Moskva hy vọng ông Biden không lôi kéo Arab Saudi ‘chống Nga’

Người ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/7 tuyên bố chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Arab Saudi không nên biến thành cơ hội thúc đẩy mối quan hệ chống lại Nga, trong bối cảnh Washington đang tìm cách thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu ra thị trường để kìm hãm đà tăng giá năng lượng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi đầu tuần cho biết Tổng thống Biden sẽ gặp các lãnh đạo Vùng Vịnh ở Riyadh trong tuần này và kêu gọi các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu nhằm bình ổn giá nhiên liệu.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Nhà triển lãm trung tâm Manezh, Moskva, thủ đô Nga, ngày 23/12/2021. Ảnh: AFP.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Nhà triển lãm trung tâm Manezh, Moskva, thủ đô Nga, ngày 23/12/2021. Ảnh: AFP.

Ông Peskov nói rằng Nga, bên xuất khẩu dầu lớn thứ hai toàn cầu, coi trọng hợp tác với Riyadh trong khuôn khổ OPEC+, nhóm các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

“Nga đang tham gia thỏa thuận OPEC+ và đánh giá cao hợp tác với các đối tác hàng đầu như Arab Saudi”, ông Peskov cho hay. “Moskva hy vọng việc Riyadh xây dựng, phát triển quan hệ với các nước khác sẽ không nhằm chống lại Nga”.

OPEC+ là nhóm gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ được xây dựng năm 2016, khi giá dầu thế giới xuống mức thấp kỷ lục.

Arab Saudi, nước đóng vai trò dẫn dắt OPEC và cũng là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã tăng cường phối hợp với Nga trong xác định hạn ngạch dầu khai thác kể từ năm 2016 thông qua cơ chế OPEC+.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ năm 1970, Tổng thống Biden đã liên tục thúc giục OPEC+ và Arab Saudi tăng sản lượng dầu, song kết quả không được như kỳ vọng.

Hồi đầu tháng 6, OPEC+ đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và 8. Mức này cao hơn 200.000 thùng một ngày so với kế hoạch cũ, nhưng gần như không tác động tới giá dầu thế giới.

Arab Saudi trước đó phớt lờ đề nghị của Mỹ về việc tăng nguồn cung. Họ vẫn tuân thủ hạn ngạch trong thỏa thuận với Nga và các nước khác. Riyadh cũng sẵn sàng ủng hộ Nga tiếp tục là thành viên OPEC+, trong bối cảnh phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva và Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm dầu Nga.

Đức Trung (Theo Reuters, Financial Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*