Một ngày sau khi tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga Gazprom thông báo sẽ đình chỉ hoạt động một tua bin khí khác của đường ống Nord Stream 1 khiến dòng khí đốt sang châu Âu giảm xuống còn 20%, thì Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận chung với một loạt các miễn trừ.
Theo một số phương tiện truyền thông như Reuters, CNN, vào ngày 26/7 (theo giờ địa phương), các bộ trưởng năng lượng của 27 nước thành viên EU đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt tại Brussels để thảo luận về tình hình thiếu khí đốt tự nhiên. Tại cuộc họp, các nước đã đạt được thỏa thuận “tự nguyện” giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa đông này.
Theo thỏa thuận, tất cả các nước EU cần giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên 15% trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023, tương đương 45 tỷ mét khối khí tự nhiên – mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ từ năm 2016 đến năm 2021.
LIÊN MINH CHÂU ÂU CHIA RẼ
Tờ Guancha (Trung Quốc) nhận định, thỏa thuận mới nhất cho thấy sự “thỏa hiệp” của tất cả các bên và Hungary là thành viên duy nhất của EU bỏ phiếu chống thỏa thuận này.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng, việc EU “tự nguyện cắt giảm” khí đốt tự nhiên là “hoàn toàn phớt lờ lợi ích của người Hungary và là một kế hoạch phi lý, vô ích, không thể thực thi và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia”.
“Có ai ở Brussels có thể giải thích cho người Hungary nguyên nhân tại sao Hungary tạm thời không có khí đốt cho nên người Hungary hoặc các doanh nghiệp Hungary không thể sử dụng khí đốt không? Đúng là phi lý“, ông Szijjarto nói.
Theo hãng thông tấn TASS, phía Áo cũng có quan điểm tương tự. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết trong cuộc họp báo mới đây với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, rằng nước này không thể áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga vì điều đó có thể khiến ngành công nghiệp nước này sụp đổ và dẫn tới tình trạng thất nghiệp.
Quan điểm của nước Áo là không thể đưa ra lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga. Không chỉ vì Áo phụ thuộc vào khí đốt của Nga mà ngành công nghiệp của Đức cũng phụ thuộc vào nước này. Nếu ngành công nghiệp nước Áo sụp đổ thì chúng tôi sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer
Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: TASS
Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ yêu cầu “điều kiện đa số”, tức chỉ cần 15 quốc gia thành viên EU đồng ý thì thỏa thuận sẽ được thông qua, vì vậy việc bỏ phiếu chống của Hungary “không ảnh hưởng lớn tới quyết định chung”.
MỸ LO LẮNG
Hiện nay, tình trạng thiếu nhiên liệu đang đẩy giá cả tăng vọt, điều này không chỉ gây lo ngại ở các nước châu Âu, mà còn khiến Mỹ lo lắng. CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực phía sau hậu trường để đoàn kết EU sau khi Nga cắt giảm thêm nguồn cung.
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ hôm 26/7 đã cử Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Amos Hochstein đến Paris và Brussels để thảo luận về các kế hoạch dự phòng với nhóm công tác năng lượng Mỹ-EU.
Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng tôi – Cố vấn cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ Amos Hochstein
Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein. Ảnh: AP
Quan chức Mỹ cho rằng, tác động của việc Gazprom cắt giảm nguồn cung đối với châu Âu có thể tràn sang Mỹ, khiến giá khí đốt và điện tăng cao. Và đây cũng sẽ là một phép thử lớn đối với quyết tâm và sự đoàn kết của châu Âu.
Vấn đề tăng sản lượng điện hạt nhân trên khắp châu Âu để bù đắp cho tình trạng thiếu khí đốt cũng sẽ được đưa ra khỏi cuộc thảo luận trong những ngày tới, một quan chức Mỹ cho biết. Đức có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào cuối năm 2022 nhưng các quan chức Mỹ hy vọng sẽ thuyết phục được chính phủ Đức kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) cảnh báo, mùa đông năm nay, có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Bài báo dẫn lời chuyên gia năng lượng Jason Bordoff, Trưởng khoa Khí hậu của Đại học Columbia, cho biết: “Chúng ta sẽ trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới, và tôi nghĩ nó sẽ còn tồi tệ hơn nữa“.
