NATO không định đặt căn cứ ở Thụy Điển, Phần Lan

“Chúng tôi không có kế hoạch thêm hiện diện quân sự ở cả hai nước khi họ đã có lực lượng quốc gia lớn mạnh. Họ có khả năng tự bảo vệ mình”, Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana trả lời phỏng vấn qua điện thoại ngày 5/7, đề cập tới Thụy Điển và Phần Lan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cảnh báo nếu các lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở hai nước, Moskva “sẽ phải có phản ứng tương xứng” và đặt ra những cảnh báo đe dọa tương tự cho những vùng lãnh thổ tiềm ẩn mối đe dọa với Nga.

Phó tổng thư ký NATO nhấn mạnh “chúng tôi không có kế hoạch đặt căn cứ liên minh ở hai quốc gia”, khi Thụy Điển và Phần Lan đều có năng lực chiến lược và quân sự cao.

Binh sĩ huấn luyện tại một thao trường ở tây nam Phần Lan hồi tháng 1. Ảnh:Yle.

Binh sĩ huấn luyện tại một thao trường ở tây nam Phần Lan hồi tháng 1. Ảnh:Yle.

Sau khi quá trình kết nạp được khởi động ngày 5/7, quốc hội ở tất cả 30 nước thành viên sẽ lần lượt xem xét phê duyệt tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đối với Oslo và Helsinki.

Một thỏa thuận đã được thông qua với Thổ Nhĩ Kỳ để loại bỏ những phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh. Song giới quan sát vẫn hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập tức phê duyệt Thụy Điển và Phần Lan.

“Chúng tôi hy vọng quá trình này sẽ được hoàn thành nhanh chóng”, Geoana nói, thêm rằng nhiều quốc gia đã khởi động các bước phê chuẩn dù từ chối đưa ra các mốc thời gian cụ thể.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 5/7 lạc quan rằng các thành viên sẽ thực hiện quá trình phê duyệt nhanh chóng và suôn sẻ.

Phó tổng thư ký Geoana cũng ca ngợi sự ủng hộ của các thành viên NATO và đồng minh đối với Ukraine, khi Kiev đang nỗ lực chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Nhưng ông thừa nhận những lo ngại rằng liệu động lực cung cấp vũ khí cho Ukraine của phương Tây có thể được duy trì trong bao lâu.

“Có những vấn đề với kho dự trữ của các nước đồng minh”, ông nói.

Dự trữ quân sự ở nhiều nước châu Âu có những hạn chế, khi các nước không thể nhanh chóng tăng cường sản xuất vũ khí trong thời gian dài. Tuy nhiên, lãnh đạo NATO khẳng định quyết tâm của các nước phương Tây để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Giới quan sát cảnh báo rằng lãnh đạo các nước phương Tây sẽ đối mặt với những vấn đề dư luận ngày càng tăng và hạn chế về kinh phí, khi hậu quả của xung đột Ukraine ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, lương thực và tài chính.

7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista

7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista

Thanh Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*