Ông Putin thay đổi hình ảnh giữa khủng hoảng

Khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu ngày 24/2 và trải qua những tuần đầu không thuận lợi, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra căng thẳng và đôi lúc có vẻ tức giận. Ông không xuất hiện trước công chúng nhiều ngày, thậm chí ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân trong trạng thái báo động cao khi căng thẳng với phương Tây gia tăng.

Nhưng 4 tháng sau, Tổng thống Putin thể hiện hình ảnh và phong thái rất khác. Ông trở nên thoải mái, kiên nhẫn và tự tin, giống những gì đã thấy trước khi xung đột nổ ra.

Ngày 29/6, ông tươi cười sải bước trên đường băng sân bay ở Turkmenistan, cởi áo khoác trước khi bước vào chiếc xe limousine bọc thép do Nga sản xuất để tham dự cuộc họp thượng đỉnh 5 nước trong khu vực.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin kể từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine. Giới quan sát cho rằng đây là một động thái có tính toán rõ ràng của Nga, nhằm tạo đối trọng với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha, nơi các quốc gia xem Moskva là đối thủ chính.

Tổng thống Putin cũng gửi thông điệp tới người dân Nga và thế giới rằng Điện Kremlin đang dần ổn định trở lại, bất chấp giao tranh căng thẳng ở Ukraine.

“Cú sốc ban đầu đã qua và mọi thứ hóa ra không tệ như vậy”, Abbas Gallyamov, người từng viết diễn văn cho ông Putin, mô tả quan điểm của Tổng thống Nga.

“Ông ấy hiểu rằng sự tín nhiệm của mình được xây dựng trên hình ảnh mạnh mẽ và tích cực, một lãnh đạo biết hành động và chiến thắng. Thái độ thụ động và náu mình sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của dư luận, đó là lý do ông Putin thay đổi hình ảnh”, Gallyamov nói thêm.

Tổng thống Vladimir Putin tại sân bay ở Ashgabat, Turkmenistan hôm 29/6. Ảnh: NY Times.

Tổng thống Vladimir Putin tại sân bay ở Ashgabat, Turkmenistan hôm 29/6. Ảnh: NY Times.

Chìa khóa trong thông điệp của ông Putin là Nga không hoàn toàn bị cô lập và các tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO, gồm quyết tâm hỗ trợ Ukraine và củng cố lực lượng ở sườn đông liên minh, không được ông quan tâm.

Chuyến đi của ông Putin tới Trung Á đáng chú ý không chỉ vì đây là lần đầu tiên ông rời đất nước suốt nhiều tháng qua. Sau khi bay đến Dushanbe, Tajikistan hôm 28/6 để gặp Tổng thống Emomali Rahmon, ông Putin đã nghỉ đêm tại đó, lần đầu tiên ông ở qua đêm bên ngoài nước Nga từ tháng 1/2020, khi Covid-19 bùng phát. Trong hơn hai năm đại dịch, ông Putin chủ yếu ở trong Điện Kremlin, chỉ tiếp xúc với rất ít các cố vấn thân cận.

Ngày 29/6, ông Putin bay tới Turkmenistan để gặp lãnh đạo 5 quốc gia ven biển Caspia, gồm cả Azerbaijan, Kazakhstan và Iran. Hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa thiết thực vì Nga đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực giàu năng lượng và quan trọng về kinh tế này, cũng như tìm cách lấp khoảng trống quyền lực sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Nhưng hội nghị cũng mang ý nghĩa biểu tượng đối với người dân Nga, mang đến bức tranh toàn cảnh về hoạt động ngoại giao và quyền lực mềm của Moskva ngay khi các lãnh đạo phương Tây tập trung ở Madrid. Tại cuộc họp với các lãnh đạo quốc gia ven biển Caspia, ông Putin đã kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực.

Sau đó, Tổng thống Putin tổ chức họp báo, khẳng định ông không có lý do gì để vội vàng chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng chiến dịch ở Ukraine phản tác dụng khi khiến Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO. Ông từng so sánh chiến dịch quân sự ở Ukraine với cuộc chiến mở rộng lãnh thổ của Sa hoàng Peter Đại đế vào thế kỷ 18.

Tổng thống Nga cũng phản bác Thủ tướng Anh sau khi ông Boris Johnson nói lãnh đạo G7 nên “cởi đồ” để cho thấy họ “mạnh mẽ hơn Putin”. “Tôi không biết họ muốn cởi đồ như thế nào, có phải từ thắt lưng trở lên hay không, nhưng tôi nghĩ đó sẽ là cảnh tượng không dễ chịu”, ông nói.

Ông cũng dường như tìm cách mỉa mai thói quen sinh hoạt của Thủ tướng Johnson và đề cập bê bối tiệc tùng trong thời gian phong tỏa ngăn Covid-19 của chính quyền Johnson. “Mọi thứ nên được phát triển hài hòa trong một con người, cả thể xác và tâm hồn. Tuy nhiên, để mọi thứ được cân đối, người ta phải từ bỏ việc uống rượu quá nhiều và bỏ các thói quen xấu khác, bắt đầu tập thể dục và chơi một môn thể thao nào đó”, ông nhấn mạnh.

