“Tôi muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mẹ và bản thân”, Hoàng bày tỏ, nói thêm rằng mình đang theo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc. Nhưng anh biết rằng mục tiêu thoát nghèo “rất xa vời”, bất chấp nỗ lực hết mình. “Tôi còn khoản nợ học phí 19.000 USD, có lẽ tôi sẽ không bao giờ mua được nhà”.
Theo giới chuyên gia, dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, những người trẻ Hong Kong có xuất thân khó khăn vẫn có thể mắc kẹt trong vòng lặp nghèo đói tồn tại qua nhiều thế hệ, do phải đối mặt với trở ngại ở mọi khía cạnh, từ không gian sống chật hẹp, đến nguồn lực hạn chế cho giáo dục, thể thao, giải trí, chưa kể gánh nặng việc nhà.
Tình trạng đói nghèo nhiều thế hệ ở Hong Kong ngày càng sâu sắc, trong bối cảnh khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt leo thang, đặc biệt là giá nhà và tiền thuê nhà, trong khi chính quyền có ít biện pháp hỗ trợ.
Có 275.000 trẻ em nghèo trong năm 2020, tương đương 27% trên toàn bộ trẻ em, cao nhất kể từ khi số liệu này được ghi nhận năm 2009.
“Trẻ em từ các hộ nghèo thiệt thòi ngay từ điểm xuất phát, trên mọi mặt”, Nelson Chu Vĩnh Tân, chuyên gia từ khoa công tác và quản trị xã hội của Đại học Hong Kong (HKU), nhận định. “Khả năng vượt khó của các cháu rất hạn chế. Rất có thể chúng sẽ tiếp nối công việc lao động tay chân từ cha mẹ”.
Trần Doanh, 37 tuổi, mẹ của hai con gái, thường xuyên lo lắng về tình cảnh gia đình sẽ ảnh hưởng đến các con. “Tôi lo chúng không thể thoát khỏi vòng xoáy nghèo đói của tôi và chồng hiện nay”, người phụ nữ làm công việc dọn dẹp, rửa bát bán thời gian tại nhà hàng, nói.
Gia đình cô sống tại một căn hộ rộng 14 m2 ở thị trấn Thuyên Loan, phải vay mượn khắp nơi để xoay sở trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Khi trường học đóng cửa và con gái Trần học trực tuyến tại nhà, hai cô bé dùng máy tính được tặng. Gia đình chỉ có thể trả phí dịch vụ internet rẻ nhất, chậm và không ổn định.
Trần nói môi trường tồi tàn đã ảnh hưởng đến kết quả học tập của con gái học lớp ba. Điểm số môn tiếng Anh của bé giảm từ trên 90 điểm xuống dưới 30 điểm, khiến bé mất tinh thần.
Hy vọng duy nhất của Trần là hai con gái học giỏi để sau này đỗ đại học và có cơ hội đổi đời. “Tôi hy vọng các con gái không phải trải qua cuộc sống cực nhọc như tôi”, cô nói.
Thống kê năm ngoái cho thấy 10% hộ gia đình khá giả nhất ở đặc khu có thu nhập trung bình 15.400 USD/tháng, gấp 40 lần so với thu nhập của 10% hộ gia đình nghèo nhất, khoảng 380 USD/tháng.
Chuyên gia Chu cũng cho biết trẻ em nghèo thường có kỹ năng ngoại ngữ kém hơn, hạn chế tiếp xúc xã hội và thiếu tự tin về bản thân. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội theo học tại các trường hàng đầu.
“Học sinh, sinh viên đến từ những gia đình thu nhập thấp không có khát vọng mạnh mẽ như những người bạn đồng trang lứa khá giả, muốn trở thành bác sĩ, luật sư”, ông nói.
Bất chấp khó khăn, Hoàng vẫn giữ mục tiêu về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh hiện sống cùng người mẹ 50 tuổi đã ly hôn tại nhà trọ rộng 22 m2 ở khu Trường Sa Loan. Bà mắc chứng viêm khớp dạng thấp và không thể làm việc. Hai mẹ con dựa vào chương trình Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA) của chính quyền, nhận trợ cấp khoảng 500 USD/tháng.
“Sinh ra trong một gia đình nghèo, tôi biết rõ rằng tôi phải làm việc chăm chỉ để đổi đời”, Hoàng nói.
Nhưng ngay cả những sinh viên như Hoàng cũng phải đối mặt với khoản nợ học phí khổng lồ khi tốt nghiệp, phải mất nhiều năm mới có thể trả hết. Mặc dù giáo dục vẫn quan trọng, tấm bằng đại học không còn là “chìa khóa” cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, khi có nhiều sinh viên tốt nghiệp chấp nhận mức lương hạn chế.
“Học đại học là điều cần thiết để thoát đói nghèo, nhưng yếu tố này ngày càng không đủ”, tiến sĩ Hứa Đa Đa, chuyên gia tại HKU, nói.
Theo bà, Hong Kong đẩy mạnh phổ cập giáo dục đại học, nhằm tạo điều kiện cho người trẻ có công việc tốt hơn so với phụ huynh, song kéo theo số lượng sinh viên tốt nghiệp gia tăng mạnh mẽ. Điều này dẫn đến “lạm phát bằng cấp”, khi các vị trí chuyên môn còn trống quá ít so với lượng sinh viên tìm việc.
Thống kê cho thấy thu nhập trung bình tháng của nhân viên toàn thời gian ở độ tuổi 20-24 có bằng cử nhân đã giảm từ 2.471 USD vào năm 1994, xuống còn 2.300 USD vào năm 2019.
Để lại một phản hồi