Đảo Rắn là một hòn đảo hẻo lánh, khắc nghiệt, lộng gió và phần lớn không có người ở. Tương truyền, đảo đá ở Biển Đen này được thần biển Poseidon tạo ra làm nơi trú ngụ cho chiến binh vĩ đại nhất Hy Lạp Achilles. Và cũng giống như á thần Achilles, hòn đảo nhỏ hình chữ thập đã kinh qua không ít cuộc chiến và gần đây nhất là cuộc giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine.
Đảo Rắn có diện tích khoảng 17 hecta, cách cảng miền nam Odessa của Ukraine khoảng 35 km. Trước chiến sự, Ukraine bố trí đơn vị đồn trú khoảng 100 lính biên phòng bảo vệ đảo. Nga điều lực lượng đổ bộ chiếm đảo ngay từ những ngày đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Kiev gần đây liên tục tuyên bố tấn công lực lượng Nga trên đảo này. Hồi đầu tuần, Ukraine thông báo kiểm soát đảo Rắn sau khi lực lượng Nga rời đi.
Tại ngôi làng đánh cá nhỏ bé Vylkove ở tỉnh Odessa, nơi có cư dân sinh sống gần đảo Rắn nhất, cuộc chiến giành kiểm soát đảo tiền tiêu này thời gian qua đã khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Sóng xung kích từ những vụ nổ trên đảo Rắn làm rung chuyển ngôi làng, dù nó nằm cách hòn đảo gần 50 km.
Yuri Suslov, 43 tuổi, đã đánh cá ở Biển Đen từ khi còn là một cậu bé. “Nơi này từng là một ngôi làng rất yên tĩnh, nhưng khi họ bắt đầu ném bom đảo Rắn, xung quanh đây trở nên rất ồn ào”, anh nói.
Hiện tại, các tuyến đường thủy của Vylkove chảy đến cửa sông Danube, thông ra Biển Đen theo hướng đảo Rắn, đều đã bị chặn bởi các trạm kiểm soát quân sự, “Mọi thứ thật đáng sợ, nhưng tôi không nghĩ người Nga sẽ tấn công chúng tôi”, anh nói. “Bạn biết tại sao mà? Bởi vì chúng tôi ở quá gần Romania, nếu họ vô tình bắn trúng Romania, đó sẽ là hành động gây chiến với NATO”.
“Thật kinh khủng. Máy bay lượn trên đầu chúng tôi và có những tiếng nổ rất lớn. Một số cửa sổ còn bị nứt”, Svitlana, 34 tuổi, hướng dẫn viên du lịch ở Vylkove, cho hay.
Nhưng tồi tệ hơn những vụ nổ là tác động kinh tế. Do xung đột, đánh bắt cá bị cấm và đây là cơn ác mộng đối với ngôi làng được mệnh danh là “Venice của Ukraine”, nơi hầu như sống bằng nghề đánh cá.
“Làng này chủ yếu là ngư dân nhưng họ thậm chí không được phép ra khơi. Đánh bắt cá là nguồn thu nhập chính của họ, vì vậy họ chịu thiệt hại rất lớn về tài chín”, Svitlana nói.
Ngoài ra, gần 25% cư dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Một số cung cấp dịch vụ đi thuyền, sở hữu các công ty du lịch nhỏ hay làm hướng dẫn viên. Và bây giờ mọi hoạt động đó đều không thể diễn ra. Kết quả là khoảng 80% người dân địa phương đang gặp khó khăn. “Chồng tôi từng đánh bắt cá. Chúng tôi giờ đây không có việc làm, mất luôn cả thu nhập”, Svitlana cho biết thêm.
Đảo Rắn thuộc địa phận hành chính của Vylkove nhưng ngay từ khi chiến sự chưa nổ ra, rất ít người có thể đến thăm nó, một phần vì tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa Ukraine và Romania về việc ai là “chủ sở hữu” hợp pháp của hòn đảo.
“Không có chuyến du lịch nào đến đảo Rắn cả. Bạn có thể xin phép lính biên phòng tới đây nhưng thành thật mà nói, nó khá phức tạp và tốn kém”, Svitlana cho biết.
Những người duy nhất được phép đặt chân lên hòn đảo là những quân nhân làm nhiệm vụ tuần tra, các nhà nghiên cứu hay một số thợ lặn được phép thường xuyên khảo sát khu vực.
Vladlen Tobak, người sáng lập một trường dạy lặn ở Odessa, cho biết anh không thể đếm được mình đã đến hòn đảo này bao nhiêu lần. “Có lần tôi đã dành thời gian ở đó với một nhóm các nhà khoa học. Nó có lẽ là điểm lặn tốt nhất ở Ukraine”, ông mô tả.
Ngày nay, vùng biển xung quanh đảo Rắn có hàng nghìn thủy lôi, điều khiến nhiều người tin rằng sẽ cản trở Vylkove trở lại cuộc sống bình thường dù Ukraine đã tái kiểm soát đảo.
Một quan chức Ukraine giấu tên cho hay giới chức đang lên kế hoạch rà phá thủy lôi bằng robot nhưng phải mất vài tháng nữa mới có thể đi vào hoạt động.
Nga tuyên bố họ rút khỏi đảo Rắn như một “cử chỉ thiện chí”, thể hiện rằng họ không cản trở nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm mở một hành lang nhân đạo cho phép vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.
Tầm quan trọng chiến lược của Đảo Rắn nằm ở vị trí gần cửa sông Danube, biến mảnh đất nhỏ bé này thành một pháo đài tự nhiên ngăn chặn tiếp cận con sông dài thứ hai ở châu Âu và là một trung tâm thương mại quan trọng. Mặt khác, ai kiểm soát nó sẽ đồng nghĩa với việc nắm giữ một thành trì quân sự then chốt ở Biển Đen.
Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, nhấn mạnh việc tái kiểm soát đảo Rắn là một “chiến thắng to lớn”. Theo ông, sau khi soái hạm Moskva của Nga bị chìm hồi tháng 4, người Nga muốn biến đảo Rắn thành một trung tâm phòng không và sử dụng nó để kiểm soát toàn bộ phần phía tây của Biển Đen.
“Giờ đây, người Nga không thể làm gì ở khu vực biển này, ngoại trừ việc bắn phá các thành phố của Ukraine bằng tên lửa từ tàu của họ”, ông nói.
Ukraine tuyên bố soái hạm Moskva bị nước này đánh chìm, song Nga không xác nhận. Bộ Quốc phòng Nga cho biết con tàu bị chìm sau một vụ cháy gây nổ kho đạn.
Ở Vylkove, mọi người biết rất rõ rằng số phận của họ liên quan mật thiết đến đảo Rắn. “Nhiều người nghĩ đảo Rắn chỉ là một đảo đá vô dụng giữa biển. Nhưng chúng tôi sống ở đây, cách nó vài km, hiểu rõ rằng không phải như vậy. Chúng tôi biết xung đột chưa kết thúc hoàn toàn và các lực lượng Nga vẫn sẽ cố giành lại nó”, Svitlana nói.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)
- Sức ép tập kích có thể khiến Nga rút quân khỏi đảo Rắn
- Tên lửa diệt hạm Mỹ có thể khiến Nga bỏ đảo Rắn
Để lại một phản hồi