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020. Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2021 vẫn tăng trưởng 33,3%, đạt 1,37 tỷ USD. Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn đạt 5,33 tỷ USD và đứng thứ 3 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.
Trong hợp tác giáo dục – đào tạo, hàng chục nghìn sinh viên trao đổi học tập giữa hai nước. Hợp tác địa phương, khoa học – công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa – xã hội thu nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong phòng chống Covid-19.
Hai nước cũng duy trì ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) hay các diễn đàn khu vực như Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) và mô hình nhóm hợp tác phát triển với láng giềng khu vực.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Việt – Lào phải nỗ lực bảo vệ, gìn giữ và phát triển quan hệ song phương đặc biệt.
Ông cho rằng hai nước cần phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương trên mọi kênh từ cấp trung ương đến ngoại giao nhân dân. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng cần được nâng tầm, nhằm củng cố nền tảng lâu dài, vững chắc cho quan hệ song phương.
“Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, hai nước cũng quyết tâm làm hết sức mình ‘giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ Việt – Lào như giữ gìn con ngươi của mắt mình”‘, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, dẫn lại phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2017.
Thanh Danh
Để lại một phản hồi