Lo Mỹ trừng phạt, Philippines hủy mua 16 trực thăng Nga

Ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng quốc phòng Philippines dưới thời chính quyền tổng thống Rodrigo Duterte, ngày 26/7 tiết lộ ông đã hủy hợp đồng trị giá 227 triệu USD mua 16 trực thăng Mi-17 của Nga. Quyết định này được ông Duterte thông qua tháng trước, ngay trước khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc ngày 30/6.

Lorenzana nói với AP rằng nếu không hủy thương vụ, Philippines có thể “đối mặt lệnh trừng phạt” của Mỹ. Ông cho hay các quan chức an ninh Mỹ đã biết về quyết định của Philippines và có thể cung cấp loại trực thăng tương tự để Manila sử dụng.

Đại sứ Philippines tại Washington Joe Manuel Romualdez nói Manila nguy cơ bị trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu thực hiện hợp đồng với Nga.

Nga và chính quyền mới của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos chưa bình luận về thông tin này.

Trực thăng Mi-17 của Nga có thể được sử dụng trong chiến đấu, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như sơ tán y tế tại Philippines, quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão cùng các thảm họa tự nhiên khác, theo giới chức Philippines.

Theo một quan chức quân sự Philippines giấu tên, hợp đồng với Nga sẽ trải qua “quy trình hủy bỏ” do các bên đều đã đặt bút ký. Phía Nga có thể khiếu nại, nhưng chính phủ Philippines ít có khả năng đổi ý. Theo hợp đồng được ký tháng 11/2021, lô trực thăng Mi-17 đầu tiên dự kiến được giao trong vòng hai năm.

Philippine Defence Secretary Delfin Lorenzana gestures during a Reuters interview at the military headquarters of Camp Aquinaldo in Quezon city, metro Manila, Philippines February 9, 2017. REUTERS/Romeo Ranoco

Ông Delfin Lorenzana khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trả lời phỏng vấn Reuters tại thành phố Quezon, Philippines, ngày 9/2/2017. Ảnh: Reuters.

Quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Mỹ gần đây tiếp tục leo thang sau khi Moskva cuối tháng 2 mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Mỹ cùng các đồng minh đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu Nga.

Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng phương Tây cũng như yêu cầu các nước “không thân thiện” phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble.

Hồi tháng 3, khi được hỏi xung đột ở Ukraine có ảnh hưởng đến thương vụ mua trực thăng hay không, ông Lorenzana cho biết “chưa thấy có khả năng phải hủy hợp đồng vào thời điểm này” và thêm rằng “chỉ thời gian mới trả lời được”.

Khi đó, ông Lorenzana nói Philippines đã tiến hành khoản thanh toán ban đầu vào tháng 1. Hiện chưa rõ khoản thanh toán này sẽ được xử lý thế nào sau khi hợp đồng bị hủy.

Philippines là quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết hồi tháng 3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu Nga lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine và rút toàn bộ binh sĩ về nước. Ông Duterte từng bày tỏ quan ngại về tác động toàn cầu từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng không trực tiếp chỉ trích Moskva.

Như Tâm (Theo AP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*