Tatiana Stanovaya, chuyên gia lâu năm về Điện Kremlin đang sống ở Pháp, cho rằng những gì ông Putin thể hiện tuần qua một lần nữa cho thấy Tổng thống Nga có thể thay đổi hình ảnh tùy theo tình hình như thế nào.

Trong vài tuần căng thẳng trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu, ông Putin trở nên kín tiếng và gần như không công khai đề cập đến vấn đề Ukraine trong hơn một tháng, dù hàng chục nghìn binh sĩ Nga lúc đó đang tập kết gần biên giới nước láng giềng. Ông cũng không xuất hiện trước máy quay suốt nhiều tuần sau khi ra lệnh thực hiện chiến dịch.

Sự căng thẳng của Tổng thống Nga phần nào được thể hiện trong bài phát biểu phát động chiến dịch quân sự. Ông gọi phương Tây do Mỹ lãnh đạo là “đế chế dối trá” và đe dọa bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp vào vấn đề Ukraine sẽ “gánh hậu quả chưa từng có”.

Hồi tháng 3, ông chỉ trích những người Nga thân phương Tây là “cặn bã và phản bội”, nói rằng họ sẽ bị nước Nga trừng phạt “như đập ruồi”. Những lời lẽ gay gắt của ông, cộng với việc phương Tây tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine và đà tiến chậm chạp của lực lượng Nga trên chiến trường, đã khiến nhiều nhà phân tích, trong đó có Stanovaya, lo ngại rằng ông Putin có thể sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

Nhưng sau đó, ông chủ Điện Kremlin bắt đầu giảm tông, không còn đưa ra những lời đe dọa nặng nề và trở lại hình ảnh một con người thoải mái hơn trước công chúng. Ông dành 90 phút gặp gỡ các doanh nhân trẻ và xuất hiện gần 4 giờ trên sân khấu của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi giữa tháng 6.

“Ông ấy bắt đầu tích cực xuất hiện trước công chúng, trở nên cởi mở và thẳng thẳng hơn. Nó giống như thể ông ấy đang bước ra sân khấu để xem những gì mình đã thực sự làm được”, bà Stanovaya nói.

Những dự đoán của phương Tây rằng ông Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine và phát lệnh tổng động viên để huy động thêm quân vẫn chưa xảy ra. Các bước đi của phương Tây mà Nga cho là thù địch, như trao tư cách ứng viên Liên minh châu Âu cho Ukraine và mời Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO, đã không kích động bất kỳ động thái trả đũa mạnh tay nào từ Moskva.

Chiến lược của Tổng thống Nga hiện nay dường như là kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng quyết tâm của phương Tây sẽ lung lay trước áp lực về kinh tế trong nước và quân đội Ukraine sẽ thua trước đà tấn công tổng lực của Nga.

“Ông ấy đang đánh cược với thời gian, rằng khi phương Tây mệt mỏi và kiệt quệ, Kiev sẽ phải chấp nhận mọi điều kiện”, bà Stanovaya nói.

Tổng thống Nga Putin dự hội nghị tại Ashgabat, Turkmenistan ngày 29/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Putin dự hội nghị tại Ashgabat, Turkmenistan ngày 29/6. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia này thêm rằng Nga đã theo dõi chặt chẽ các tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden và quyết định “được rồi, luật chơi đã được thiết lập. Chúng tôi có thể chấp nhận chúng. Vì vậy, chúng tôi có thể bình tĩnh và chỉ cần chờ đợi”.

Anton Troianovski, bình luận viên kỳ cựu của NY Times, cho rằng các tính toán của ông Putin không phải lúc nào cũng chính xác. Tổng thống Nga từng kỳ vọng người dân Ukraine sẽ chào đón lực lượng Nga tới “giải phóng đất nước”, cho thấy đánh giá sai lầm của ông về quốc gia này.

Trong khi đó, tác động tiêu cực từ loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tăng lên, có thể ảnh hưởng tới “trò chơi chờ đợi” của ông Putin. Bộ trưởng Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov tuần trước nói rằng đồng ruble tăng giá mạnh có thể ảnh hưởng không tốt tới các nhà xuất khẩu Nga.

Tuy nhiên, ông Putin không đề cập tới Ukraine hay cuộc đối đầu với phương Tây trong bài phát biểu dài 8 phút tại Turkmenistan hôm 29/6, dấu hiệu cho thấy ông sẽ coi cuộc chiến ở Ukraine như một vấn đề bình thường và tiếp tục mọi thứ như trước đây. Trong diễn văn, ông nói về nỗ lực của Nga nhằm cải thiện giao thông và du lịch trong khu vực, cũng như giải quyết tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn thủy sản ở biển Caspia.

Ông cho biết con tàu du lịch vùng Caspia đầu tiên sẽ khởi hành vào năm tới từ sông Volga ở vùng Astrakhan của Nga. Con tàu sẽ mang tên Peter Đại đế.

Thanh Tâm (Theo NY Times)

  • NATO nỗ lực phát thông điệp đối đầu Nga
  • Cục diện đảo chiều trên chiến trường đông Ukraine
  • Phương Tây hụt hơi khi đối đầu Nga
  • Tăng tập kích tên lửa vào Ukraine, Nga răn đe phương Tây
  • Khủng hoảng lương thực khiến phương Tây ‘chùn tay’ trước Nga

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*