UKRAINE YÊU CẦU MỸ CUNG CẤP KHÍ ĐỐT
Tờ Business Insider (Mỹ) dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25/7 nói rằng: “Đây là cuộc chiến khí đốt công khai do Nga phát động nhằm vào châu Âu“, đồng thời, ông kêu gọi thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Nga đang làm mọi thứ trong khả năng của mình thông qua Gazprom để khiến mùa đông sắp tới này trở nên khó khăn đối với các nước châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, Ukraine đã yêu cầu Mỹ viện trợ khí đốt tự nhiên theo nguyên tắc tương tự như áp dụng đối với vũ khí và đạn dược.
Hãng tin RT (Nga) dẫn lời Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal hôm 26/7, cho biết “hợp đồng cho thuê khí đốt” này sẽ cần thiết cho mùa đông tới.
“Chính phủ Ukraine đã quyết định gửi yêu cầu tới chính phủ Mỹ để cung cấp cho nước ta ‘hợp đồng cho thuê khí đốt’ nhằm có một mùa sưởi ổn định“, ông Shmigal thông báo trong một cuộc họp nội các.
“Công tác chuẩn bị cho mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử của chúng ta vẫn tiếp tục và chúng ta đang tìm kiếm tất cả các công cụ có thể để sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào“, ông nói thêm.
Mặc dù, Thủ tướng Shmigal không nói rõ về việc thỏa thuận được đề xuất sẽ hoạt động như thế nào, nhưng việc ông sử dụng thuật ngữ “cho vay-cho thuê” cho thấy rằng, Kiev mong đợi được nhận miễn phí khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa chính thức phản hồi về việc Ukraine “cho thuê” khí đốt tự nhiên.
CUỘC CHIẾN KHÍ ĐỐT TỰ NHIÊN ĐÃ BẮT ĐẦU?
Kể từ giữa tháng 6 năm nay, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 đã trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu, khi ban đầu sản lượng giảm từ 167 triệu mét khối xuống 100 triệu mét khối, sau đó giảm xuống 67 triệu mét khối, và đến 33 triệu mét khối.
Sự thay đổi liên tục khiến các chính trị gia châu Âu tự hỏi liệu Nga có tiếp tục cung cấp khí đốt trong tương lai và giá khí đốt sẽ tăng cao đến đâu.
Một nhà kinh tế cao cấp của BCS Global Markets cho rằng việc Nga khóa van toàn bộ các đường ống dẫn khí quan trọng này đến châu Âu là có thể xảy ra, nhưng khả năng này cực kỳ thấp. Bởi dù chỉ là lưu lượng cực ít thì Nga vẫn có nhiều khả năng nghiên về việc “thương lượng về các điều kiện bảo trì tuabin”.
Một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Bruegel châu Âu cũng cho rằng, Nga có thể hạn chế sản lượng nhưng không bao giờ khóa van hoàn toàn, bởi vì “dòng khí nhỏ vẫn có thể thao túng thị trường và tối ưu hóa tác động địa chính trị”.
Tại Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga, Thủ tướng Orban từng nói với giới truyền thông rằng, chính sách trừng phạt của châu Âu đang trên đà “tự hủy diệt”. Ông nói rằng, châu Âu hiện đã “tự bắn vào phổi mình và các quốc gia ở châu Âu ‘thở hổn hển'”.
Về vấn đề này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng Nga “không có hứng thú” trong việc cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ông này nhấn mạnh, Nga là bên cung cấp khí đốt và việc Nord Stream giảm nguồn cung là do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây nên.
https://babfx.com/quan-chuc-my-sang-eu-xu-ly-tinh-trang-khan-hiem-nhien-lieu-cuoc-chien-khi-dot-da-bat-dau-20220729153051038.htm
Để lại một phản hồi